Agribank rao bán nhà máy thuỷ điện Đăk Mek 3 giá 161 tỷ đồng; Tiền kỹ thuật số nào sẽ là hiện tượng Bitcoin tiếp theo?; Hàng loạt chuyên gia lên tiếng về tương lai Bitcoin: Kiểm soát lòng tham trước khi bong bóng vỡ;Phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-12-2017
- Cập nhật : 19/12/2017
Kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh Tây Nguyên đạt cao nhất từ trước đến nay
Theo Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay các mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên ngày càng đa dạng, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng.
Chỉ riêng năm 2017, các tỉnh Tây Nguyên đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2,662 tỷ USD, đạt gần 102% so với kế hoạch và tăng 22,71% so với năm 2016. Đây cũng là năm các tỉnh Tây Nguyên đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất so với từ trước đến nay.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của các tỉnh Tây Nguyên là cà phê, hồ tiêu, cao su, alumin, mật ong, tinh bột sắn, hạt điều, rau, hoa tươi. Đắk Lắk là địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất với trên 575 triệu USD, đạt 100,9% kế hoạch năm và tăng 4,55% so với năm 2016. Sản phẩm xuất khẩu của Đắk Lắk là cà phê nhân, cà phê hòa tan, hạt tiêu, cao su, tinh bột sắn, mật ong…
Hiện nay, cà phê nhân của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu sang 75 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, có 36 thị trường đạt kim ngạch trên 1 triệu USD trở lên; trong đó, có 10 thị trường, gồm: Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Italy, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Mexico, Thụy Điển đạt kim ngạch từ 10 triệu USD trở lên.
Ngoài xuất khẩu cà phê nhân, các tỉnh Tây Nguyên cũng khuyến khích các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến sâu cà phê để góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê, cây nông sản có sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của vùng Tây Nguyên. Ngay tại Đắk Lắk hiện nay cũng đã có nhiều doanh nghiệp trong, ngoài nước như Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái, Công ty TNHH Nam Nguyên, Công ty TNHH Cà phê Ngon…đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan để xuất khẩu.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, hoặc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng mở rộng hình thức bán hàng trực tiếp cho các bạn hàng lớn, người tiêu thụ cuối cùng tại các quốc gia trên thế giới…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, các mặt hàng xuất khẩu hiện nay vẫn chủ yếu là nguyên liệu thô nên giá trị gia tăng đạt thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Cụ thể, ngay tại Đắk Lắk, vùng trọng điểm cà phê, hồ tiêu của cả nước nhưng hàng năm cũng xuất khẩu thô từ 215.000 tấn cà phê nhân, trên 4.800 tấn hạt tiêu, trên 5.000 tấn mủ cao su… (TTXVN)
--------------------
Doanh nghiệp Khu chế xuất vẫn được nhập cát sản xuất
Tổng Cục Hải quan cho biết quy định dừng xuất khẩu mặt hàng khoáng sản cát trắng silica không áp dụng với trường hợp đưa cát từ nội địa vào khu chế xuất.
Thông tin này được Tổng cục Hải Quan đưa ra trong văn bản gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp vẫn được cho phép đưa cát vào khu chế xuất phục vụ các mục đích sản xuất.
Trước đó, Tổng Cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo hải quan các địa phương dừng thủ tục xuất khẩu cát trắng silica, đối với các loại cát khác, báo cáo tổng cục Hải quan các trường hợp cụ thể để tổng hợp, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Hướng dẫn này được đưa ra trong bối cảnh Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện chủ trương không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài.
Trong quá trình thực hiện văn bản hướng dẫn của Tổng Cục Hải quan, một số hải quan địa phương đã gặp vướng mắc khi xử lý các trường hợp doanh nghiệp muốn đưa cát từ trong nội địa vào các khu chế xuất.
Theo quy định, quan hệ mua bán giữa nội địa và các khu chế xuất là quan hệ xuất nhập khẩu, do đó, khoáng sản từ nội địa bán vào khu chế xuất phải làm thủ tục xuất khẩu.(Tuoitre)
-----------------------
ECB nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone
ECB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế đạt 2,4% cho năm 2017, 2,3% năm 2018 và 1,9% năm kế tiếp.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong những năm tới, nhưng vẫn triển khai sự hỗ trợ quy mô đối với nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) do lo ngại không thể đạt được chỉ tiêu lạm phát 2% vào năm 2020.
Trước đó, ECB đã thực thi một loạt chính sách nhằm tăng tỷ lệ lạm phát, như đề xuất các khoản cho vay lãi suất thấp đối với các ngân hàng, ấn định lãi suất ở mức thấp kỷ lục và mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp thông qua gói mua sắm trị giá hàng chục tỷ euro mỗi tháng.
Tất cả các biện pháp trên của ECB là nhằm tăng lượng tiền mặt bơm vào hệ thống tài chính của Eurozone để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình, lấy làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Tuy nhiên, ECB dự báo tỷ lệ lạm phát dự kiến sẽ giảm từ mức 1,5% trong năm nay xuống 1,4% năm sau và chỉ tăng lên 1,7% vào năm 2019, vẫn thấp hơn so với mục tiêu lạm phát do ECB đề ra là 2%, mức lạm phát được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế của Eurozone.
Đây chính là lý do khiến ECB tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ đối với Eurozone gồm 19 nước thành viên.
Trước đó, hồi tháng 10/2017, ECB đã quyết định sẽ thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp xuống còn 30 tỷ euro (35,4 tỷ USD)/tháng, bắt đầu từ tháng 1/2018 so với con số 60 tỷ euro hiện nay.
Tuy nhiên, ECB sau đó đã gia hạn chương trình này cho tới sau thời hạn chót là vào tháng 9/2018 hoặc tăng chi tiêu hàng tháng nếu tỷ lệ lạm phát giảm.
Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết mặc dù tình hình tăng trưởng kinh tế có sự cải thiện và sẽ tiếp tục được cải thiện, nhưng tin tức về lạm phát vẫn không có gì khả quan. Ông Mario Draghi cũng dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ giảm lại trong những tháng tới trước khi tăng trở lại'.(Baodautu)
---------------------------
Cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư Khu vực tam giác Campuchia - Lào - Việt Nam
Nhiều giải pháp về tăng cường kết nối hạ tầng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, rút ngắn thời gian, tháo gỡ những rào cản giao thương hàng hóa như “một điểm đến - hai điểm dừng”, kêu gọi hợp tác những lĩnh vực có thế mạnh đã được các đại biểu đưa ra tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch lần thứ 11 Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào- Việt Nam (CLV) được tổ chức sáng 18/12 tại Bình Phước.
Tại diễn đàn, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng cho biết, đến nay tại các tỉnh trong Khu vực tam giác phát triển CLV, Việt Nam có 113 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư là 3,6 tỷ USD. Cụ thể, tại Campuchia, Việt Nam đầu tư 48 dự án với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD. Trong khi đó, tại Lào đã xúc tiến đầu tư 65 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Các dự án đầu tư chủ yếu về nông nghiệp, khai thác cao su, có những đóng góp ngân sách, xây dựng an sinh xã hội tại khu vực trên.
Ông Đỗ Nhất Hoàng đề xuất các Bộ, ngành hữu quan của ba nước cần đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh. Cùng đó, cải thiện các chính sách liên quan đến thuế, hải quan, lao động; các thủ tục hành chính liên quan đến các hoạt động cấp phép đầu tư, kinh doanh, bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ và thống nhất từ trung ương đến địa phương nhằm giảm thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông giữa các tỉnh trong khu vực.
Đại diện về Hội đồng phát triển Campuchia nhấn mạnh, Khu vực tam giác phát triển CLV hạ tầng kết nối chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực này. Hy vọng, diễn đàn sẽ mở ra nhiều cơ hội để ba nước tăng cường xúc tiến hợp tác đầu tư -thương mại.
Theo đại diện lãnh đạo của nước bạn Lào, đây là cơ hội thúc đẩy mỗi nước tăng trưởng, hỗ trợ hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế của các nước nói chung và khu vực tam giác phát triển nói riêng. Phía Lào đánh giá cao về giao thương thương mại - du lịch, kinh doanh của người dân dọc biên giới tại Khu vực tam giác phát triển luôn giữ vững ổn định, người dân đi lại thuận lợi hơn. Riêng về thương mại giữa Việt Nam và Lào hợp tác ổn định, từ năm 2016 đạt hơn 800 triệu USD, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2017 đã đạt hơn 500 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, quan hệ thương mại giữa Lào và Campuachia cũng đầy tiềm năng phát triển trong tương lai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh nhấn mạnh: Khu vực tam giác phát triển CLV đã được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp thuộc 5 tỉnh trong khu vực của Việt Nam. Đến nay, đã có 37 dự án đầu tư của Việt Nam vào các tỉnh trong khu vực này với số vốn lên đến trên 1 tỷ USD; trong đó, có 148 triệu USD vốn đầu tư của các nhà đầu tư tại Bình Phước. Các dự án của Bình Phước đầu tư vào khu tam giác chủ yếu khai thác chế biến cao su và trồng điều, qua đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy về thương mại, tăng trưởng kinh tế- xã hội cho Khu vực tam giác phát triển.
Cũng tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo 13 tỉnh trong khu vực CLV đã giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch của khu vực tam giác phát triển đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp của ba nước. Theo đó, các tỉnh lên kế hoạch sẽ đẩy mạnh về xúc tiến thương mại, đầu tư và thu hút du lịch. Nhiều tỉnh đề nghị cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch, trình độ ngoại ngữ và xây dựng vùng biên giới thành điểm dừng chân thân thiện.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả thu hút đầu tư đáng khích lệ, song theo các nhà điều phối khẳng định vẫn còn nhiều lĩnh vực chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, cũng như mối liên hệ hợp tác chiến lược giữa ba nước chưa đồng bộ.
Những tồn tại, hạn chế được nhìn nhận là rào cản về cơ sở hạ tầng đã được nâng cấp nhưng vẫn còn yếu kém hơn so với các khu vực khác; chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư. “Một điểm đến nhưng hai điểm dừng” trong khâu giải quyết thủ tục hải quan xuất nhập khẩu hàng hóa, gây mất thời gian cho các nhà đầu tư, bị đánh thuế đến hai lần…
Tại diễn đàn trên, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm về môi trường đầu tư tại Khu vực tam giác phát triển. Theo đó, những vấn đề nêu lên đều liên quan đến cả ba bên Campuchia – Lào - Việt Nam. Đặc biệt, đại diện Hội đồng phát triển Campuchia thông tin về giá tiền thuê đất ưu tiên trong việc thuê đất đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được miễn thuế 9 năm kể từ ngày hưởng hoa lợi đầu tiên. Ngoài ra, việc Campuchia cũng đã điều chỉnh thời gian cho thuê đất từ 75 năm giảm xuống còn 50 năm cũng là những thông tin hữu ích dành cho các nhà đầu tư.(TTXVN)