Theo chuyên gia, cơ quan chức năng Việt Nam khó kiểm soát được việc doanh nghiệp vay nợ ngắn hạn nước ngoài, do đó, phía Việt Nam dễ bị thiệt thòi.
Tăng trưởng kinh tế: Áp lực thúc đẩy gia tăng cải cách
- Cập nhật : 23/06/2018
Kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh với sự khẳng định vai trò của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, đó mới là bước đầu vì nền tảng cho tăng trưởng tốt vẫn chưa xác lập vững chắc. Do vậy tiếp tục gia tăng áp lực cải cách lên các bộ, ngành là điều cần phải tiếp tục duy trì.
Khẳng định vai trò kinh tế tư nhân
GDP Việt Nam vài năm gần đây theo chiều hướng tăng và dường như đã thoát khỏi đáy chu kỳ khủng hoảng giai đoạn 2011-2012. Năm 2017, kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, nhưng GDP vẫn đạt được mức tăng trưởng cao trong 10 năm trở lại đây.
Theo đà này, quý I/2018 GDP cũng tăng vọt đã khiến Chính phủ vừa mừng vừa lo. Vẫn biết đồ thị tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 1 năm quý sau luôn cao hơn quý trước, về dài hạn xu hướng chung tăng trưởng kinh tế đi lên. Tuy nhiên, nếu tách ra từng năm, nhiều năm lại thấy có sự trồi sụt về tăng trưởng rất khác nhau theo từng quý.
Thí dụ, năm 2017 GDP quý I tăng rất thấp (5,15%), đúng như dự báo của các nhà kinh tế Việt Nam và tổ chức quốc tế. Đầu năm, chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế của năm 2017 chỉ 6-6,3%, trong khi Chính phủ và Quốc hội thống nhất mục tiêu tăng GDP 6,7%. Điều này có vẻ đúng khi quý I tăng trưởng rất thấp và không ai tin Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, kết quả quý II và III cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc. Chưa bao giờ có khoảng cách rộng như thế giữa từng quý. Chính vì thế, kết quả tăng trưởng GDP cuối năm 2017 mang đến sự hoài nghi về việc chủ yếu dựa trên hút tài nguyên, hoặc tăng đầu tư công… Con số được Chính phủ báo cáo bổ sung trước khi diễn ra kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, tăng trưởng GDP năm 2017 tăng 6,81%.
Dựa trên các số liệu thống kê, có thể nói năm 2017 Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh, thay đổi thật sự dựa trên những số liệu hoàn toàn có thể chứng minh được. Thứ nhất, những ngành lâu nay tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên tăng trưởng âm (dầu khí âm 10%, than âm 4%…). Trong khi đó, những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao với 2 điểm nhấn là Formosa và Samsung.
Thứ hai, nông nghiệp tăng 2,78% so với trước đó chỉ tăng 0,62%, tức có sự dịch chuyển trong tăng trưởng cơ cấu ngành. Thứ ba, có sự nghi ngờ về việc tăng trưởng vọt lên, như đầu tư công giảm, giải ngân từ ngân sách đến tháng 7 mới 41%, trái phiếu chính phủ cũng chỉ 7%.
Hơn nữa khi tăng trưởng từ trước đến nay của Việt Nam chủ yếu dựa vào đầu tư công, và sau tháng 7 nếu có tăng đầu tư công kết quả cũng sang năm sau vì có độ trễ. Ngay như Bộ Tài chính cảnh báo nguy cơ tăng trưởng không đạt do đầu tư công không đạt. Nhưng rồi cuối cùng năm 2017 GDP vẫn đạt và vượt.
Vậy nguyên nhân do đâu? Năm 2017 có điểm rất quan trọng là đầu tư tư nhân tăng rất mạnh bù vào đầu tư công. Vai trò của khu vực tư nhân thay đổi, nguồn vốn tư nhân đã thay thế vốn nhà nước để đột phá nền kinh tế. Năm 2017, vốn nhà nước giải ngân khó khăn, có những bộ giải ngân 5 tháng đầu năm chỉ 2%.
Trong bối cảnh này, kinh tế tư nhân không chỉ bỏ vốn đầu tư mà còn thiết kế chính cho diện mạo kinh tế Việt Nam. Thí dụ, một tập đoàn tư nhân trong nước đầu tư làm sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) dù công suất thiết kế không lớn (5 triệu khách/năm). Điểm quan trọng là doanh nghiệp tư nhân chưa bao giờ được làm những dự án như vậy. Tính từ thời gian động thổ cho đến lúc xong chỉ 18 tháng, và họ nói rằng sân bay có thể đáp ứng được cả những máy bay chở khách lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, những sân bay liên quan đến Nhà nước làm rất chậm, như sân bay Long Thành đến nay vẫn chưa xong quy hoạch, thiết kế, giải phóng mặt bằng, kéo theo tình trạng tắc nghẽn giao thông tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng nghiêm trọng. Kinh tế tư nhân Việt Nam đủ lực để làm những dự án lớn, và nếu kết hợp được với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sức mạnh của họ sẽ tiếp tục được khẳng định.
Nền tảng tăng trưởng chưa vững chắc
Đã có những thay đổi nhưng thay đổi hoàn toàn hay chưa, theo tôi mới chỉ là bắt đầu, tức nền tảng cho tăng trưởng tốt vẫn chưa được xác lập vững chắc. Bởi tăng trưởng của Việt Nam hiện vẫn dựa vào khai thác tài nguyên, dù hiện nay khai thác tài nguyên giảm nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng.
Tiếp đến là dựa vào những ngành có năng suất lao động thấp, gia công, lắp ráp, kể cả doanh nghiệp FDI nên tăng trưởng của Việt Nam vẫn thấp. Ngoài ra, xét tổng thể năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam yếu từ doanh nghiệp nhà nước, đến khu vực tư nhân trong và ngoài nước.
Hiện nay, khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 28-29% GDP, là khu vực hiệu quả thấp. Khu vực hộ gia đình, tức khu vực nhỏ, manh mún, lại là khu vực làm ra nhiều GDP nhất, khoảng 32%. Khu vực FDI đã rót vốn vào Việt Nam khoảng 18-19% GDP, nhưng chỉ đóng góp rất nhỏ, khoảng 8% GDP, dù được xác định đây là khu vực quan trọng. Cấu trúc như vậy cho thấy chưa có gì đảm bảo Việt Nam có thể vượt nhanh.
Thay đổi cấu trúc này sao cho khu vực doanh nghiệp chiếm khoảng 30%, khu vực hộ gia đình chỉ 5-7%. Trong khu vực doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân phải áp đảo. Nếu không cải thiện được cấu trúc này sẽ rất khó. Do đó, phải thay đổi cách hỗ trợ doanh nghiệp, thay đổi cách thức thu hút vốn FDI hiện chủ yếu công nghệ thấp.
Một nền tảng quan trọng nữa là Chính phủ, đó là điểm hạn chế bộ máy còn cồng kềnh, tiền ngân sách dành cho chi thường xuyên chiếm hơn 60%, phần dành cho đầu tư ít, chưa kể phải trả nợ. Điểm hạn chế nữa là nguồn nhân lực chất lượng thấp, chậm được cải thiện. Chúng ta phải nhìn nhận cấu trúc kinh tế của Việt Nam là nguyên nhân của tình trạng này.
Đó là môi trường cạnh tranh không cao, hệ thống giáo dục đào tạo hướng về bằng cấp. Ngoài ra, vẫn còn có những hạn chế khác như các loại thị trường chưa phát triển, trong đó có thị trường đất đai… Những bất cập nêu trên cho thấy những vấn đề thuộc về nền tảng cần phải được cải thiện nhiều.
Môi trường đầu tư với doanh nghiệp hiện nay còn nhiều khó khăn, như chi phí vốn cao, chi phí logistics chiếm đến 20,8% GDP (bình quân thế giới là 11,7%). Nếu như Việt Nam giảm được những chi phí này, doanh nghiệp sẽ lớn mạnh hơn.
Mục tiêu của Chính phủ được Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh “sống còn của doanh nghiệp Việt là chi phí”. Do đó, một loạt chi phí ảnh hưởng đến doanh nghiệp được yêu cầu giữ hoặc cắt giảm như giá điện, phí BOT, kiềm chế lạm phát, giảm phí logistics…
Còn nhiều ràng buộc
Năm nay, cam kết của Chính phủ là gây áp lực để bỏ thủ tục hành chính, cởi trói cho doanh nghiệp hơn nữa. Tất nhiên, việc này liên quan đến lợi ích của các bộ, ngành nên sẽ không dễ, nhưng tôi tin rằng sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Năm 2017 chúng ta bắt đầu thay đổi cách thức tăng trưởng, có bước chuyển mình mạnh, dù từ năm 2011 Việt Nam đã tuyên bố thay đổi mô hình tăng trưởng. Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã kiến nghị Thủ tướng tiếp tục gia tăng gây áp lực mạnh mẽ đến các bộ, ngành “bắt phải cải cách” và cải cách mạnh hơn, vì nếu bộ nào dừng cải cách sẽ rất nguy hiểm.
Năm 2018, điều gì đang chờ đợi kinh tế Việt Nam? Nhìn từ nội tại, những bất ổn của kinh tế thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam. Bởi lẽ, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao. Bên cạnh đó là nền kinh tế còn đang yếu. Vì thế, sự bất ổn của thế giới sẽ gây tác động tiêu cực.
Thí dụ, cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc và châu Âu sẽ ảnh hưởng rất lớn, vì đó là những thị trường lớn nhất của Việt Nam. Hay như Trung Quốc, điều chỉnh cơ cấu kinh tế và điều đó sẽ tác động mạnh nhất. Theo đó, Trung Quốc thừa vốn đầu tư vào Việt Nam và công nghệ cũng sẽ di chuyển đến. Việt Nam có sẵn sàng tiếp nhận và có cách gì để tận dụng lợi thế, đó là bài toán khó.
Khuyến nghị của chúng tôi thời gian tới là ưu tiên khuyến khích đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; tập trung thúc đẩy tăng trưởng ở những trung tâm lớn như TP. Hồ Chí Minh; tiếp tục tạo áp lực cải cách; phát triển các thị trường đang nóng như: đất đai, lao động, thị trường tài sản nhà nước (doanh nghiệp cổ phần hóa)…
PGS.TS Trần Đình Thiên Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ/saigondautu.com.vn