Xây dựng sẽ là ngành tăng trưởng nóng trong năm 2018; Xuất khẩu than đá tăng mạnh; Ả Rập Xê Út, UAE áp dụng thuế giá trị gia tăng; Hà Nội thất thoát hàng trăm tỉ đồng phí giữ xe ôtô
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-01-2018
- Cập nhật : 02/01/2018
Nhiều mặt hàng có thuế nhập khẩu về 0% từ 01/01/2018: Chờ mua hàng giá rẻ
Ngoài mặt hàng ô tô, năm 2018 còn nhiều mặt hàng có thể cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan. Trong đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế suất thuế nhập khẩu đối với 669 dòng thuế kể từ ngày 01/01/2018.
Ồ ạt cắt giảm thuế
Người tiêu dùng vẫn trông đợi giá ô tô sẽ giảm khi thuế suất thuế nhập khẩu về 0% kể từ ngày 01/01/2018 đối với ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN, thời điểm Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực. Đối với mặt hàng ô tô, hiện nay Thái Lan và Indonesia đang là thị trường dẫn đầu trong khối ASEAN về lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam. Năm 2017 thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô trong khối ASEAN chỉ còn 30%, và sẽ về mức 0% kể từ năm 2018.
Tuy nhiên, ngoài mặt hàng này, một loạt mặt hàng thiết yếu như xe máy; phụ tùng, linh kiện ô tô xe máy; thực phẩm; hoa quả nhiệt đới; tủ lạnh; điều hòa; sữa và các sản phẩm từ sữa;… cũng sẽ có mức thuế về mức 0%.
Theo ông Trần Bá Cường - Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương – năm 2018 còn nhiều mặt hàng có thể cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan. Trong đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế suất thuế nhập khẩu đối với 669 dòng thuế kể từ ngày 01/01/2018.
“Những mặt hàng này bao gồm ô tô, xe máy; phụ tùng, linh kiện ô tô xe máy; thực phẩm; hoa quả nhiệt đới; tủ lạnh; điều hòa; sữa và các sản phẩm từ sữa;…Khi thuế về 0%, người dân sẽ được hưởng lợi vì được mua hàng giá rẻ”, ông Trần Bá Cường nói.
Cũng theo ông Cường, vấn đề đặt ra là liệu các nhà sản xuất trong nước có cạnh tranh được với các mặt hàng nhập khẩu từ ASEAN hay không. Đối với mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa, các nước trong khu vực không có thế mạnh về sữa như Việt Nam bởi điều kiện khí hậu của Việt Nam lý tưởng hơn cho việc chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các quốc gia trong khu vực không có sữa để bán cho Việt Nam.
“Thay vào đó, họ hoàn toàn có thể nhập khẩu sữa nguyên liệu từ Australia hay New Zealand và đảm bảo tỷ lệ 40% theo quy tắc xuất xứ giữa các nước ASEAN để được hưởng thuế 0%”, ông Trần Bá Cường cho hay.
Ngoài câu chuyện về thuế, còn chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh, vấn đề quy mô sản xuất như thế nào sẽ đặt ra đối với mặt hàng sữa. Đó là những vấn đề các doanh nghiệp trong nước cần quan tâm để có thể hạ giá thành sản phẩm.
Cũng theo ông Cường, đến năm 2018, tỷ lệ tự do hóa của Việt Nam trong khu vực ASEAN sẽ đạt 98,2%, con số này gần như ở mức cao nhất nếu như so với các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, ngoại trừ hai Hiệp định thế hệ mới là TPP và EVFTA.
Tuy nhiên, phải đến năm 2024 Việt Nam mới có thể gỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan đối với những mặt hàng cuối cùng. Theo đó, năm 2024 chúng ta sẽ xóa bỏ thuế suất nhập khẩu đối với 16 dòng thuế xăng dầu còn lại, khi đó mức độ tự do hóa của Việt Nam trong ASEAN lên đến 98,5%.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ đàm phán về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với 31 dòng thuế thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá. Ngoài chuyện thuế quan, chúng ta cũng xóa bỏ hàng rào phi thuế quan gồm: cấp phép nhập khẩu tự động; hạn ngạch thuế quan; giấy phép…. ; các biện pháp minh bạch hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu thương mại; hệ thống hỗ trợ xử lý các vấn đề đầu tư phục vụ cho thương mại;…
Đừng quên nguyên tắc xuất xứ
Mặc dù vậy, khi không có quy tắc xuất xứ, việc đàm phán thuế quan là hoàn toàn vô nghĩa, nên nói thuế quan sẽ về 0% khi một hiệp định có hiệu lực là mới chỉ nói phần nổi của tảng băng chìm.
Theo bà Bùi Kim Thùy, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương, việc đàm phán về thuế quan và nguyên tắc xuất xứ luôn song hành cùng nhau, giống như chúng ta đi hai chiếc giày ở hai chân.
“Chúng ta vẫn thường nghe nói rằng, ngay sau khi một Hiệp định thương mại tự do nào đó có hiệu lực thì hơn 90% hàng hóa có mức thuế quan 0%. Nhưng thực ra nếu không đáp ứng được nguyên tắc nguồn gốc xuất xứ thì không có cách nào hàng hóa có thể được hưởng thuế quan 0%”, bà Bùi Kim Thùy cho biết.
Bà Bùi Kim Thùy cho rằng quan trọng nhất với bất kỳ một Hiệp định thương mại tự do là Chương về thương mại hàng hóa, trong đó có quy định về nguyên tắc xuất xứ. Một Hiệp định sẽ không thể được coi là Hiệp định thương mại tự do nếu thiếu đi điều khoản cơ bản này.
Như đã nói ở trên với mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa, một mặt hàng nữa cũng cần quan tâm là dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới. Chúng ta có nhiều nhà sản xuất dầu thực vật nhưng lại không có lợi thế về nguồn nguyên liệu thô để làm ra dầu ăn. Trong khi đó, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và cả Singapore đều có thể tự chủ được nguồn nguyên liệu nên sẽ tiết kiệm được chi phí hơn rất nhiều so với sản phẩm của Việt Nam.
“Trước đây chúng ta nhập khẩu dầu thô hoặc hạt nguyên liệu từ các nước ngoài khối ASEAN như Argentina, Braxin,… nhưng đến năm 2018 nếu nhập từ các nước ngoài khu vực ASEAN thì sản phẩm sẽ không đáp ứng tiêu chí nguồn gốc xuất xứ, và sẽ không được hưởng thuế ưu đãi nếu xuất khẩu sang thị trường ASEAN. Như vậy, mặt hàng dầu ăn sẽ khó có thể tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do trong khu vực ASEAN” ông Trần Bá Cường cho biết.
Hay như mặt hàng hoa quả nhiệt đới, gần đây hoa quả của Thái Lan nhập vào thị trường Việt Nam rất nhiều, giá cả lại không quá đắt đỏ như hoa quả nhập khẩu từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản,… Rõ ràng sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt từ năm 2018, đồng thời tạo sức ép cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.
Ông Trần Bá Cường cho rằng thỏa thuận này cũng hướng các quốc gia tới sự chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa, quốc gia nào có thế mạnh ở lĩnh vực nào thì tập trung sản xuất trong lĩnh vực đó. Lĩnh vực nào không mạnh thì có thể thu hẹp dần hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Do vậy, sự chủ động của doanh nghiệp và người dân trong hội nhập sẽ giúp cho họ không phải đối mặt với cái được gọi là mặt trái của hội nhập.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết và hoàn tất đàm phán 16 Hiệp định Thương mại tự do. Trong đó có 12 Hiệp định đã ký kết và 4 Hiệp định đang đàm phán. Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hong Kong, Trung Quốc là Hiệp định mới nhất trong tổng số 16 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia. (Infonet)
----------------------------
Uber Việt Nam có trở thành hãng taxi để cạnh tranh công bằng?
Ngay khi Hiệp hội Taxi Tp.HCM kiến nghị Bộ GTVT phải xem Grab và Uber là hãng taxi, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) cũng vừa lên tiếng rằng “Uber không phải một ứng dụng công nghệ, mà là một công ty dịch vụ vận tải”. Vậy, Uber – Grab đã, đang và sẽ là gì?
Từng gây rất nhiều sóng gió dư luận về tính cạnh tranh công bằng, mới đây Hiệp hội Taxi Tp.HCM tiếp tục gửi văn bản lên Bộ GTVT có ý kiến đề nghị cần quy định rõ Uber, Grab là 2 doanh nghiệp vận tải hành khách taxi.
Chạy trời không khỏi nắng, Uber Việt Nam có trở thành hãng taxi để cạnh tranh công bằng?
Theo Hiệp hội, Uber và Grab đang điều hành quản lý như một doanh nghiệp vận tải taxi nhưng thực tế chỉ mới được coi là cung ứng phần mềm; và việc Uber, Grab hoạt động chủ yếu thông qua chính sách giá cả, khuyến mại là trái với quy định của Luật Cạnh tranh. Do đó, Hiệp hội nhấn mạnh đơn vị cung cấp phần mềm chỉ cung cấp phần mềm, không được định giá cước, không sử dụng nguồn vốn của mình để khuyến mại. Uber, Grab cũng không được điều hành trực tiếp hoạt động vận tải, không ký hợp đồng trực tiếp với lái xe mà chỉ ký hợp đồng với đơn vị vận tải.
Cùng thời điểm trên, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) cũng vừa đưa ra xác định Uber là một công ty dịch vụ vận tải, thay vì là một ứng dụng công nghệ như hãng này vẫn tự nhận. Điều này đồng nghĩa việc Uber sẽ phải chấp nhận những quy định hoạt động khắt khe hơn, cũng như phải có giấy phép vận hành như một hãng taxi trên toàn thị trường EU, bao gồm cả nước Anh.
Như vậy, trước tuyên bố mạnh mẽ của ECJ, liệu cơ quan quản lý của Việt Nam có còn “lúng túng” trong việc coi Uber - Grab là đơn vị cung cấp phần mềm hay đơn vị kinh doanh vận tải?
Chưa kể, thời gian 2 năm thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng sắp hết hạn, tranh cãi Uber - Grab là doanh nghiệp vận chuyển hay công nghệ cũng đến lúc phải có hồi kết.
Song, thực tế vẫn còn rất nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề này. Được biết, không chỉ riêng Hiệp hội taxi Tp.HCM, ngày 25/12 đơn vị tại Hà Nội cũng có văn bản gửi lên Bộ GTVT kiến nghị về việc thí điểm đối với loại hình này. Tuy nhiên, đề xuất trên từ Hiệp hội vẫn vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều, có bên đồng ý rằng phải thay đổi loại hình hoạt động của Uber – Grab để công bằng với những doanh nghiệp taxi khác, ngược lại vẫn còn đó những lập luận đồng tình 2 hãng trên đang tuân thủ đúng với pháp luật hiện hành.
Trở thành hãng taxi, Uber Việt Nam sẽ cạnh tranh sòng phẳng hơn?
Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Kinh tế khẳng định: “Uber phải là hãng taxi”. Và theo đó, bối cảnh cạnh tranh tại thị trường taxi Việt Nam rồi đây sẽ sòng phẳng hơn, ông Hiếu nói.
Bởi lẽ, nếu trở thành là công ty vận tải hẳn hoi, bắt buộc Uber phải đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành, phải chịu những mức thuế dành cho loại hình kinh doanh taxi. Cùng với đó, Uber cũng sẽ phải tuân thủ những chế tài hiện nay trong ngành liên quan đến lodo công ty, màu sắc, phù hiệu xe… và phải đào tạo nhân viên của mình một cách bày bản.
“Và mặc dù vẫn có những đặc thù riêng, song nhìn chung Uber sẽ phải cạnh tranh công bằng với các hãng taxi truyền thống khác”, ông Hiếu phân trần.
Là một công ty kinh doanh mạng lưới giao thông vận tải và taxi dựa trên ứng dụng, Uber xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2014-2015 mang một màu sắc hoàn toàn mới mẻ. Tuy nhiên, trên vai trò chỉ cung cấp dịch vụ công nghệ, Uber hiện đang nhận được rất nhiều “ưu đãi” so với những hãng taxi truyền thống, dẫn đến một cuộc chiến không công bằng gây nên nhiều ý kiến trái chiều thời gian qua.
• Thứ nhất, Uber hoạt động với danh nghĩa doanh nghiệp cung cấp phần mềm thì sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng, trong khi các hãng taxi hiện nay đang phải nộp thuế GTGT 10%. Đây cũng là vấn đề dậy sóng dư luận nhiều nhất. Bởi lẽ, Uber (hay Grab) không chỉ cung cấp phần mềm kết nối; mà còn đứng ra điều hành từ đặt xe, chỉ định tài xế đón khách, tính cước, thu tiền như các khâu mà một doanh nghiệp vận tải bình thường nên không thể coi là doanh nghiệp cung cấp phần mềm thuần túy được.
• Thứ hai, khác với các hãng taxi truyền thống, Việt Nam hiện không tính thuế trên 100% doanh thu của Grab, Uber. Theo quy định hiện hành về thuế TNDN, đối với từng tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu có nghĩa vụ nộp thuế trên phần doanh thu được chia theo thỏa thuận hợp tác. Do đó, trước kiến nghị đánh thuế TNDN trên 100% doanh thu đối với Uber, Bộ Tài chính cho rằng không thỏa đáng. Bởi, trong số 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng, Uber chỉ được hưởng 20% doanh thu vận tải; phần còn lại 80% doanh thu vận tải được chia cho tổ chức, cá nhân hợp tác với Uber theo thỏa thuận hợp đồng hợp tác kinh doanh.
• Thứ ba, Uber hiện không có cơ sở thường trú nên sẽ được miễn phần thuế mục này đối với thu nhập của công ty. Chưa kể, Uber hiện chỉ bỏ ra một phần nhỏ chi phí để thuê địa điểm cho văn phòng đại diện và một nhóm khoảng 10-20 nhân viên để quản lý thị trường Việt Nam, mà lại thu về một mức doanh thu khủng trên tổng doanh số thị trường taxi.
Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp taxi truyền thống còn phải chịu nhiều chế tài quản lý như: Quy định về logo, màu sắc, phù hiệu xe… đồng thời bị hạn chế khu vực lưu thông, trong khi Uber lại khá dễ dàng trong những khâu trên.
Tựu trung lại, những bất cập trên vẫn chung quy về một lý do là Việt Nam chưa có quy định rõ ràng để quản lý chặt chẽ loại hình “taxi công nghệ” trên, dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý “lúng ta lúng túng”, doanh nghiệp trong nước thì kêu than. Đỉnh điểm mâu thuẫn phải nhắc đến câu chuyện hàng loạt xe taxi Vinasun tại Hà Nội, Tp.HCM dán khẩu hiệu phản đối Grab, Uber đã nhận nhiều “gạch đá” từ chính người tiêu dùng trong nước.
Liệu rằng rồi đây, Uber Việt Nam có chính thức trở thành hãng taxi để hoàn thành “đầy đủ” nhiệm vụ như Vinasun, Mai Linh…?
Hãng taxi truyền thống đang đứng trước nguy cơ đóng cửa. Hay Uber sắp thực hiện được “mưu đồ” chiếm lĩnh toàn thị trường taxi trong nước.
Nói về hoạt động của những đơn vị taxi truyền thống, từ khi có sự xuất hiện của hai đối thủ đáng “gờm” Uber và Grab đã liên tục gặp khó khăn. Theo thống kê 6 tháng đầu năm, Vinashun cắt giảm đến 8,000 nhân sự, con số tại Mai Linh ghi nhận có đên 6,000 nhân viên nghỉ việc.
Cùng với đó, hoạt động kinh doanh cũng giảm sút nghiêm trọng. Điển hình lợi nhuận thuần của Mai Linh Miền Bắc trong quý 3/2017 ghi nhận ở mức âm 7.4 tỷ đồng. Tương tự, lãi ròng hãng taxi Vinasun cũng giảm mạnh, chỉ đạt 47 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm thu về 146 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng chú ý, mới đây Vinasun đã chuyển sang mô hình hoạt động mới (khoán cứng doanh thu cho tài xế và nhận một khoản cố định), đồng thời các nhân viên chính thức của hãng được chuyển sang dạng hợp đồng, kéo theo nhiều chi phí phúc lợi cũng bị cắt giảm. Như vậy, không riêng doanh nghiệp, mà phần rủi ro thực chất được Vinasun chuyển sang phía các tài xế vốn đã chịu nhiều áp lực cạnh tranh!
Và trước tình thế căng như dây đàn này, nhiều luồng ý kiến cho rằng taxi truyền thống đang đứng trước nguy cơ đóng cửa. Hay Uber sắp thực hiện được “mưu đồ” chiếm lĩnh toàn thị trường taxi trong nước, tương tự câu chuyện của thị trường nước giải khát hơn 10 năm về trước!
Không còn những trò đồi bại, người tiêu dùng sẽ được lợi hơn
Một đối tượng khác cũng chịu tác động ít nhiều một khi Uber trở thành hãng taxi chính là người tiêu dùng.
Thực tế thì với bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng đang rất có lợi khi lựa chọn Uber hay Grab với mức cước di chuyển rẻ hơn, quá trình gọi xe thuận lợi hơn với thời gian nhanh hơn. Song song với đó, do không còn dưới thời độc quyền, nhiều hãng taxi truyền thống, đặc biệt là Mai Linh và Vinasun sẽ phải đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn hơn nhằm níu chân khách hàng, cũng như thái độ phục vụ sẽ phải tốt hơn. Như vậy, người tiêu dùng hiện đang hưởng lợi từ bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa taxi truyền thống với “taxi công nghệ” – Uber (hay Grab).
Và giả sử Uber chuyển đổi sang mô hình taxi, thì câu chuyện cạnh tranh sẽ mở sang một trang mới, liệu rằng người tiêu dùng sẽ được lợi hơn?
Đặt giả định, một khi ngang bằng rồi thì khi đó câu chuyện cạnh tranh sẽ không còn liên quan đến giá cả, mà là cạnh tranh bằng chất lượng. Mỗi bên phải tốt hơn để giành khách hàng, nghĩa là dịch vụ phải nâng cấp lên, theo đó người tiêu dùng trước mắt sẽ được gia tăng lợi ích từ chất lượng.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hiếu cho biết hiện nay Uber dính rất nhiều vụ án tài xế dở trò đồi bại với khách hàng, đặc biệt khách hàng nữ. Như vậy, một khi trở thành hãng taxi, điều đầu tiên là đơn vị này phải có chính sách đào tạo nhân viên một cách bày bản, từ đó khả năng sẽ giảm thiểu được những trường hợp “đáng tiếc” vừa qua. Đồng thời, Uber phải giám sát chặt chẽ tài xế hơn trong quá trình hoạt động, cũng như phải đồng chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố đối với khách hàng. Do đó, dịch vụ sẽ được gia tăng, và người tiêu dùng được hưởng lợi, ông Hiếu nhấn mạnh.
Chưa kể, nếu Uber trở thành hãng taxi, tính hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn do cạnh tranh công bằng, như vậy mặt bằng giá cước chung sẽ điều chỉnh, đây là một lợi ích gia tăng khác mà người tiêu dùng nhận được.
Song, “trong ngắn hạn thì giá cước Uber sẽ phải tăng do chi phí tăng, nên trước mắt người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt”, ông Hiếu cho biết thêm.(CafeF)
--------------------------
Trung Quốc đẩy mạnh nhập dầu Mỹ vì giá rẻ, Nga và OPEC bắt đầu lo lắng
Lượng dầu xuất khẩu của Mỹ đang tăng gấp đôi, thạm chí gấp 3 so với năm trước do giá rẻ hơn so với dầu Brent và nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh.
Lượng dầu xuất khẩu của Mỹ trong tuần thứ 4 tháng 12 lên tới 1,21 triệu thùng/ngày, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng công bố hôm thứ 5 (28/12). Trong quý IV, lượng dầu xuất khẩu trung bình đạt 1,5 triệu thùng/ngày, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Washington đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ hồi tháng 12/2015. Tuy nhiên khối lượng dầu vẫn bị hạn chế đến tận mùa hè năm nay, đặc biệt là cuối tháng 8 - thời điểm cơn bão Harvey quét qua Mỹ khiến hoạt động khai thác và lọc dầu bị gián đoạn. Nhu cầu dầu trong nước tăng trong khi mức chênh lệch giá giữa dầu WTI và dầu Brent liên tục nới rộng lên tới 6,3 USD/thùng hồi đầu tháng 9. Ngay cả khi tính cả chi phí vận chuyển thì 40 USD/thùng vẫn là mức giá quá hời đối với nhiều quốc gia nhập khẩu dầu thô.
Đặc biệt năm nay Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu thô Mỹ. Chỉ tính trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2017, lượng dầu thô nhập khẩu của nước này đã tăng tới 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 180.000 thùng/ngày, cao hơn 6 lần lượng dầu thô Mỹ mà Nhật Bản nhập khẩu.
Việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu thô có vẻ như một phần là do yếu tố chính trị khi Bắc Kinh đang cố gắng làm giảm sự mất cân đối trong mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
Giá dầu WTI đã phục hồi lên trên mức 60 USD/thùng vào thời điểm cuối năm. Tính riêng trong tuần thứ 4 của tháng 12, sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ tăng 11%. Tuy nhiên do 9-20% sản lượng dầu thô được dùng cho xuất khẩu kể từ tháng 9 nên trữ lượng giảm 13%. Ngay cả khi như vậy, khoảng cách giá giữa dầu WTI và Brent vẫn lớn hơn 7 USD/thùng do thị trường kỳ vọng nguồn cung dầu thô khu vực Trung Đông và Biển Bắc sẽ giảm.
OPEC và 10 quốc gia xuất khẩu dầu khí chủ chốt trong đó có Nga đã đồng ý kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến hết năm 2018. Thêm vào đó, sự cố đường ống dẫn dầu ở Libya và đường ống Forties gây gián đoạn nguồn cung càng khiến nhiều người tự tin rằng giá dầu Brent sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, nhiều yếu tố được dự đoán sẽ gây áp lực lên giá dầu thô Mỹ trong đó có sản lượng dầu đá phiến liên tục tăng mạnh và các chính sách của tổng thống Donald Trump. Điều này càng nới rộng khoảng cách giá giữa dầu WTI và dầu Brent. Sự hiện diện của Mỹ trên thị trường xuất khẩu dầu thô sẽ trở thành mối quan ngại lớn của các nước Trung Đông và Nga. Riêng đối với Nga, hồi tháng 11, trước thềm cuộc họp OPEC, quốc gia này tỏ ra khá dè dặt trước quyết định kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng do lo ngại khả năng Mỹ tăng cường xuất khẩu, chiếm lĩnh thị phần của Nga.(NDH)
-------------------------------
Hà Nội thu ngân sách vượt dự toán
Mặc dù dự toán thu ngân sách năm 2017 tăng hơn 20.000 tỷ đồng so với năm 2016, song bằng nhiều biện pháp thực hiện, thành phố Hà Nội đã hoàn thành vượt mức, đạt 101,7% so với dự toán.
Đây là thông tin được Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội đưa ra vào chiều 31/12, tại buổi quyết toán, khóa sổ ngân sách năm 2017.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tặng thưởng Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội đã hoàn thành tốt công tác thu, chi ngân sách năm 2017. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Phát biểu tại buổi quyết toán, chốt ngân sách năm 2017, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, với yêu cầu tăng thu ngân sách năm 2018 là 22% so với năm 2017, vì vậy Kho bạc nhà nước thành phố phải đi đầu cả nước trong ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện tốt quản lý tài chính và thu, chi ngân sách nhà nước.
Đề cập đến việc thu phí và lệ phí trên địa bàn, đóng góp nguồn ngân sách đáng kể cho thành phố, ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thành phố cần phối hợp với các đơn vị để đảm bảo ngân sách được đưa về Kho bạc nhà nước thành phố ngay trong ngày, đảm bảo an toàn.
Với nhiệm vụ thu ngân sách năm 2018 được xác định là nặng nề hơn, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị: Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội tập trung ngay từ ngày đầu, giờ đầu mở rộng các điểm thu, cải cách thủ tục hành chính trong các mặt công tác. Đặc biệt, Kho bạc thành phố Hà Nội cần phối hợp với Hải quan, Cục thuế thành phố, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân thu nộp ngân sách năm 2018.
Theo ông Đào Thái Phúc, Giám đốc Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội, để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2017, Kho bạc Nhà nước thành phố đã phối hợp tốt và có hiệu quả với cơ quan thu như Thuế, Hải quan; các hệ thống ngân hàng thương mại trong công tác thu. Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước cũng hiện đại hóa chương trình thu ngân sách nhà nước, mở rộng mạng lưới, các điểm thu nộp.
Về công tác kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước, tính đến ngày 31/12/2017, số chi thường xuyên ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước Hà Nội đạt 86,2% dự toán. Đặc biệt, trong năm 2017, Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội luôn thực hiện đảm bảo an toàn, an ninh kho quỹ, thực hiện trả lại khách hàng nhiều món tiền thừa với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Để thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2018 trên địa bàn là 218.270 tỷ đồng Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội đưa ra một số giải pháp, trong đó đáng chú ý là việc xây dựng “kho bạc thông minh”, “kho bạc điện tử” theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát thu, chi ngân sách Nhà nước.(TTXVN)