Apple kỳ vọng bán 230 triệu iPhone mới, với 95 triệu chiếc trong năm 2017; Mỹ dùng phương pháp 'lạ' đo 'sức khỏe' kinh tế Trung Quốc; Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến Việt Nam vào tháng 11/2017; Putin tiếp tục lọt top 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới
Tin kinh tế đọc nhanh 06-06-2017
- Cập nhật : 06/06/2017
Hồng Kông trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới
Viện Phát triển Quản lý Quốc tế vừa công bố danh sách các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, trong đó Hồng Kông được xếp hạng đầu tiên trong số 63 nền kinh tế dựa trên bốn chỉ số đánh giá tổng thể, bao gồm hiệu quả kinh tế, hiệu quả của chính quyền, hiệu quả kinh doanh và cơ sở hạ tầng.
Lần lượt xếp theo sau Hồng Kông trong top 10 của danh sách này là Thụy Sĩ, Singapore, Mỹ, Hà Lan, Ireland, Đan Mạch, Luxembourg, Thụy Điển và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Theo South China Morning Post, nếu tính riêng rẽ bốn chỉ số trên thì hiệu quả chính quyền và hiệu quả kinh doanh của Hồng Kông vẫn xếp hạng cao nhất. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế dựa trên thương mại, đầu tư và việc làm đã giảm từ vị trí thứ năm xuống vị trí thứ 11. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng bao gồm các đánh giá cơ sở hạ tầng về công nghệ, khoa học, giáo dục, y tế và môi trường của Hồng Kông đã có mức tăng nhẹ từ vị trí 21 lên 20.
Ở một số bảng xếp hạng khác, cũng được công bố bởi Viện Phát triển Quản lý Quốc tế, về khả năng áp dụng, khám phá công nghệ số và thành công trong việc chuyển đổi thực tiễn mô hình kinh doanh - xã hội của chính quyền thì Hồng Kông chỉ đứng ở vị trí thứ bảy, sau Singapore, Thụy Điển và Mỹ. Chi phí kinh doanh cũng như tình hình chính trị cũng không phải là điểm mạnh tại đặc khu hành chính của Trung Quốc. Nguyên nhân là do chi phí kinh doanh ở Hồng Kông đắt hơn so với các nước khác, đặc biệt là các khoản tiền thuê. Tình hình chính trị ở đây nhìn chung cũng có nhiều biến động.
Song việc dẫn đầu trong báo cáo xếp hạng các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới cũng là một “sự công nhận rõ ràng” về “môi trường kinh doanh khá thuận lợi và hệ thống tài chính vững chắc” của Hồng Kông, cũng như khả năng “cống hiến cho thương mại quốc tế và cải thiện kinh doanh”, lãnh đạo cơ quan tài chính Hồng Kông Paul Chan Mo-po cho biết.(Thanhnien)
---------------------
Ấn Độ sẽ chỉ bán ô tô điện vào năm 2030
Theo CNN, Ấn Độ là một trong những nước ô nhiễm nhất thế giới. Bộ Năng lượng Ấn Độ cho hay trong một bài đăng trên blog rằng họ vừa đặt mục tiêu “tham vọng” là ngưng bán các loại phương tiện chạy bằng xăng trong nỗ lực làm sạch không khí.
Khi kinh tế đất nước bùng nổ, các ngành công nghiệp mới và người sử dụng phương tiện cùng nhau thải ra nhiều chất gây ô nhiễm vào không khí với tốc độ đáng kinh ngạc. Giờ đây, 1,3 tỉ dân Ấn Độ phải chịu đựng cảnh ô nhiễm. Một báo cáo cho hay ô nhiễm không khí khiến 1,2 triệu người Ấn chết mỗi năm. Các bác sĩ từng cho biết hít thở không khí ở thủ đô New Dehli của Ấn Độ tương tự như việc hút 10 điếu thuốc mỗi ngày.
Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Piyush Goyal nói rằng quốc gia Nam Á sẽ tạo điều kiện cho người dân dùng ô tô điện bằng cách trợ cấp trong vài năm. Sau đó “các loại ô tô điện sẽ phải tự trang trải chi phí”. Kế hoạch National Electric Mobility Mission của chính phủ Ấn Độ muốn doanh thu thường niên của ô tô điện và ô tô hybrid đạt 6-7 triệu chiếc vào năm 2020.
Thông tin này được CEO Elon Musk của hãng ô tô điện Tesla hoan nghênh cuối tuần này. Tesla chưa thực sự bước vào thị trường Ấn Độ, song ông Musk thường nói về kế hoạch mở cửa hàng ở đây. Đầu năm nay, tỉ phú đầy tham vọng này cho biết việc mở cửa hàng Tesla có thể bắt đầu từ mùa hè, song việc này có vẻ như đang bị trì hoãn. Ấn Độ đang rất nóng lòng chào đón Tesla. Đơn cử, Anand Mahindra, người đứng đầu hãng Mahindra, nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu đất Ấn, cho biết ông sẵn sàng cho sự cạnh tranh mới.
Kế hoạch gia tăng số lượng ô tô điện trên đường phố chỉ là một trong nhiều cách Ấn Độ thực hiện nhằm sống xanh, sạch hơn. Chính phủ nước này cũng đang đẩy mạnh nỗ lực sản xuất năng lượng mặt trời. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tăng gấp đôi cam kết của ông với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút nền kinh tế số một thế giới khỏi thỏa thuận này.(Thanhnien)
-----------------
Nga muốn tạo ra loại tiền ảo tốt hơn
Theo Russia Today, bà Skorobogatova vừa nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới St. Petersburg (SPIEF 2017): “Giới chức tất cả các nước đã kết luận rằng việc thực hiện một đồng tiền ảo quốc gia là cần thiết. Đây là tương lai. Mỗi nước sẽ có quyết định riêng trong vấn đề về thời điểm cụ thể và sự trưởng thành của đồng tiền ảo”.
Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga cho hay việc kiểm tra loại tiền ảo quốc gia đã được tiến hành trên hệ thống Masterchain và Hyperledger. Bà cho biết thêm chi tiết về dự án của Nga có thể được tiết lộ trong hai đến ba năm tới.
Dù giới chức Nga đã và đang chia rẽ trong ý kiến tiền kỹ thuật số, công nghệ tiền ảo được ngành tài chính ủng hộ, đặc biệt là ông Herman Gref, CEO ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank.
Tại diễn đàn, Phó chủ tịch thứ nhất của Ngân hàng Trung ương Nga Sergey Shvetsov cũng cho hay một trong những sàn giao dịch chứng khoán Nga cũng có kế hoạch cho phép giao dịch tiền ảo. Ông Shvetsov nói với hãng tin RIA Novosti: “Hiện có một cuộc thảo luận về việc liệu tiền ảo có phải là một loại hàng hóa hay không”.
Thứ trưởng Tài chính Nga Aleksey Moiseev hồi tháng 4 cho hay tiền ảo có thể được Nga công nhận vào năm 2018, dù ông cũng bày tỏ quan ngại về tính chất ẩn danh của các giao dịch. “Nhà nước cần biết ai là người mua, người bán trong mọi thời điểm của chuỗi tài chính. Nếu có một giao dịch, những người tạo điều kiện cho giao dịch đó nên biết ai là người mua, ai là người bán, hệt như hoạt động của một ngân hàng”.(Thanhnien)
------------------
Ngành công nghệ Ấn Độ gặp khó vì lệnh cấm thị thực của Mỹ
Theo CNBC, việc kiềm chế chính sách cấp thị thực lao động cho người nước ngoài H-1B nằm trong chương trình “American First” của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đã làm tổn thương đến ngành công nghệ thông tin khổng lồ vốn tạo thành nền tảng kinh tế vững chắc cho Ấn Độ. Các công ty công nghệ lớn của Ấn Độ như Infosys, Cognizant và Tech Mahindra gần đây đã công bố số nhân sự dư thừa trong năm nay, trong đó Infosys tuyên bố kế hoạch sẽ sa thải khoảng 1.000 nhân viên cấp cao dựa trên đánh giá về hiệu suất. Một báo cáo mới của McKinsey India cũng dự đoán có ít nhất 200.000 kỹ sư phần mềm ở quốc gia Nam Á này sẽ mất việc mỗi năm trong vòng ba năm tới.
Lệnh hạn chế cấp thị thực lao động H-1B cho người nước ngoài muốn làm việc tại Mỹ đã gây không ít khó khăn cho ngành công nghệ Ấn Độ ẢNH: REUTER
“Với phần lớn các hoạt động kinh doanh đến từ các khách hàng ở Mỹ, động thái cắt giảm nhân sự có vẻ như là một bước đi tự nhiên cho các công ty công nghệ thông tin Ấn Độ mở rộng và củng cố lại thị trường của họ. Quyết định này cũng chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người Mỹ và hòa nhịp với chiến lược American First của Tổng thống Trump”, Af Malhotra, đồng sáng lập công ty IT GrowthEnabler, nói với CNBC.
Dữ liệu từ Goldman Sachs ước tính rằng Ấn Độ có 195.257 người, tương đương khoảng 70,1% trong tổng số tất cả các trường hợp được hưởng lợi từ chương trình thị thực H-1B trong năm 2015. Do đó, chỉ đạo từ chính quyền mới của Mỹ rõ ràng đã ảnh hưởng không hề nhỏ tới nguồn lực đầy tham vọng của ngành công nghệ Ấn Độ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân còn đến từ các thực trạng khách quan khác.
“Ngành công nghệ thông tin đang phải vật lộn khi thu nhập các công ty Ấn Độ có xu hướng báo cáo xấu đi trong một vài quý gần đây”, một chuyên gia công nghệ tại Mỹ cho hay. Đồng thời ông cũng giải thích thêm rằng sự chuyển đổi giữa công việc lập trình thông thường sang công việc đòi hỏi kỹ thuật cao hơn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã gây ra lực cản. “Trong quá trình chuyển đổi công nghệ, lợi ích từ việc tiết kiệm chi phí khi thuê nhân sự ở một quốc gia khác với giá rẻ hơn sẽ không bù đắp được khoản lỗ nếu như các kỹ sư đó không có đủ kỹ năng cần thiết. Thực tế Ấn Độ đã đào tạo được rất nhiều kỹ sư tốt nghiệp đại học, nhưng họ vẫn thiếu các kỹ năng có thể đáp ứng được cho các công việc phức tạp hơn”, chuyên gia tại Mỹ nói thêm.
Việc thu hẹp quy mô được đánh giá là thực tế, nhưng nó đã làm tổn thương tinh thần của nhân viên. “Tôi cảm thấy không hay khi thấy có những người đang dần rời khỏi đây như thế này. Bạn bè tôi ở các công ty công nghệ khác cũng đang cảm thấy bất an về công việc của họ”, một nhân viên của Infosys cho biết, đồng thời mô tả rằng tinh thần người lao động trong công ty đang xuống khá thấp, từ nhân viên cho đến cấp quản lý. Một số nhân viên trong ngành đã tiếp cận công đoàn lao động để khiếu nại về việc tái cấu trúc dựa trên hiệu suất này.(Thanhnien)
------------------