Mặc dù báo cáo Chính phủ cho thấy thu ngân sách năm 2016 sẽ tăng cao hơn dự toán năm 2015 gần 61.000 tỷ đồng song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, tình hình ngân sách năm tới vẫn rất căng thẳng vì áp lực chi. Trong khi đó, con số thực để phân bổ hiện vỏn vẹn còn 45.000 tỷ đồng!
3 tỷ USD trái phiếu quốc tế và nỗi lo “đời con cháu trả”
- Cập nhật : 23/10/2015
(Tai chinh)
Mặc dù đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng ý với phương án phát hành 3 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế, song Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn vẫn trăn trở về bài học Vinashin và nỗi lo gánh nặng nợ công lên thế hệ sau.
Đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ đã được các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ trong phiên làm việc sáng nay 22/10. Nhìn chung, đề xuất này đã nhận được sự đồng tình của đa số các đại biểu trong bối cảnh áp lực lên ngân sách này càng căng thẳng, trong khi đó, việc phát hành trái phiếu trong nước thời gian qua không thu được kết quả tích cực.
Theo đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM), việc phát hành trái phiếu Chính phủ với khối lượng 3 tỷ USD ra thị trường thế giới với kỳ hạn từ 10 - 30 năm như phương án Chính phủ đã trình lên Quốc hội sẽ không làm mất cân đối nguồn ngoại tệ, tăng thời hạn trả nợ mà không làm gia tăng nợ quốc gia.
Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng trăn trở, “điều đáng lo nhất là mỗi ngày dần dần, chục năm đi vay nhưng cuối cùng thu chỉ đủ chi thường xuyên; vốn còn lại đầu tư thì đi vay hết”. Ông Lịch cũng ví von, “vay là đồng tiền cái phải đẻ được, còn vay đồng tiền đực thì không đẻ được”.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đưa ra phân tích, trái phiếu Chính phủ thực chất là in tiền ra để trả nợ. Ông Sơn đề nghị cần cân nhắc, thận trọng bởi “bài học phát hành trái phiếu quốc tế hàng trăm triệu USD rồi cho Vinashin dùng vẫn còn đó”.
Ông Sơn cho rằng, với thời hạn trái phiếu 10 năm - 30 năm, mặc dù thời hạn trả nợ kéo dài song, “nếu như thế thì đời con cháu trả” và lo ngại “con cháu sẽ lên án”.
Đại biểu Bùi Đức Thụ thì đề xuất cần phát hành sớm 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để có nguồn cân đối ngân sách trong bối cảnh lãi suất thế giới còn thấp, nếu chần chừ lãi suất sẽ tăng cao hơn và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.
Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đưa ra nhận xét, tuy nợ công năm nào cũng được công bố trong ngưỡng an toàn nhưng đó chỉ là con số. Con số này gia tăng qua từng năm, từ mức 47 - 48% GDP, hiện nay đã lên hơn 60% GDP.
“Các nước có thể đi vay và nợ công cao nhưng họ vay có kế hoạch trả nợ, khả năng trả nợ rõ ràng, còn mình vay để đáo hạn, đây là điều vô cùng lo lắng”, bà Thúy nói. Và do đó, vị đại biểu này cũng khuyến nghị cần cân nhắc trong vấn đề nợ công.
Cũng liên quan đến ngân sách nhà nước, đại biểu Trần Du Lịch đề xuất cần phải mạnh dạn cắt bỏ những khoản chi thường xuyên như tiếp khách, nghiên cứu khoa học, sơ kết, kỷ niệm, đi công tác nước ngoài…
“Chúng ta đừng biến chuyện đi nghiên cứu thành đi du lịch nhà nước trả tiền. Cần mạnh dạn cắt bỏ thì mới có tiền dôi ra chi cho việc lớn!”, ông Lịch đề nghị. “Tôi đọc báo, suốt ngày thấy đủ loại kỉ niệm, tất cả tiền đó đều là ngân sách và thuế của dân cả, ai bỏ tiền túi ra đâu?”. Do đó, vị này cho rằng phải “cắt thẳng” chứ Quốc hội không cần phải bàn bạc thêm.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng phải đối đề xuất bổ sung 40.000 tỷ thu từ bán cổ phần doanh nghiệp vào ngân sách. Theo ông, thiếu tiền cho đầu tư là do chi thường xuyên, nếu cứ hòa vào ngân sách khoản trên thì “nước lên thuyền lên” sẽ dẫn đến thất thoát tài sản.
Do vậy, cần phải có danh mục đầu tư cụ thể, có chương trình, dự án, địa chỉ rõ ràng. “Nếu không có địa chỉ cụ thể thì vài năm là hết”, vị đại biểu nêu cảnh báo.