65% doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục là “phổ biến”, và nhiều đơn vị mất hơn 10% doanh thu cho các chi phí không chính thức.
"Hồ sơ Panama bổ trợ cho thông tin của ngành thuế"
- Cập nhật : 15/05/2016
(Kinh te)
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý các doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế vừa chính thức lên tiếng về trách nhiệm quản lý của ngành thuế với các tổ chức, cá nhân có tên trong hồ sơ Panama.
Đánh giá về hồ sơ Panama, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, tài liệu này đã "gây một sự chấn động trên toàn cầu" bởi vì có một số nước đã có nhân vật cao cấp mà xuất hiện trong hồ sơ và họ đã bị pháp luật của nước họ cho rằng, kết luận rằng là họ có những thiếu sót về thuế hay gian lận thuế.
"Từ thực tế đó thì không ít người cứ nghĩ rằng là liệu trong số đó có người của mình hay không? Nhưng tôi cũng xin nói rằng là các bạn hãy hết sức yên tâm bởi vì là các nước người ta có đầy đủ dữ liệu và quy trình là chặt chẽ kiểm soát các dòng tiền cho nên người ta có thể rất nhanh công bố và tìm ra các nhân vật có liên quan. Chúng ta cũng có thông tin nhưng chúng ta cũng cần phải có đầy đủ các chứng cứ thì mới biết được rằng có liên quan hay không liên quan", ông Phụng nói.
Vị cán bộ cấp Vụ của Tổng cục Thuế cũng cho rằng, trong giao dịch bình thường, những cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong hồ sơ này cũng là bình thường.
"Bởi vì doanh nhân thì người ta có giao dịch với các đổi tác bên nước ngoài, các doanh nghiệp cũng có quan hệ đối tác với các nước khác vì họ đầu tư, mua bán, ký kết hợp đồng về dịch vụ thì theo thông lệ quốc tế thì thực hiện giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng thì người ta lưu giữ những thông tin đó thì cũng là chuyện rất bình thường và chúng ta hết sức bình tĩnh để làm rõ có liên quan hay không liên quan", ông này phân tích.
Trả lời về việc Tổng cục Thuế đã lập một tổ công tác để nghiên cứu và điều tra các vấn đề liên quan đến hồ sơ panama, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, thực tế, việc xem xét các hoạt động về trốn tránh thuế là công việc thường xuyên của ngành thuế chứ không phải là khi có hồ sơ panama thì Tổng cục Thuế mới xem.
"Ngay từ tháng 2/2016, khi mà hồ sơ này chưa được công bố thì chúng tôi cũng đã có những thu thập thông tin về những doanh nghiệp có quan hệ với những tổ chức nước ngoài, chứ không phải là có hồ sơ này mới làm", ông Phụng nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phụng cũng cho biết: "Đương nhiên chúng tôi cũng đánh giá là hồ sơ này là một trong những nguồn thông tin tham khảo để bổ trợ cho công việc thu thập thông tin quản lý của chúng tôi". "Chúng tôi cho rằng là cái hồ sơ này tốt hay không tốt thì chúng ta phải đi sâu cặn kẽ tìm hiểu thông tin trên cơ sở đó thì mới có thể thực hiện được việc thanh tra, kiểm tra và xác định xem là những người đó có hoàn thành đủ nghĩa vụ thuế hay chưa", ông nói rõ thêm.
Về những nghi ngờ có những hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp từ Việt Nam sang Panama, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, Việt Nam đã ký Công ước quốc tế về chống rửa tiền nên cũng có trách nhiệm kiểm soát.
"Các tổ chức, cá nhân khi chuyển tiền này phải chịu trách nhiệm về việc công khai thông tin cũng như xin phép lý do để mình chuyển tiền. Và các doanh nghiệp đã đầu tư ra ngoài, mỗi khi chuyển tiền về nước đều phải xuất trình với cơ quan thuế, cơ quan cấp quyền để chuyển ngoại tệ về việc người ta đã hoàn thành nghĩa vụ thuế hay chưa. Anh nào mà cố tình làm trái thì chúng ta sẽ phải có bằng chứng, có thông tin để chỉ ra rằng anh sai phạm ở đâu, có sai phạm không, sai phạm ở mức độ nào thì lúc đó chúng ta mới có thể xử lý được", ông Phụng nêu ý kiến.
Cũng theo ông Phụng, gần đây, một số cơ quan nhà nước cũng đã lên tiếng về vấn đề hồ sơ Panama như Cục Phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, Cục Phòng chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước..."Mỗi cơ quan đều có chức năng riêng và đều dữ liệu vì vậy hơn lúc nào hết chúng ta cần có sự chia sẻ dữ liệu, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan để có được những thông tin chính xác", ông Phụng nêu quan điểm
Ngoài ra, cũng theo vị cán bộ của Tổng cục Thuế, "thông tin chính xác cũng để các cá nhân, tổ chức có tên trong đó người ta yên tâm. Vì mặc dù người ta có tên nhưng người ta minh bạch, đàng hoàng thì mình cũng phải nói là họ đàng hoàng, minh bạch và những anh nào có tên mà vi phạm pháp luật thì chúng ta cũng xử lý theo quy định pháp luật".
"Chúng ta không thể cào bằng việc cứ có tên là đen, chúng ta phải hết sức tỉnh táo khi xem xét những thông tin này", ông Phụng khẳng định.