Người tiêu dùng ASEAN chi tiêu tăng 50% trong 3 năm tới; Thái Lan thu hút lao động lành nghề; Hàng loạt hãng Mỹ kiện ngân hàng, công ty Ả Rập Xê Út đòi 4 tỉ USD; Nguồn cung bất động sản đang dồi dào
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 11-06-2017
- Cập nhật : 11/06/2017
FLC dự kiến phát hành 100 triệu USD trái phiếu quốc tế năm nay
Doanh nghiệp bất động sản phát triển nhanh những năm gần đây bắt đầu có những bước đi nhằm tìm kiếm nguồn vốn từ thị trường quốc tế.
Trao đổi với VnExpress tại buổi giới thiệu sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tại Singapore hôm nay (10/6), Chủ tịch FLC - Trịnh Văn Quyết cho biết doanh nghiệp này đang có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế nhằm có thêm nguồn lực triển khai các dự án bất động sản mới.
Người đứng đầu FLC tiết lộ đang tiến hành đàm phán với một định chế tài chính quốc tế lớn để thực hiện kế hoạch phát hành 100 triệu USD trái phiếu quốc tế trong năm nay. Nguồn vốn này dự kiến sẽ được sử dụng cho dự án hiện tại của FLC, như tại Quy Nhơn và Quảng Ninh.
"Lẽ ra việc phát hành 100 triệu USD trái phiếu quốc tế đã được thực hiện ngay từ đầu năm nay, tuy nhiên do diễn biến lãi suất chưa phù hợp và nhu cầu vốn chưa quá bức thiết nên chúng tôi quyết định hoãn lại đến cuối năm", ông Quyết chia sẻ và cho biết thêm, nếu kế hoạch này thuận lợi, doanh nghiệp sẽ tiếp tục huy động thêm 200 triệu USD vào năm 2018.
Cũng nhằm tiếp cận thị trường vốn quốc tế, lãnh đạo FLC cho biết vừa tái khởi động quá trình niêm yết cổ phiếu tại Singapore. "Cách đây 3 năm, chúng tôi cũng từng muốn niêm yết ở Singapore song vì vướng khung khổ pháp lý nên mới dừng lại ở việc đàm phán. Gần đây, các quy định trong nước cởi mở hơn, một số doanh nghiệp cũng được mở cửa niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ nên chúng tôi cũng vừa khởi động lại quá trình này", ông Quyết chia sẻ.
FLC hiện là một trong những doanh nghiệp phát triển bất động sản nghỉ dưỡng lớn tại Việt Nam, với quy mô tổng tài sản và vốn điều lệ tính đến cuối năm 2016 đạt lần lượt 17.900 tỷ và 6.380 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán của công ty, tổng nợ phải trả của FLC tại ngày 31/12/2016 đạt hơn 9.500 tỷ đồng, chiếm 53% tổng nguồn vốn kinh doanh. Trong đó, vay nợ ngân hàng (gồm cả ngắn và dài hạn) là hơn 3.600 tỷ đồng.
Năm 2016, FLC ghi nhận gần 6.200 tỷ đồng tổng doanh thu và hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong đó, doanh thu từ bất động sản đạt gần 3.700 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm 2015.(Vnexpress)
----------------------
Hàn Quốc đầu tư trồng xoài hữu cơ tại Đồng Tháp
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết Tập đoàn nông nghiệp hữu cơ Narai (Hàn Quốc) sẽ đầu tư trồng xoài hữu cơ tại địa phương, sau khi khảo sát các điều kiện và cơ hội kinh doanh tại Đồng Tháp.
Dự kiến tập đoàn này sẽ đầu tư trang trại để trồng xoài hữu cơ với diện tích khoảng 40ha, sản phẩm sẽ được xuất sang thị trường Hàn Quốc tiêu thụ. Ngoài ra, xoài còn được chế biến thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như thực phẩm, mỹ phẩm, thức uống...
Đồng Tháp là tỉnh có diện tích xoài lớn nhất khu vực ĐBSCL với hơn 9.300ha, sản lượng hằng năm hơn 90.000 tấn, trồng tập trung ở huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh.(Tuoitre)
-------------------
Ôtô nhập từ Thái Lan, Indonesia tăng gấp đôi
Sau một tháng có xu hướng sụt giảm, lượng ôtô nhập khẩu từ thị trường Thái Lan, Indonesia tăng mạnh trở lại trong tháng 5.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 9.935 ôtô nguyên chiếc từ tất cả các thị trường với giá trị trung bình mỗi chiếc vào khoảng 21.700 USD. Như vậy, kết thúc tháng 5, Việt Nam nhập khẩu 43.274 ôtô, tăng nhẹ khoảng 5% so với cùng kỳ.
Trong số các quốc gia, số lượng xe nhập từ thị trường Indonesia và Thái Lan tăng mạnh. Cụ thể, ôtô từ Indonesia được nhập về hơn 2.700 chiếc, tăng gần 72% so với tháng trước. Còn so với cùng kỳ năm ngoái, con số này đã tăng gấp 10 lần.
Vị trí quán quân của Thái Lan tiếp tục được duy trì với hơn 3.900 xe được nhập về Việt Nam trong tháng 5, nâng tổng số cả 5 tháng lên 15.930 chiếc. Số xe nhập từ thị trường này tăng gấp đôi so với tháng 4 và 1,7 lần cùng kỳ. Mỗi chiếc xe nhập từ Thái Lan trong những tháng đầu năm nay có giá trung bình khoảng 18.500 USD.
Như vậy, trong tháng 5, riêng xe Thái và Indonesia chiếm tới hơn 66% tổng số ôtô nhập khẩu từ tất cả các thị trường.
Trong khi đó, xe từ thị trường Ấn Độ tiếp tục có xu hướng giảm mạnh. Sau 3 tháng tăng mạnh về số lượng, ôtô nhập khẩu từ thị trường này trong tháng 5 chỉ còn 84 chiếc, bằng một phần rất nhỏ so với con số 3.555 chiếc của tháng 5/2016. Trong khi đó, 3 tháng đầu năm 2017, số xe nhập khẩu từ thị trường này luôn xấp xỉ 1.000 chiếc. (Vnexpress)
------------
Dây thép cuộn Việt Nam bị Úc điều tra bán phá giá
Ủy ban chống bán phá giá Úc (ADC) vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm dây thép dạng cuộn (rod in coil) từ Việt Nam, Indonesia và Hàn Quốc, do Công ty OneSteels đứng đơn.
Ngày 9-6, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương) cho biết nguyên đơn cáo buộc sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam có tồn tại “tình huống thị trường đặc biệt” đối với mức thuế của hai nguyên liệu đầu vào chính.
Do đó, không sử dụng giá bán tại Việt Nam để tính toán trị giá thông thường mà sử dụng chi phí của một công ty sản xuất sản phẩm tương tự để xây dựng chi phí.
Giai đoạn điều tra được tính từ ngày 1-4-2016 đến 31-3-2017, trong khi giai đoạn thiệt hại được tính từ 1-1-2013 đến nay.
ADC cho hay biên độ bán phá giá theo cáo buộc của nguyên đơn dành cho Việt Nam và Indonesia bằng nhau, cùng mức 30,6%, trong khi cáo buộc với Hàn Quốc lên đến 43,3%.
Tuy nhiên, theo tính toán sơ bộ của ADC, biên độ dự kiến dành cho Việt Nam và Hàn Quốc đều ở mức 20,9%, trong khi Indonesia là 29,8%.(Tuoitre)