Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội, coi các chính sách xã hội là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài, liên tục từ đó chủ động đề ra các giải pháp phù hợp nhằm mục tiêu bảo đảm tốt an sinh xã hội, chăm lo cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống cho người dân.
Bộ trưởng tiết lộ “sốc” về tình hình ngân sách
- Cập nhật : 24/10/2015
(Tai chinh)
Mặc dù báo cáo Chính phủ cho thấy thu ngân sách năm 2016 sẽ tăng cao hơn dự toán năm 2015 gần 61.000 tỷ đồng song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, tình hình ngân sách năm tới vẫn rất căng thẳng vì áp lực chi. Trong khi đó, con số thực để phân bổ hiện vỏn vẹn còn 45.000 tỷ đồng!
Phiên họp tổ sáng 22/10 không khí bất ngờ “nóng” lên vào cuối phiên khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bất ngờ công bố tình hình “ngân sách năm 2016 rất căng thẳng”.
Mặc dù trong tài liệu mà Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ gửi lên Quốc hội cho biết, thu năm 2016 tăng cao hơn 60.750 tỷ đồng so với dự toán năm 2015 song theo Bộ trưởng Vinh, những số liệu này “nghe rất vui nhưng bản chất số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái. Các địa phương không có tiền. Tăng này mang tính nghiệp vụ mà thôi!”.
Cụ thể, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, trong ghi nhận khoản thu đã tăng khoản ODA giải ngân bình quân 5 năm 50.000 tỷ đồng/năm (các năm trước 20.000 tỷ); tiền đất 50.000 tỷ đồng (các năm trước là 37.000 - 38.000 tỷ đồng), xổ số kiến thiết 26.000 tỷ đồng (các năm trước không đưa vào). Ba khoản trên tới 69.300 tỷ đồng, vốn dĩ các năm đều có nhưng không đưa vào nhưng nay cộng vào.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh - đoàn đại biểu Lai Châu phát biểu tại phiên họp tổ sáng nay (ảnh: Bích Diệp)
Trước Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay: Số tuyệt đối của NSNN năm 2014 là 255.750 tỷ đồng thì riêng ngân sách địa phương trong cân đối là 131.200 tỷ đồng, chiếm hơn 52% do các địa phương tự quản lý, Trung ương còn 154.000 tỷ đồng, trừ đi vốn nước ngoài…hiện còn 45.000 tỷ đồng.
“45.000 tỷ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả. Biết là không thể đòi hỏi Chính phủ và Bộ Tài chính hơn nhưng con số thật rất nhỏ để có thể điều tiết!”, Bộ trưởng trải lòng.
Nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra bất ngờ và cho rằng, với cân đối như trên thì làm sao “phát triển bền vững” như mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020!.
“Đã thế trong vay nợ lại còn vay ngắn, chưa vay đã trả lấy gì mà cân đối! Đấy là chưa nói năm nay chúng ta chưa có đồng nào tăng lương. Nói hay thế mà một đồng lương cũng không có là như thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội phê.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Vinh cho biết, “mặc dù biết đã hết giờ nhưng tôi vẫn còn nhiều bức xúc lắm!”. Thậm chí, tại thời điểm phiên làm việc đã khép lại, ông Vinh vẫn còn nán lại chia sẻ thêm với báo chí về áp lực đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trước đó, trong phiên họp này, đại biểu đoàn Lai Châu - ông Bùi Đức Thụ (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội) cho biết, mặc dù tỷ lệ nợ công vẫn trong giới hạn an toàn nhưng bội chi đang có xu hướng tăng dẫn đến áp lực tăng nợ công.
Năm 2016, xét về tỉ trọng bội chi ngân sách có giảm so với 2015 nhưng số tuyệt đối lại tăng từ 226.000 tỷ đồng năm lên 254.000 tỷ. Thêm vào đó, năm 2015 trả nợ chỉ được 150.000 tỷ nhưng lại vay bội chi ngân sách 226.000 tỷ đồng và vay trái phiếu chính phủ 85.000 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng vay lớn gấp đôi so với khối lượng trả được.
“Tình trạng này năm 2016 cũng không khắc phục được!”, ông Thụ cho hay. Đây là một vấn đề lớn đặt ra trong bối cảnh kinh tế hội nhập, mở cửa rộng hơn và Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh hơn từ những biến động của kinh tế thế giới.
Ông Thụ cũng đề xuất cần phát hành sớm trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế với khối lượng 3 tỷ USD trong bối cảnh lãi suất còn thấp, nếu chần chừ lãi suất sẽ tăng cao hơn và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.