Tổng thống D.Trump không có ý định can thiệp vào các thị trường tiền tệ; Trung Quốc thay đổi quy định cắt giảm sản lượng ngành thép; Giới đầu tư Mỹ đang "thần hồn át thần tính"?; Pháp tuyên bố bắt đầu cuộc chiến thương mại với Mỹ
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-07-2018
- Cập nhật : 22/07/2018
Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm nhẹ
Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 7/2018 đạt 17,56 tỷ USD, giảm 11,5% (tương ứng giảm 2,28 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 6/2018.
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/7, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 242,45 tỷ USD, tăng 12,2% (tương ứng tăng 26,43 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.
Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 7 năm 2018 có mức thâm hụt 879 triệu USD. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/7 tiếp tục thặng dư với mức 2,54 tỷ USD.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 7, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có trị giá xuất nhập khẩu trị giá 11,29 tỷ USD, giảm 11,9%, tương ứng giảm 1,52 tỷ USD so với nửa cuối tháng 6/2018.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/7, khối này đạt trị giá xuất nhập khẩu 156,1 tỷ USD, tăng 11,4%, tương ứng tăng 16,01 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2017. Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong nửa đầu tháng 7/2018 đạt thặng dư 29 triệu USD, đưa mức thặng dư của khối này từ đầu năm đến hết 15/7 lên 15,11 tỷ USD.
Trị giá xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam lũy kế đến 15/7 so với cùng kỳ năm 2017 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2018 đạt 8,34 tỷ USD, giảm 19,4% (tương ứng giảm 2,01 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 6/2018. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/7, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 122,5 tỷ USD, tăng 15% (tương ứng tăng 16,01 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.
So với nửa cuối tháng 6/2018, xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 7/2018 biến động giảm ở hầu hết các mặt hàng, trong đó một số nhóm hàng giảm mạnh là: điện thoại các loại và linh kiện 23,9%, tương ứng giảm 450 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 25,6%, tương ứng giảm 323 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 269 triệu USD, tương ứng giảm 35,5%; hàng dệt may giảm 9%, tương ứng giảm 126 triệu USD; giày dép các loại giảm 97 triệu, tương ứng giảm 13,5%…
Trị giá nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam lũy kế đến 15/7/2018 so với cùng kỳ năm 2017 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Về nhập khẩu, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2018 đạt 9,22 tỷ USD, giảm 2,8% (tương ứng giảm 263 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 6/2018. Tính đến hết ngày 15/7/2018, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 119,96 tỷ USD, tăng 9,5% (tương ứng tăng 10,42 tỷ USD) so với cùng thời gian năm 2017.
So với nửa cuối tháng 6/2018, nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 7/2018 biến động giảm ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 215 triệu USD, tương ứng giảm 12,5%; xăng dầu các loại giảm 200 triệu tương ứng giảm 41%; thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 93 triệu, tương ứng giảm 46,1%....(Bizlive)
---------------------
6 tháng đầu năm 2018, Sacombank thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong 6 tháng đầu năm 2018.
Tổng tài sản của Sacombank đạt gần 401.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với đầu năm. Ảnh minh họa
Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2017 là 4,28%, hiện giảm xuống còn 3,3% và dự kiến sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối năm 2018. Đây là những thông tin được Sacombank đưa ra trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm diễn ra ngày 20/7 ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo trên, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 của Sacombank đạt gần 1.000 tỷ đồng, tương đương 54,2% kế hoạch năm. Tổng tài sản đạt gần 401.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với đầu năm, trong đó tỷ trọng tài sản có sinh lời tăng 3,5%.
Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng nhanh hơn mức tăng của ngành, đạt hơn 364.000 tỷ đồng, tăng 11,9% so với đầu năm, thị phần huy động tăng từ 4,7% lên 4,9%; tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, tập trung phát triển các ngành nghề nhiều triển vọng, tổng tín dụng đạt hơn 247.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm, thị phần cho vay tăng lên 3,6% so với 3,5% thời điểm đầu năm.
Đặc biệt, thu dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tích cực, đạt 1.134 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017. Các tỷ suất sinh lời trên tài sản và trên vốn chủ sở hữu đều cải thiện với ROA 0,4% và ROE 6,55%.
Sacombank có hơn 4,7 triệu khách hàng, tăng 8,1% so với đầu năm. Mạng lưới của Sacombank hiện có 566 điểm giao dịch tại 48/63 tỉnh, thành phố và hai nước Lào, Campuchia cùng 4 Công ty con hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực: kiều hối, cho thuê tài chính, vàng bạc đá quý, quản lý nợ và khai thác tài sản.
Theo đại diện Sacombank, mục tiêu xuyên suốt của ngân hàng là phát triển bền vững, đẩy mạnh bán lẻ và ngân hàng số, tăng doanh thu từ mảng dịch vụ để đóng góp tích cực vào lợi nhuận (Bnews)
---------------------------
Thủ tướng Đức nói châu Âu không thể dựa vào “siêu sức mạnh” của Mỹ
Thủ tướng Merkel cho rằng châu Âu cần tự chủ hơn trong bối cảnh EU và Mỹ mâu thuẫn cả về quốc phòng và thương mại.
"Chúng ta không thể dựa vào siêu sức mạnh của Mỹ", Reuters dẫn phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo ở Berlin hôm qua, sau những xung đột giữa châu Âu và Mỹ cả về quốc phòng và thương mại.
Trước đó vào hôm 16/7, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng đưa ra ý kiến tương tự Merkel, đồng thời nhấn mạnh Đức cần thắt chặt quan hệ với các nước châu Âu để giải quyết vấn đề. "Chúng ta không còn phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà Trắng nữa. Để duy trì quan hệ đối tác với Mỹ, chúng ta phải điều chỉnh lại", Maas cho biết.
Phát biểu hôm qua của Thủ tướng Merkel tương tự quan điểm bà đưa ra hồi tháng 5/2017, sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 43 tại Italy.
"Châu Âu phải thực sự tự nắm lấy số phận của mình, tất nhiên là trong tình hữu nghị với Mỹ và Anh, cùng những mối quan hệ láng giềng tốt tại bất cứ đâu, cũng như với Nga và các nước khác. Nhưng chúng ta phải nhận thức được rằng châu Âu phải chiến đấu cho tương lai và vận mệnh của chính mình", Merkel cho biết.
Động thái của Berlin đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị các đồng minh tăng ngân sách quốc phòng lên 4% GDP tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trump cũng cáo buộc Đức đang làm "tù nhân" của Nga do phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Moskva, đồng thời tuyên bố coi Liên minh châu Âu là "kẻ thù" sau những xung đột thương mại liên quan đến việc áp thuế nhập khẩu mới.(vnexpress)
---------------------
Giới phân tích lo ngại về hiệu quả sử dụng kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ
Hãng tin Bloomberg trích dẫn một nguồn thông tin ẩn danh cho hay Chính phủ Mỹ hiện đang cân nhắc sử dụng 5-30 triệu thùng dầu của SPR để đưa ra thị trường nhằm bình ổn giá xăng.
Mỹ hiện đang cân nhắc sử dụng 5-30 triệu thùng dầu của SPR. Ảnh minh họa: reuters
Theo các phương tiện truyền thông, khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sớm sử dụng Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) nhằm giảm giá xăng đã làm dấy lên những lo ngại rằng kho dầu dự trữ khẩn cấp này sẽ được dùng cho các mục đích phi kinh tế.
Hãng tin Bloomberg trích dẫn một nguồn thông tin ẩn danh cho hay Chính phủ Mỹ hiện đang cân nhắc sử dụng 5-30 triệu thùng dầu của SPR để đưa ra thị trường nhằm bình ổn giá xăng.
Thông tin này được đưa ra trước khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ diễn ra vào tháng 11/2018 khi sức ép gia tăng đối với giá xăng, hiện cao hơn mức cách đây một năm do giá dầu thô tăng.
Giá xăng hiện đã rời khỏi mức đỉnh kể từ đầu năm đến nay sau khi tăng lên mức khoảng 3 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) hồi tháng 5/2018. Giá xăng của Mỹ hiện vào khoảng 2,86 USD/gallon.
Theo nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group, trước tình trạng nguồn cung dầu gián đoạn đe dọa hoạt động sản xuất trên thế giới thì việc sử dụng SPR được coi là một biện pháp cấp bách.
Chuyên gia này cho rằng “mối quan ngại là Mỹ có thể bắt đầu sử dụng SPR như một vũ khí để thao túng giá dầu và vũ khí này sẽ trở nên kém hiệu quả trong tình huống một cuộc khủng hoảng thực sự diễn ra trên thị trường dầu mỏ”.
Mỹ đã xây dựng kho dự trữ dầu nói trên trong giai đoạn khủng hoảng dầu mỏ hồi thập niên 1970, SPR được bố trí ở bốn điểm tại các bang Texas và Louisiana thuộc miền Nam nước Mỹ.
SPR hiện có 660 triệu thùng dầu để đề phòng nguy cơ gián đoạn nguồn cung bất ngờ.
Trước đây, Mỹ đã đưa 11 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ chiến lược ra thị trường để bình ổn giá xăng dầu sau cơn bão Katrina năm 2005 và 30 triệu thùng vào năm 2011 sau khi chính phủ khi đó của Libya (Li-bi) không còn nắm quyền điều hành đất nước.(Bnews)