Việc lạm phát giảm xuống mức thấp như hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực, cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Vì thế, công tác điều hành giá 2016 ra sao vẫn còn là câu hỏi lớn.
Đối thoại Việt-Mỹ: Thách thức bất định cho đa dạng nguồn năng lượng
- Cập nhật : 03/04/2018
Đầu tư chuỗi dự án điện - khí, sử dụng LNG, mối quan tâm chính của Mỹ cho lĩnh vực năng lượng của Việt Nam
Đầu tư chuỗi dự án điện - khí, sử dụng LNG, mối quan tâm chính của Mỹ cho lĩnh vực năng lượng của Việt NamNguồn ảnh: baodauthau.vn
Đối thoại năng lượng Việt – Mỹ đã khép lại cuối tuần trước mà không đạt được thỏa thuận nào. Mục tiêu đa dạng hóa nguồn năng lượng của phiên đối thoại này được dừng lại ở xu hướng hợp tác trong tương lai, với một vài gợi ý phát triển tỏng lĩnh vực dầu khí, mảng năng lượng tái tạo gần như được giữ nguyên trong khi nhiệt điện than hầu như không được bàn tới.
Nhu cầu thực
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, cho biết, tổng năng lượng khai thác của Việt Nam “không có đột biến lớn” trong những năm gần đây. Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng từ năm 2015, với tỷ lệ nhập ròng khoảng 5% tổng năng lượng cung cấp.
Tỷ lệ nhập khẩu năng lượng của Việt Nam được Viện Năng lượng thuộc Bộ Công thương dự báo sẽ tăng mạnh, do nhu cầu năng lượng đến năm 2035 tăng gần gấp 2,5 lần so với năm 2015, từ 54 triệu TOE (hệ số chuyển đổi năng lượng) lên khoảng 90 triệu TOE vào năm 2025.
Việt Nam đã bắt đầu nhập 1-3 triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đến năm 2020 sẽ phải nhập khẩu 10-12 triệu tấn dầu thô/năm và 40 triệu tấn than/năm. Và đến năm 2025, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 18-20 triệu tấn dầu thô/năm và 3,6 triệu tấn LNG/năm cùng 70 triệu tấn than/năm.
Nhập khẩu năng lượng của Việt Nam tiếp tục tăng trong giai đoạn 2020-2025, khi thị trường tiêu thụ khí trong nước dự báo đạt 13-27 tỷ m3 nhưng sản lượng khí trong nước chỉ đạt 13-19 tỷ m3. Việt Nam buộc phải nhập 1-4 triệu tấn/năm. Nhập khẩu khí LNG tiếp tục tăng manh trong giai đoạn 2026-2035 do nhu cầu thị trường tăng từ 23-31 tỷ m3, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu từ 6-10 triệu tấn/năm.
Khí LNG đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam, trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch cạn kiệt, thủy điện đã tới hạn, dừng các dự án điện hạt nhân, các nguồn năng lượng mới và tái tạo chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu năng lượng.
Nhu cầu về khí của Việt Nam không ngừng gia tăng sẽ là tiền đề cho phát triển chuỗi cung cấp, sử dụng khí, đặc biệt là nhập khẩu LNG. Thứ trưởng Bộ Công thương, Hoàng Quốc Vượng, nói rằng có thể có cơ chế để doanh nghiệp hai nước triển khai các cơ hội hợp tác mới.
Tại Đối thoại Việt – Mỹ, Thứ trưởng Công thương không ngần ngại đưa ra những đề nghị của Việt Nam, về tiếp tục hợp tác trong việc triển khai các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam; đầu tư chuỗi dự án điện – khí sử dụng LNG và lựa chọn các đối tác chiến lược có khả năng cung cấp dài hạn dầu thô, các sản phẩm dầu mỏ, khí LNG.
Điện khí cho Việt Nam
Hiện, tổng trữ lượng và tiềm năng dầu khí toàn thềm lục địa khoảng 3,3-4,4 tỷ tấn dầu quy đổi, trong đó khí chiếm tỷ lệ 55-60%. Tuy nhiên, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tính đến nay mới chỉ cung cấp được hơn 122 tỷ m3 khí, trong đó gần 94% cho phát điện.
Việt Nam nên phát triển điện- khí sử dụng LNG hơn là tiếp tục hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than, lời khuyên phía Mỹ trong phiên Đối thoại là không mới, nhưng được chú ý bởi lần đầu tiên được đề cập ở tầm quốc gia.
Đề xuất của Mỹ là tốt cho sự đa dạng nguồn cung năng lượng, nhưng Việt Nam lại chưa thể tiến hành ngay, bởi thiếu một khung pháp lý cho điện khí. Trong Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh, nội dung cho điện khí khá mờ nhạt. Việt Nam có thể phải mất tới 3 năm để bổ sung đề xuất này vào Quy hoạch Điện mới đồng thời chuẩn bị hạ tầng để nhập khẩu.
Thực ra, trước và trong Đối thoại, đã có nhiều đồn đoán về khả năng Mỹ hỗ trợ Việt Nam phát triển điện – khí, tương tự phương thức hỗ trợ “trọn gói” phát triển điện gió của nước Đức cho Việt Nam. Tuy nhiên, những nội dung được hai bên bàn thảo tại Đối thoại lần này chỉ là “để hiểu nhau”.
Trên thực tế, "việc tổ chức các cuộc đối thoại song phương với Mỹ là không dễ", ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết. Theo ông, đã có rất nhiều nỗ lực từ “hậu trường” suốt 3 năm qua để có được cuộc đối thoại Việt – Mỹ đầu tiên cho lĩnh vực an ninh năng lượng, một trong 5 cuộc đối thoại Mỹ tiến hành trên toàn thế giới.
Hai nước đang chú ý nhiều đến việc bảo vệ các nguồn và cơ sở hạ tầng về năng lượng. Tuy nhiên, sự đa dạng các nguồn năng lượng đòi hỏi phải có các đối tác lâu dài, chắc chắn và đáng tin cậy.
“Việc ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh và thịnh vượng là có lợi cho chúng tôi”, Đại sứ Daniel Kritenbrink nói. Ông khẳng định “sẽ làm mọi việc có thể để hiện thực hóa điều đó”.
Hải Vân
Theo nhipcaudautu.vn