Chỉ trong chín tháng đầu năm 2015, với khoảng 740.000 tấn cao su xuất khẩu, ngành cao su Việt Nam bị mất hơn… 40.000 tỷ đồng nếu so với giá bình quân cùng thời điểm vào năm 2011.
Làm sao để tăng trưởng của Việt Nam đi vào thực chất?
- Cập nhật : 13/04/2018
CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt 6,67%, lạm phát ở mức 3,81%. Mức dự báo của CIEM xấp xỉ mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đặt ra là 6,7%.
Không bàn về con số tăng trưởng ấn tượng trong quý I/2018, Hội thảo "Kinh tế vĩ mô quý I/2018: Diễn biến và yêu cầu cải cách mới" do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, ngày 11/4/2018 tập trung bàn tới việc làm sao tăng trưởng của Việt Nam đi vào thực chất.
Có phải CIEM “thận trọng” khi đưa ra đưa dự báo?
CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt 6,67%, lạm phát ở mức 3,81%. Mức dự báo của CIEM xấp xỉ mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đặt ra là 6,7%. Đây là con số dự báo được đánh giá là thận trọng. Tính đến thời điểm này, CIEM là cơ quan đưa ra mức dự báo tăng trưởng năm 2018 “khiêm tốn” nhất.
Trước đó chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP 2018 là 6,83%.
Còn theo Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính Quý I và dự báo cả năm 2018 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt 6,9%-7,1% nếu tăng trưởng các quý tiếp theo tiếp tục có những diễn biến thuận lợi.
Cũng có đồng quan điểm với Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong công bố báo cáo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, đã dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 của Việt Nam là 7,1% và trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực. Dự báo này được đưa ra cũng trong buổi sáng cùng ngày với công bố của CIEM, tức sáng nay, ngày 11/4.
Lý giải nguyên nhân vì sao đưa mức dự báo này, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) cho biết, “Tăng trưởng kinh tế quý I vượt kỳ vọng, song có vẻ như cứ 2 năm quý I giảm lại có 1 năm tăng vọt. Chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện nhiều”.
Ông Dương cho rằng, tăng trưởng kinh tế quý I/2018 cao hơn so với tiềm năng và vượt hầu hết các mức kỳ vọng (tốc độ tăng GDP quý I/2018 đạt 7,4%, tăng 2,2% so với năm 2017) chủ yếu nhờ cán cân thương mại.
“Có thể do nhập khẩu đầu vào từ năm trước chưa sử dụng hết, nên cán cân thương mại thặng dư lớn”, ông Dương nhận định.
Thực tế thành tích xuất khẩu có đóng góp quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp, thông qua xuất khẩu nông, thủy sản.
“Nhưng đây lại là các mặt hàng rất dễ chịu tác động nhất bởi các biện pháp phi thuế quan”, ông Dương lưu ý.
Hơn nữa, tăng trưởng xuất khẩu nông, thủy sản lại chủ yếu xuất sang Trung Quốc, trong khi thị trường này đang đứng trước cuộc chiến tranh thương mại, thì Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng gián tiếp.
Không nên quá hồ hởi với thành tích tăng trưởng quý I
Bên cạnh thương mại, những yếu tố “đẩy” GDP quý I/2018 lên cao, theo ông Dương, còn là đà cải cách đang lên. Niềm tin đối với cải cách được cải thiện. Đó là những chuyển biến về cắt giảm điều kiện kinh doanh, những cải cách trong dài hạn vẫn tiếp diễn; hội nhập kinh tế quốc tế như “xúc tác” cho cải cách, với sự ký kết của hiệp định CPTPP.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, song ông Dương đánh giá, tăng trưởng quý I chưa hẳn là bền vững, thể hiện qua một số chỉ dấu như đóng góp của tiêu dùng vào tăng trưởng GDP có phần giảm, nhập khẩu một số ngành giảm…
Cụ thể, đóng góp của tiêu dùng vào tăng trưởng GDP có phần giảm, như: tín dụng tiêu dùng tăng chậm do việc kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tín dụng tiêu dùng, cơ cấu tín dụng chuyển sang hỗ trợ đầu tư sản xuất nhiều hơn (tín dụng trung-dài hạn tăng 4,3%); nhập khẩu một số ngành giảm (giảm hơn 400 triệu USD so với quý I/2017).
Tương quan giữa tăng trưởng GDP và thuế - trợ cấp không rõ ràng (GDP quý I/2018 đạt 7,38%, tăng 2,26% so với quý I/2017; thuế-trợ cấp quý I/2018 đạt 0,77% tăng 0,07% so với quý I/2017).
Điều đáng lưu ý là công tác điều hành tài khóa, theo ông Dương, là chưa chủ động hướng tới củng cố dư địa ứng phó với các cú sốc bất lợi.
Tín dụng trung-dài hạn mới chớm tăng trong quý I có thể sẽ bị “chèn lấn” bởi đề xuất tương đối “nhanh” của các cơ quan quản lý về việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ.
Cùng với đó, tư duy lại hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 còn chậm.
“Chúng ta không nhận thấy lợi ích nhỏ mà lớn nhanh còn hơn là lợi ích lớn mà không đến được. Tại sao chúng ta không nhanh lên đón nhận CPTPP thay vì ngồi nói lợi ích không lớn bằng TPP?. Đặc biệt trong bối cảnh CM 4.0, không phải là “cá lớn nuốt cá bé” mà là “cá nhanh nuốt cá chậm”, với CPTPP chúng ta cũng cần nhanh hơn”, ông Dương phát biểu.
Việt Nam cần tăng chất lượng tăng trưởng
Để đạt được tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, làm sao để tỷ giá của Việt Nam không quá phụ thuộc vào sự tăng giảm của đồng USD trên thị trường thế giới.
"Tuy nhiên không thúc đẩy hạ lãi suất một cách hành chính, linh hoạt khi thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ”, ông Dương lưu ý.
Cùng với đó, tính toán, cân nhắc kỹ vấn đề tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2018, tránh tác động lên lạm phát. Vì nhiều năm qua, theo ông Dương và nhóm nghiên cứu của CIEM, thì mức tăng lương tối thiểu vùng đã vượt qua cả lạm phát.
Còn theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, đóng góp trong tăng trưởng vĩ mô có vai trò của Samsung, Formosa... Tuy nhiên, chưa có tính toán nào cho thấy, có thay đổi về chất của sản xuất và tăng trưởng kinh tế, trong khi đó, Việt Nam đang cần tăng trưởng kinh tế dựa trên gia tăng năng suất lao động.
Vị chuyên gia này thẳng thắn rằng, tư nhân trong nước vẫn phải cặm cụi một mình không có sự đồng hành, chia sẻ của cơ quan chức năng và các cấp chính quyền.
“Chính sách của Trung ương không nhìn thấy họ như là những đối tác để cùng chia sẻ thúc đẩy họ phát triển, thì những kìm hãm ở chính sách trung ương đang rất lớn”, TS. Cung chỉ rõ.
Vì thế, đây là điều cần tháo gỡ nhanh và có tinh thần tháo gỡ hơn nữa. Có như vậy, theo ông Cung, mới tạo cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, phải phân biệt được tăng trưởng do năng suất mang lại và tăng trưởng do yếu tố đầu tư mang lại, đồng thời phải xác định được đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong nước.
"Chúng ta đã tự làm được hầm Đèo Cả, Vingroup làm được Vinfast và vừa rồi Thaco khánh thành nhà máy ô tô hầu như là tự động hóa, công nghiệp 4.0. Hoàn toàn có một thực tế là hiện nay chúng ta có một khu vực có thể tạo ra tăng trưởng rất nhanh, đó là khu vực kinh tế tư nhân. Nếu như lúc nào đó chúng ra mở cửa cho khu vực này thì nó sẽ tăng trưởng và nếu còn kìm hãm thì sẽ không thể lớn mạnh được", GS Nguyễn Mại khẳng định.
Đồng tình với việc cần nâng chất trong tăng trưởng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cần tập trung vào 3 điểm mấu chốt quan trọng.
Thứ nhất là cải cách bộ máy nhà nước. Hiện nay, đang có chuyển động cải cách trong ngành công an, ngành thuế...
“Nếu khu vực nhà nước không thay đổi, thì hết Nghị quyết 19 này đến Nghị quyết 19 khác cũng sẽ không đạt đc tăng trưởng cao, bền vững”, bà Lan thẳng thắn.
Thứ hai, cần thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân. Theo đó, cần tạo cơ hội cho khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển bằng việc tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Ngoài ra, nút thắt đất đai cần giải quyết, nếu không sẽ khó cho khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển. Theo đó, cần trình dự thảo Luật Đất đai mới theo đúng yêu cầu của Chính phủ.
Thứ ba là phải tăng năng suất lao động, các chuỗi giá trị mới, nhằm phát triển kinh tế Việt Nam phát triển theo cơ chế thị trường./.
Phương Anh
Theo Kinhtevadubao.vn