Tòa nhắc nhở Phan Thành Mai khai báo thành khẩn để được xem xét giảm nhẹ
Đường dây bán logo “xe vua” hoạt động như thế nào?
- Cập nhật : 29/08/2015
(Phap luat)
Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến - Cục trưởng Cục cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, các băng nhóm này bảo kê cả ngàn đầu xe; mỗi tháng chúng thu lợi bất chính 2,5 – 3 tỷ đồng.
Chuyên bán logo “xe vua”
Bước đầu, Cục cảnh sát Hình sự, Bộ Công an (phía Nam) đang tạm giữ hình sự đối với 7 nghi can để điều tra, xử lý về hành vi “lợi dụng ảnh hưởng đến với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Hiện cơ quan công an mở rộng điều tra, truy bắt một đối tượng có vai trò cầm đầu là Trần Văn Thới (tự Út”, SN 1976, ngụ huyện Bình Chánh).
Theo thông tin ban đầu, mới đây Cục cảnh sát Hình sự đã nhận được một số đơn tố cáo của các tài xế xe tải hoạt động liên tỉnh, tố cáo về thực trạng nhiều xe tải quá tải, quá khổ hoạt động ở TP.HCM và các tỉnh thành như: Bình Dương, Đồng Nai...có gắn logo lạ và dễ dàng qua các chốt CSGT, thanh tra giao thông.
Vào cuộc điều tra, đến trưa 26/8, các trinh sát Bộ Công an đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Mai Hữu Nhân đang bán 2 logo “xe vua” cho một chủ xe ở huyện Bình Chánh, TP.HCM với giá 5 triệu đồng/ 2 logo.
Sau đó công an đã tiến hành khám xét nhiều địa điểm ở TP.HCM, bắt giữ 7 đối tượng thuộc 2 đường dây buôn bán logo “xe vua” và bảo kê cho xe tải....
Theo cơ quan công an, đối tượng Lê Thị Cẩm Vân (SN 1982, ngụ huyện Bình Chánh) và Trần Văn Thới được xác định cầm đầu 2 đường dây trên. Vân chuyên bán logo màu xanh, còn Thới chuyên bán cho tài xế các logo của garage Thành Đô...
Cơ quan công quyền tiếp tay?
Theo đó, Vân khai nhận, trước đây hành nghề kinh doanh vận tải nên ít nhiều có mối quan hệ với lực lượng chức năng. Từ đầu năm 2015 đến nay, Vân hành nghề bán logo cho tài xế, chủ xe tải với giá 2,5 – 3 triệu đồng/logo/xe/tháng. Logo mua được dán ở đầu xe.
Hàng ngày đàn em của Vân sẽ hướng dẫn tài xế về các tuyến đường nhằm né CSGT, Thanh tra giao thông. Đáng nói khi xe nào đã mua logo để dán đầu xe nhưng vẫn bị CSGT, thanh tra giao thông...chặn, xử lý vi phạm hành chính thì đàn em của Vân xuất hiện để...xin.
Vân thuê một đội ngũ chuyên tiếp cận cánh tài xế, chủ xe để gạ bán logo; ngoài ra các đối tượng này liên tục di chuyển khắp nơi nhằm nắm bắt các chốt CSGT, thanh tra giao thông...sau đó nhắn tin báo lại cho tài xế biết để di chuyển theo lộ trình an toàn.
Đàn em của Vân khai báo, mỗi tháng bán logo cho hàng trăm xe và được giao nhiệm vụ quản lý, nhắn tin cho hàng trăm tài xế đều đặn mỗi ngày.
Đường dây của Thới hoạt động có tính chất tương tự như nói trên. Khi biết Cục cảnh sát Hình sự “giăng lưới” băng nhóm của mình, Thới đã nhanh chóng bỏ trốn.
Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến cho biết, các băng nhóm này bảo kê cả ngàn đầu xe; mỗi tháng chúng thu lợi bất chính 2,5 – 3 tỷ đồng.
Một nguồn thông tin cho hay, các băng nhóm này tình nghi có mối quan hệ chặt chẽ với một số cán bộ chức năng...Nguồn tin này nói rằng, nếu đơn thuần là logo dán ở đầu xe thì các loại xe không thể nào tung hoành được, các đối tượng trong các băng nhóm cũng không đủ sức rải khắp các địa bàn, ở nhiều tỉnh thành để báo tin cho tài xế né các chốt kiểm tra.
Hiện Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý đối với những đối tượng có liên quan, trong đó không loại trừ những người trong cơ quan công quyền.