Theo Bộ Tài chính, bội chi ngân sách nhà nước bảy tháng ước 100,68 nghìn tỉ đồng.
Chính phủ chỉ đạo gỡ nút thắt nông nghiệp và xuất khẩu
- Cập nhật : 06/08/2015
(tin kinh te)
Ngày 31/7, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 và nhận định, mặc dù tình hình kinh tế đạt được kết quả tích cực, song vẫn còn những khó khăn vướng mắc cần sớm được tháo gỡ như nông nghiệp, xuất khẩu...
Các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2015 tiếp tục đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. CPI tháng 7 tăng 0,13% so với tháng trước.
Tín dụng đối với nền kinh tế tăng đều từ đầu năm, đến 20/7 tăng 7,32%. Tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 8,8% . Vốn ODA giải ngân ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 10,1%. Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển, công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi mạnh mẽ.
Lo ngại cho sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng tăng 9,9% cũng cho thấy tín hiệu tốt về phục hồi sức mua và tổng cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, lựng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 tăng 12,1% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2014. Vận chuyển hàng hóa ước tăng 5,8%, luân chuyển hàng hóa tăng 1,8%.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng nhận định, kinh tế vẫn đối diện một số khó khăn, thách thức. Trong đó, sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, giá cả nông sản trên thị trường thế giới tiếp tục giảm ảnh hưởng mạnh đến thị trường xuất khẩu một số mặt hàng nông sản.
Xuất khẩu tăng thấp hơn cùng kỳ, chưa đạt kế hoạch đề ra, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước sụt giảm; đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán còn nhiều khó khăn.
Do đó, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển từ vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ, ODA..., tập trung hoàn thành, giải ngân các dự án quan trọng, cấp bách; tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội.
Mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu; khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại, sự hồi phục kinh tế thế giới và khu vực.
Tăng cường chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá; tập trung kiểm soát chi ngân sách, bảo đảm triệt để tiết kiệm. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Bảo đảm tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết một cách đồng bộ, có chất lượng, có tính khả thi. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách và chỉ đạo tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô, huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư cho đầu tư phát triển; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; bảo đảm điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định.
Các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình bão, mưa, lũ, có phương án phòng chống lũ, lụt trong mùa mưa bão; triển khai kịp thời các biện pháp cứu hộ, khắc phục hậu quả mưa lũ ở Quảng Ninh, ổn định cuộc sống của người dân và phát triển sản xuất.
Bên cạnh đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh cho khách quốc tế, ngành Du lịch cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khắc phục những yếu kém, thúc đẩy du lịch phát triển.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo ra hàng hóa đa dạng, có chất lượng cho thị trường chứng khoán; đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, ngành xây dựng, ngành giao thông...theo các đề án đã được duyệt của từng Bộ, ngành, địa phương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu để bảo đảm thực hiện theo đúng lộ trình.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành công thương. Xây dựng cơ chế khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.