tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 25-07-2017

  • Cập nhật : 25/07/2017

3 năm tham gia thị trường, Grab và Uber đã tác động đến người Việt Nam như thế nào?

61% người dùng khẳng định rằng so với một năm trước, họ sử dụng dịch vụ taxi truyền thống ít thường xuyên hơn.

3 nam tham gia thi truong, grab va uber da tac dong den nguoi viet nam nhu the nao?

3 năm tham gia thị trường, Grab và Uber đã tác động đến người Việt Nam như thế nào?

Vừa qua, dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me đã thực hiện khảo sát gần 700 người lứa tuổi từ 18 – 39 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về sức ảnh hưởng của Grab và Uber đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Theo khảo sát, có 25% người dùng sử dụng duy nhất ứng dụng đặt xe mới là Grab/Uber, trong khi đó, 75% sử dụng cả hai: taxi truyền thống và ứng dụng đặt xe thông minh.

Trong các tiêu chí để chọn lựa, người dùng ứng ứng dụng đặt xe thông minh có xu hướng quan tâm tới giá thành (81%) và khuyến mãi.(50%)

Taxi truyền thống chỉ vượt mặt ứng dụng gọi xe của Grab/Uber trong hai trường hợp là thời tiết xấu (45% người dùng gọi taxi truyền thống trong khi đó chỉ 44% chọn dùng ứng dụng Grab/Uber) và di chuyển đến sân bay (phần trăm tương ứng là 47% và 46%).

Cũng theo khảo sát của Q&Me, 61% người dùng khẳng định họ sử dụng dịch vụ taxi truyền thống ít thường xuyên hơn so với một năm về trước.

Tỷ lệ nhóm sử dụng Uber đang gia tăng trong nhóm người lớn tuổi và nhóm người có thu nhập từ 9 triệu trở lên mỗi tháng. Trong khi đó, nhóm người sử dụng Grab trả đều ở các nhóm.

Cụ thể, đối với nhóm tuổi từ 18 – 29 tuổi, tỷ lệ sử dụng Grab tương ứng là 78%, gần gấp đôi tỷ lệ dùng Uber, chỉ 37%. Trong khi đó, sang nhóm tuổi từ 30 – 39 tuổi, tỷ lệ sử dụng Grab có sự giảm nhẹ, chỉ còn 70%, còn tỷ lệ dùng Uber thì tăng lên 49%.

Khảo sát cũng cho biết 68% người được hỏi cho biết họ dùng Grab thường xuyên và nhiều hơn Uber. Và khi nói đến hình ảnh thương hiệu, Grab cũng nổi bật hơn trong tất cả các phương diện, đặc biệt trong hình ảnh về khuyến mãi, giá thành và tiện ích sử dụng. (Trithuctre)
-----------------------

Đề xuất mới về thuế giá trị gia tăng

Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định chi tiết một số trường hợp không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và được áp dụng thuế GTGT 0% khi xuất khẩu.

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2016/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT và Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.

Bộ Tài chính cho biết, về quy định sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định chi tiết một số trường hợp không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và được áp dụng thuế GTGT 0% khi xuất khẩu tại dự thảo Nghị định như sau: “ Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác.

Sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu chính là tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên, trừ các trường hợp sau:

Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác và chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm xuất khẩu (quy trình chế biến khép kín hoặc thành lập phân xưởng, nhà máy chế biến theo từng công đoạn) thì sản phẩm xuất khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12 Luật số 13/2008/QH12.

Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh mua về chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm xuất khẩu (quy trình chế biến khép kín hoặc thành lập phân xưởng, nhà máy chế biến theo từng công đoạn) thì sản phẩm xuất khẩu này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12 Luật số 13/2008/QH12.

Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ nguyên liệu chính không phải là tài nguyên, khoáng sản (tài nguyên, khoáng sản đã chế biến thành sản phẩm khác) do cơ sở kinh doanh mua về chế biến thành sản phẩm xuất khẩu thì sản phẩm xuất khẩu này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12 Luật số 13/2008/QH12.”.

Về việc không hoàn thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu sau đó xuất khẩu, để phù hợp với thực tế và khuyến khích xuất khẩu hàng hóa, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định chi tiết tại dự thảo Nghị định như sau: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất bán vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài hoặc xuất trả lại chủ hàng thì thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu không thực hiện xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật hải quan và các văn bản hướng dẫn.(ChinhPhu)
-----------------------

Tăng lương tối thiểu 2018: Doanh nghiệp than khó

Đã thành thông lệ, cứ vào tháng 7 hàng năm, là lương tối thiểu vùng cho năm tiếp theo lại được đề xuất tăng. Dường như năm nào cũng có những cuộc tranh luận giữa đại diện giới chủ và người lao động.

Trong khi đại diện người lao động yêu cầu phải tăng lương tối thiểu để đảm bảo cuộc sống thì các doanh nghiệp liên tục than khó khăn. Dự kiến ngày 28/7 sẽ tiếp tục phiên thứ hai về điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2018.
 

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, các mức tăng cần đảm bảo cân bằng được lợi ích của cả hai bên. Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 cho người lao động lại cho thấy các đề xuất vênh nhau đến hơn 8%. Dự kiến, ngày 28/7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ tiếp tục phiên họp thứ hai để bàn thảo về vấn đề này.

Còn những quan điểm khác nhau

Tại phiên họp thứ nhất vừa qua, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương đã đưa ra 3 mức tăng lương tối thiểu năm 2018 gồm: tăng 5%, 6% hoặc 6,8% so với năm 2017, căn cứ theo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến tăng 4% trong năm nay.

Còn đề xuất mức mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện người lao động) đề xuất mức tăng phải 13,3% so với năm 2017.

Bảo vệ quan điểm cần phải tăng lương tối thiểu ở mức 13,3%, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, “Chúng tôi đã tiến hành khảo sát và thấy đời sống của người lao động còn khá khó khăn. So với nhu cầu sống tối thiểu của công nhân, chúng tôi tính cần bù đắp mức lương tối thiểu khoảng 21%. Năm 2017, chúng ta đã tăng 7,3%, như vậy vẫn còn thiếu hụt khoảng 14% nữa so với đời sống tối thiểu của công nhân”.

Trong khi đó, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam – VCCI (đại diện giới chủ sử dụng lao động) lại không đồng tình với mức tăng trên. Cho rằng, với tình hình kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, đại diện VCCI khẳng định không nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 hoặc nếu tăng chỉ nên dưới 5%.

Tại những phiên đối thoại với doanh nghiệp về chính sách pháp luật gần đây, nhiều doanh nghiệp than khó khi mà lương tối thiểu vùng liên tục tăng.

Bà Vũ Thị Hà, đại diện Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng nên giãn thời gian, không nên năm nào cũng tăng như gần đây. Vì trên thực tế, dù tăng lương tối thiểu vùng, nhưng thu nhập người lao động vẫn giảm vì phải tăng mức đóng bảo hiểm xã hội và công đoàn phí.

Phó Giám đốc Công ty May 10, ông Thân Đức Việt thì kiến nghị, không nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 khi năm 2016 đã tăng 12,4% so với 2015 và năm 2017 tăng 7,3% so với năm 2016.

“Chúng tôi mong muốn không tăng, nếu tăng thì phải tăng hợp lý, chỉ dưới 5%, đảm bảo mức chi trả của doanh nghiệp. Hiện nay, ngành may mặc, quỹ tiền lương chiếm khoảng 60% tổng chi phí. Nếu như tiếp tục tăng lương thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng như sự phát triển của ngành”.

Ông Việt cho rằng, dưới góc độ người lao động, tăng lương tối thiểu để đảm bảo đời sống cho người lao động là hợp lý. Nhưng dưới góc độ của người sử dụng lao động, việc tiền lương tối thiểu cứ tăng liên tục, đều đặn hàng năm sẽ vượt khả năng chi trả của doan nghiệp.

“Với những lý do trên, theo tôi không nên tăng tiền lương tối thiểu hàng năm. Nếu có tăng phải có lộ trình và nên tham khảo doanh nghiệp hoặc tăng ở mức hết sức hợp lý để doanh nghiệp có thể chịu đựng được”, ông Việt nói.

Một trong những đại diện cho doanh nghiệp nước ngoài, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Korcham chia sẻ, tính đến tháng 6/2017, Hàn Quốc đã đầu tư 54,5 tỷ đô la Mỹ vào Việt Nam và trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Cùng với những thuận lợi mà doanh nghiệp Hàn Quốc có được tại Việt Nam, các doanh nghiệp này cũng đang gặp phải những khó khăn; trong đó, chi phí cho nhân công ngày càng tăng do tăng lương tối thiểu hàng năm và đặc biệt là từ đầu năm 2018, tất cả lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tăng lương sẽ phải hài hòa giữa các bên

Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về vấn đề này, ông Lê Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ dựa trên sự hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước phải đảm bảo công ăn việc làm; doanh nghiệp đảm bảo mức chi phí sản xuất; Người lao động đảm bảo quyền lợi với mức sống tối thiểu.

Còn ông Doãn Mậu Diệp thì khẳng định, giãn lộ trình tăng lương tối thiểu là một trong những ý kiến Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ phải cân nhắc.

“Cả hai bên đều không hài lòng nếu như tăng hoặc không tăng. Về phía cơ quan nhà nước, Hội đồng Tiền lương sẽ họp trên cơ sở hai bên thương lượng với nhau, đạt mức sống tối thiểu hay không thì chưa biết nhưng phải cải thiện được mức sống tối thiểu, phải đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp, phù hợp với năng suất lao động và mức tăng chỉ số giá tiêu dùng”, ông Diệp nói.

Ông cũng cho biết, Chính phủ đặt kế hoạch sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động vào năm 2018. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang khẩn trương lập hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động để năm 2018 trình Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội.

“Cuộc đối thoại với doanh nghiệp là cơ hội để cơ quan chức năng được lắng nghe và trả lời tất cả các câu hỏi từ phía doanh nghiệp. Câu hỏi nào chưa thể trả lời ngay thì sẽ được ghi nhận và trả lời bằng văn bản”, ông Diệp nói.(Vneconomy)
---------------------------

Đề xuất về lập khu chợ biên giới Việt - Trung

Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Dự thảo Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Hiệp định, bao gồm: Trình tự, thủ tục thiết lập khu (điểm) chợ biên giới; trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh tại chợ biên giới.

Đối tượng áp dụng là thương nhân và cư dân biên giới của Việt Nam; thương nhân và cư dân biên giới của Trung Quốc được tham gia xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa tại khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc; các cơ quan, tổ chức quản lý và điều hành hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc...

Dự thảo cũng quy định rõ về trình tự, thủ tục thiết lập khu (điểm) chợ biên giới. Theo đó, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của chính quyền địa phương cấp huyện hoặc hiệp hội thương nhân hoặc thương nhân, trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt trong từng thời kỳ, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khảo sát, đánh giá nhu cầu thiết lập khu (điểm) chợ biên giới để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân và cư dân biên giới.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo khảo sát, đánh giá nhu cầu của Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản gửi Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới Trung ương đề nghị thiết lập khu (điểm) chợ biên giới.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới Trung ương xin ý kiến các thành viên về việc thiết lập khu (điểm) chợ biên giới. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới Trung ương, các Bộ, ngành thành viên phải có văn bản trả lời.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham gia của các thành viên của các Bộ, ngành có liên quan, Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới Trung ương báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc thiết lập khu (điểm) chợ biên giới.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới ban hành Quyết định thiết lập khu (điểm) chợ biên giới để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân và cư dân biên giới; đồng thời có văn bản thông báo cho chính quyền địa phương cấp tỉnh/khu của Trung Quốc về việc thiết lập các khu (điểm) chợ biên giới và thỏa thuận mở đường qua lại các khu (điểm) chợ biên giới.(ChinhPhu)

Trở về

Bài cùng chuyên mục