'Siết' chia lợi nhuận ở doanh nghiệp nhà nước; Hà Nội thông qua nghị quyết cấm xe máy vào năm 2030; Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang từ chức; Giá trị thương hiệu của Viettel đạt 2,686 tỷ USD, Vinaphone 1,04 tỷ USD
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 05-06-2017
- Cập nhật : 05/06/2017
Phó thủ tướng yêu cầu chấm dứt việc trường dạy nghề “lãng phí dài tập”
Làm việc với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngày 2/6 về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ đánh giá thực trạng hoạt động của các trường nghề thuộc hội nghề nghiệp, nhất là trường nghề cấp huyện.
Theo ông, đây là khu vực có nhiều trung tâm "xây ra để đấy, lãng phí dài tập, còn tồn tại còn phải rót kinh phí", vì vậy có nhận định là các đơn vị sự nghiệp cơ bản không khác gì thời bao cấp, thậm chí còn phình to ra.
Phó thủ tướng yêu cầu làm rõ với quy mô như hiện nay, mức độ đáp ứng của trường nghề cho nhu cầu xã hội, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa như thế nào; khắc phục tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao ra sao.
Bộ Lao động cần xác định danh mục, dịch vụ sự nghiệp công nào phải dùng ngân sách nhà nước để sắp xếp lại và cần đặt lộ trình đến 2020 giảm được bao nhiêu đầu mối.
Băn khoăn về cơ chế tự chủ, ông Lương Minh Hiền, Hiệu trưởng Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (Bộ Xây dựng) cho rằng một số trường nên để lại các bộ quản lý, nếu giao cho địa phương thì không bảo đảm được tính chuyên sâu. Các trường kỹ thuật cần phải tự chủ, để thị trường điều tiết, đào tạo được nhiều thì hoạt động tốt, không tuyển sinh được thì phải teo lại. Nhà nước từ cấp ngân sách sang đặt hàng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Chưa đồng tình với quan điểm này, ông Vương Đình Huệ đặt vấn đề "Những trường ở khu vực miền núi, hải đảo, các trung tâm nghề có tự chủ được không? Có khấu hao được toàn bộ tài sản vào phí không? Không phải chỗ nào cũng teo lại được. Vẫn phải có bàn tay hữu hình của Nhà nước trong trường hợp này".
Phó thủ tướng cho rằng Bộ Lao động đề nghị lập các trường nghề trọng điểm thì phải tính toán, nếu tự chủ ngay được thì mới làm, không thì thôi.
Cả nước hiện có gần 2.000 trường nghề, công lập chiếm hơn 1.300 cơ sở (67%). Các trường phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở đồng bằng.
Giáo viên và cán bộ quản lý tại các trường nghề hơn 91.500 người. Trong đó, ở các trường công lập là gần 72.000 người (78%), gồm cơ quan có thẩm quyền giao là 61.000 người, còn lại là hợp đồng lao động. (Vnexpress)
--------------------------------------------------------------
Sẽ hút thêm 1 triệu tấn dầu thô thúc đẩy chỉ tiêu tăng trưởng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có Chỉ thị số 24/CT-TTg giao các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Chỉ thị nêu rõ, GDP quý I/2017 đạt 5,1%, tuy cao hơn mức tăng cùng kỳ của 3 năm 2012, 2013 và 2014, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm gần đây là 2015 và năm 2016.
Mặc dù nền kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nhưng nhiệm vụ của những tháng cuối năm là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phấn đấu của tất cả các ngành, các cấp trong tất cả các lĩnh vực.
Kiên định mục tiêu 6,7%
Chính phủ kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm 2017 là khoảng 6,7%.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 của từng khu vực và một số ngành quan trọng của nền kinh tế như sau:
- Khu vực nông nghiệp tăng trưởng 3,05%. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 33 tỷ đô la;
- Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,91%. Cụ thể là khu vực công nghiệp tăng trưởng 7,34% (trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 13%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng 11,5%); khu vực xây dựng tăng trưởng 10,5%;
- Khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,19%. Trong đó, tăng trưởng về khách du lịch là trên 30%.
Giải pháp như thế nào?
Về các giải pháp cơ bản năm 2017 và trong trung, dài hạn, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chủ động, hành động quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP; trong tháng 8 năm 2017 có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá chi tiết sự chuyển biến của ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách.
Đồng thời, khẩn trương tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ, tập trung vào hai nhóm giải pháp sau:
Nhóm giải pháp chung: duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công nghiệp, hệ thống tổ chức tín dụng ngân hàng, khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực sự nghiệp công, thu - chi ngân sách nhà nước và bảo đảm an toàn nợ công...
Về một số giải pháp cần thực hiện nhanh để thúc đẩy tăng trưởng năm 2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan triển khai trong tháng 6 năm 2017.
Cụ thể, Bộ Công thương phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ đang tồn đọng, các dự án, doanh nghiệp còn vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách, đề xuất phương án xử lý theo thẩm quyền để sớm tái khởi động, nâng cao hiệu quả các dự án, doanh nghiệp này trong năm 2017.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn trong công tác tiêu thụ các loại khoáng sản tồn đọng, có giá trị; hoàn chỉnh phương án giá điện năm 2017, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, báo cáo kết quả rà soát các biện pháp hàng rào kỹ thuật áp dụng để kiểm soát nhập khẩu một số mặt hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu và các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; đề xuất ban hành các quy chuẩn kỹ thuật hàng hóa phù hợp với các cam kết quốc tế để kiểm soát nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng, công nghệ lạc hậu ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân.
Cùng với đó, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam điều chỉnh kế hoạch khai thác dầu thô năm 2017, triển khai các giải pháp kỹ thuật phấn đấu mục tiêu sản lượng khai thác dầu thô trong nước đạt trên 13,28 triệu tấn trên cơ sở hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn khai thác mỏ và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng triển khai giải pháp theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản; chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường; tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thông thoáng cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở; đề xuất phương án và kế hoạch cải tạo các khu chung cư cũ tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Ngoại giao đề xuất phương án ứng phó, đề xuất giải pháp đàm phán đối với khả năng thay đổi chính sách của Mỹ áp dụng cho sản phẩm xuất khẩu tôm, cá tra của Việt Nam, đảm bảo mục tiêu giữ được thị trường xuất khẩu quan trọng này; chủ động đề xuất và triển khai các giải pháp duy trì, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tạo thị trường cho nông sản.
Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chú trọng khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị; kịp thời điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn chặt với thị trường và lợi thế của Việt Nam; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm; tăng cường theo dõi và chuẩn bị tốt các giải pháp phòng chống dịch bệnh ở cây trồng và vật nuôi, phòng chống thiên tai.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương án bổ sung vốn cho Quỹ xúc tiến du lịch, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá và thu hút khách du lịch quốc tế, phấn đấu đạt mục tiêu 13-15 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2017; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kế hoạch tiếp tục áp dụng chính sách miễn thị thực nhập cảnh đối với các quốc gia có lượng khách du lịch lớn đến Việt Nam, kế hoạch tiếp tục triển khai cấp thị thực nhập cảnh điện tử.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng phương án cụ thể phấn đấu thực hiện giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với diễn biến lạm phát, kết quả xử lý nợ xấu và yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt trên 18%; theo dõi sát diễn biến của tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao để có những đánh giá, giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Bộ Tài chính triển khai rà soát và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thu chi ngân sách, tránh tình trạng thất thu và lạm thu, thực hiện triệt để tiết kiệm chi; xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý chặt chẽ việc phát hành và sử dụng hóa đơn thuế giá trị gia tăng, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm trong việc thí điểm sử dụng mạng dùng chung để quản lý hóa đơn và thuế ngoài quốc doanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện trong các tháng cuối năm giải pháp huy động và giải ngân các nguồn vốn đầu tư trong nền kinh tế; giao Tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công năm 2017; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phương án giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn (đợt 2) và năm 2017 trong tháng 6 năm 2017 (phần vốn còn lại); có phương án sớm triển khai phân bổ và giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao; xây dựng các giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); phấn đấu mục tiêu tỷ trọng tổng đầu tư toàn xã hội trên GDP đạt 34-35%...(Bizlive)
-----------------------------------
Thị trường Trung Quốc không nhập hàng, nông dân chịu mùa ớt... đắng
Thời điểm hiện nay đã là cuối vụ thu hoạch ớt ở các huyện trong tỉnh Bình Định. Với mức giá ớt bán tại vườn có lúc xuống bằng 1/10 năm ngoái, điệp khúc “được mùa mất giá” đã quay trở lại với mức thiệt hại báo động. Bà con nông dân trồng ớt tổng kết lại vụ mùa năm nay với chỉ một câu ngắn gọn: “mùa ớt... đắng."
Huyện Phù Mỹ là địa phương trồng ớt nhiều nhất tỉnh Bình Định, với khoảng 1.100ha ớt. Sau những ngày trồng ớt là những đêm mất ngủ vì bán ớt.
Nông dân Đặng Thanh Tịnh, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ năm nay trồng được 2 sào ớt. Tổng chi phí bỏ ra hơn 6 triệu đồng, nay thu hoạch chưa được 10 triệu đồng, công lao động nửa năm của ông Tịnh tính ra chưa được 4 triệu đồng.
Ông buồn bã: “Năm ngoái cứ mỗi sào tôi thu về được khoảng 30, 40 triệu vì giá ớt khoảng 40.000-50.000 đồng/kg. Năm nay, giá ớt chỉ ở khoảng dưới 10.000 đồng/kg, có thời điểm xuống tới 2.000 đồng/kg, không bõ công làm."
Cùng chung nỗi buồn về giá ớt là chị Nguyễn Thị Đính, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ. Theo chị Đính, do địa hình đất nhà chị chỉ phù hợp với trồng ớt nên kinh tế gia đình cũng phụ thuộc vào loại cây trồng này.
"Bây giờ bán ớt lỗ nhưng tôi đợi qua mùa khô rồi lại trồng tiếp. Năm ngoái, ớt được giá, năm nay ớt rớt giá, còn sang năm như thế nào cũng không rõ nữa," chị Đính trăn trở.
Theo các nông dân, năm nay, thương lái đồng loạt thu mua với mức giá thấp. Lý do đưa ra là thị trường Trung Quốc không nhập hàng.
Theo khảo sát, đến cuối tháng 5/2017, giá ớt chỉ thiên loại 1 xuất khẩu là 9.000 đồng/kg; giá ớt chỉ địa (người địa phương gọi là ớt ngọt, chuyên dùng để sản xuất ớt tương) dao động từ 2.000 đến 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, 2 năm trước, giá hai loại ớt đều ở mức 30.000 đến 40.000 đồng/kg.
Lý giải về sự rớt giá thê thảm này, chủ cơ sở thu mua ớt Ðào-Hòa (ở xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ) cho biết: “Vì được giá từ những năm trước nên năm nay, bà con đổ xô đi trồng ớt. Cơ sở của tôi chỉ thu mua ớt tại các xã Mỹ Hòa, Mỹ Trinh, Mỹ Chánh, Mỹ Chánh Tây mà mỗi đêm gom hơn 10 tấn ớt (năm ngoái chỉ khoảng 5 tấn/đêm). Khi lượng cung cao hơn nhu cầu, phía Trung Quốc liền xuống giá. Thị trường là vậy."
Theo ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Mỹ, vụ ớt Đông Xuân 2016-2017 dù gặp thời tiết bất thuận, mưa gió kéo dài nhưng nông dân huyện này vẫn cố gắng khắc phục để trồng được 1.100ha ớt, tăng hơn năm ngoái 100ha.
Về giá cả trên thị trường, việc tiêu thụ ớt rất khó khăn. Từ giữa đến cuối vụ, giá ớt hạ thê thảm, có giai đoạn xuống đến 2.000 đồng/kg. Nhìn chung, mùa ớt năm nay thất bát, nông dân hầu như không có lãi.
Sau các đợt "giải cứu" nông sản, vấn đề mới chỉ được giải quyết ở phần ngọn, còn cái gốc là làm sao để sản xuất nông nghiệp bài bản, có quy hoạch, vững vàng và có giải pháp tiêu thụ bền vững.
Về vấn đề “được mùa, mất giá” trong sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng có nhiều trăn trở. Việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp là một bài toán rất khó, không riêng gì ở tỉnh Bình Định.
Để giải quyết bài toán này, tỉnh cũng kiến nghị với Trung ương có chiến lược cụ thể, lâu dài về sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với thị trường. Ở tầm địa phương, Bình Định cũng đang cơ cấu, quy hoạch lại, khuyến cáo người dân nuôi trồng cây gì, con gì, ở quy mô nào cho phù hợp.
Thị trường trong nước cũng rất quan trọng nhưng lâu nay khâu phối hợp tiêu thụ chưa được nhịp nhàng, tư thương mua rẻ, bán đắt và ăn lãi cao. Tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp chất lượng cao, hướng đến thị trường lâu dài, ví dụ rau sạch, gà sạch hiện đang bán rất chạy.
“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh phối hợp với các cấp Trung ương để tìm đầu ra bền vững tại thị trường trong nước, cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại," ông Hồ Quốc Dũng khẳng định.(Vietnam+)
-----------------------------------
Người dân mất trắng 700 tỷ vì tôm hùm chết, nguyên nhân vẫn mờ mịt
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, hiện nay công tác lấy mẫu để xác định nguyên nhân tôm hùm chết đang được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện. Tỉnh Phú Yên cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ xác định nguyên nhân. Vì vậy chưa có cơ sở để khẳng định tôm chết là vì dịch hay vì thiên tai. Hôm nay 2/6, đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn) tiếp tục kiểm tra, lấy mẫu nước xác định nguyên nhân tôm chết.
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Phú Yên, ngày 24/5/2017, trên địa bàn thị xã Sông Cầu tôm hùm nuôi chết hàng loạt, nhất là các lồng đặt sát đáy. Đến 9h30 ngày 1/6, đã có gần 770.000 con tôm chết của 502 hộ tại các vùng nuôi, ước khoảng 350 đến 400 tấn, thiệt hại trên 700 tỷ đồng. Trong số các hộ nuôi bị thiệt hại, tỷ lệ hộ mất trắng lên đến 80%, số còn lại đều thiệt hại trên 50%. Đời sống các hộ dân đang gặp rất nhiều khó khăn và bị áp lực về mặt nợ nần.
Ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, sau khi phát hiện tôm chết, địa phương giúp đỡ các hộ nuôi thực hiện theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên đưa ra như người dân đưa lồng lên gần mặt nước để đảm bảo các điều kiện môi trường tôm nuôi, san thưa mật độ trong lồng, di chuyển lồng đến địa điểm phù hợp, sử dụng viên oxy treo ở các góc lồng nuôi để đảm bảo hàm lượng oxy cho tôm… Tuy nhiên thiệt hại vẫn rất lớn.
Về giải pháp hỗ trợ người dân trong xử lý nợ, tái đầu tư sản xuất, ông Trần Hữu Thế thông tin, hiện nay các ngân hàng đã chủ động trong việc rà soát các hộ nuôi có ảnh hưởng để chuẩn bị các phương án xử lý. Sẽ có một số hộ nuôi rơi vào diện hộ nghèo, hoặc cận nghèo. Vì vậy các ngân hàng, nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phân lọc các đối tượng khác nhau để có chính sách hỗ trợ sản xuất phù hợp. Sắp tới trong quá trình cho vay tái sản xuất, người dân cũng phải cam kết thực hiện đúng quy trình nuôi. (Phunutoday)
Vùng nuôi tôm hùm lồng vịnh Xuân Đài tập trung ở xã Xuân Phương và phường Xuân Yên có 13.300 lồng, trong đó xã Xuân Phương có tổng số lồng nuôi 7.150 lồng, phường Xuân Yên tổng số lồng nuôi 3.200 lồng tôm ương và 2.950 lồng tôm thịt.