Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt lo ngại vì giấy phép con vẫn “đẻ thêm”
Xe máy giảm giá vẫn khó bán, tiêu thụ ô tô tăng mạnh trong tháng 9
9 tháng, lợi nhuận của Tàu thủy Dung Quất vượt 39% kế hoạch năm
Nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh "giậm chân tại chỗ"
Siết chặt quản lý thuế với doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu
Tin kinh tế đọc nhanh 06-09-2015
- Cập nhật : 06/09/2015
Lo thiếu 5 tỷ kWh điện, Bộ Công Thương đã có phương án ứng phó
Theo ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết ngay từ đầu năm để đảm bảo cung cấp điện, Bộ Công Thương đã lập kế hoạch với 3 phương án, bao gồm kịch bản cơ sở, kịch bản cao và kịch bản thấp.
Theo đó, với phương án cơ sở sẽ dự kiến lượng điện tiêu thụ tăng 10,5%, và phương án cao tăng 11,2%. Tuy nhiên, hiện xu hướng cung ứng điện đang đi theo phương án cao, khi mức tiêu thụ điện đã tăng hơn so với kế hoạch.
Mặc dù vậy, ông Phúc cho biết việc điều hành cung ứng điện là không bị động. Dẫn chứng, trong những tháng vừa qua việc cung ứng điện vẫn đáp ứng nhu cầu, khi những tháng mùa khô căng thẳng nhất vẫn đảm bảo nhu cầu điện”, ông Phúc nói.
Trước đó, tại cuộc họp giao ban của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hải Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết tình hình nước về các hồ thủy điện kém, đặc biệt là miền Trung và Tây Nguyên.
Do đó, EVN dự kiến từ nay đến cuối năm sản lượng điện đạt khoảng 55 tỷ kWh, tức là kém hơn 5 tỷ kWh so với kế hoạch được Bộ phê duyệt là 60 tỷ kWh.
Ông Phúc cũng xác nhận, có khả năng sẽ thiếu 5 tỷ kWh điện so với kế hoạch đặt ra. Được biết, hiện nay Bộ Công Thương đang tính toán và cập nhật lại các thông tin để từ đó đưa phương án huy động các nguồn điện.
“Có thể cuối năm thủy văn biến động, trường hợp thiếu 5 tỷ kWh thì chúng tôi vẫn huy đọng nguồn nhiệt điện. Đây là nguồn cung tương đối lớn và có dự phòng khá nên vẫn cung cấp điện đảm bảo cho phát triển kinh tế xã hội”, ông Phúc cho biết.
_________________________________________________
Ngân hàng Phát triển Việt Nam có vốn điều lệ 30.000 tỷ đồng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Theo đó, VDB là ngân hàng chính sách, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Vốn điều lệ của VDB là 30.000 tỷ đồng. VDB hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước; tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%; không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Hoạt động của VDB bao gồm: Hoạt động huy động vốn; Hoạt động tín dụng; Hoạt động ủy thác và nhận ủy thác; Tham gia thị trường liên ngân hàng; tổ chức thanh toán nội bộ; cung cấp các dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngoại hối và các dịch vụ ngân hàng khác cho khách hàng; thực hiện hoạt động ngoại hối; tham gia hệ thống thanh toán trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
VDB được quyền thành lập công ty con hoặc tham gia thành lập các công ty liên kết trong và ngoài nước để quản lý, khai thác, bán tài sản để thu hồi nợ sau khi có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ cấu tổ chức quản lý của VDB gồm Hội đồng quản trị; Ban kiểm soát; Tổng giám đốc và bộ máy giúp việc.
Theo quy định, Hội đồng quản trị là cơ quan quản trị VDB, thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu vốn nhà nước tại VDB, nhân danh VDB để quyết định, thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của VDB, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu, Bộ Tài chính; chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, Bộ Tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.
Cơ cấu Hội đồng quản trị gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị khác. Số thành viên của Hội đồng quản trị tối đa là 5 người, làm việc theo chế độ chuyên trách. Tổng giám đốc VDB là thành viên Hội đồng quản trị.
_________________________________________________
Pháp giảm nhập khẩu bạch tuộc từ Việt Nam
Cụ thể, tính riêng trong 5 tháng đầu năm, Pháp chỉ nhập bạch tuộc tươi, sống từ 10 nước trên thế giới, ít nhập khẩu từ Việt Nam nên giá trị chỉ đạt 577.000 USD, giảm 23,68% so với cùng kỳ 2014. Đây là mức giảm mạnh nhất trong nhóm hàng nhuyễn thể chân đầu vào thị trường này trong thời gian qua.
Còn về nhóm bạch tuộc đông lạnh, Pháp nhập từ 17 nước trên thế giới với giá trị 5 tháng đầu năm đạt 4,594 triệu USD, giảm 17,45% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam là nước xuất bạch tuộc đông lạnh đứng thứ 7 tại Pháp.
7 tháng đầu năm nay, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản - Vasep, không chỉ Pháp giảm nhập bạch tuộc của Việt Nam mà tại Hàn Quốc, thị trường này cũng đi xuống trong vài tháng gần đây.
_________________________________________________
Giá thép trong nước giảm 200.000-500.000 đồng/tấn
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 8, lượng sắt thép thô ước đạt 367,1 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ; lượng thép cán ước đạt 366,4 nghìn tấn, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2014; lượng thép thanh, thép góc ước đạt 336,8 nghìn tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2015, lượng sắt thép thô đạt 2.434 nghìn tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2014; thép cán đạt 2.733,4 nghìn tấn, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2014; thép thanh, thép góc đạt 2.536,4 nghìn tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong khi đó, nhập khẩu thép các loại từ các thị trường trong tháng 8 tăng 62,6% về lượng và 13,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 8 tháng đầu năm 2015, nhập khẩu thép các loại tăng 43,5% về lượng và 10,8% về trị giá; nhập khẩu sản phẩm từ thép tăng 41% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014.
Bộ Công Thương cho biết, theo quy luật hàng năm, do chuẩn bị vào mùa mưa bão nên lượng tiêu thụ thép giảm nhẹ. Do đó, giá bán thép tại một số nhà máy sản xuất kinh doanh thép điều chỉnh giảm nhẹ so với tháng trước, cụ thể giá bán lẻ thép xây dựng giảm khoảng 200-500 đồng/kg so với tháng 7 (200.000 – 500.00 đồng/tấn). Mức giá bán ở miền Bắc dao động phổ biến ở mức 14.000 - 14.800 đồng/kg; tại các tỉnh Miền Nam dao động phổ biến ở mức 14.200 -14.900 đồng/kg.
_________________________________________________
Chuyên gia Nga: Giá dầu có thể giảm xuống 25 USD mỗi thùng
Báo Độc lập của Nga ra ngày 4/9 đã bằng nhận định giá dầu có thể giảm sâu xuống mức 25 USD/thùng; đồng thời cho rằng trong những năm tới, sản lượng khai thác dầu sẽ giảm từ 4-7%.
Tờ báo dẫn lời cựu Bộ trưởng Bộ Nhiên liệu và Năng lượng Nga Yuriy Shafranik nói rằng, giá dầu có khả năng sẽ dao động trong khoảng 50 USD/mỗi thùng, song Moskva không thể và không nên loại trừ khả năng có thể giảm xuống mức 30 hoặc 25 USD/thùng.
Hiện Nga đang xem xét, soạn thảo kế hoạch ngân sách quốc gia cho năm 2016, trên cơ sở ước tính giá dầu xuống tới 40 USD/thùng, thay vì mức 55-60 USD/thùng như Bộ Phát triển Kinh tế Nga dự báo trước đó cho giai đoạn 2016-2018.
Trong khi đó, chuyên viên phân tích của hãng Verum Option, ông Alexander Krasnov lưu ý trong 30 năm qua, giá dầu đã giảm hai lần xuống còn 20-30 USD/thùng.
Năm 1998, giá dầu thậm chí còn giảm xuống còn 18 USD/thùng sau khi lên đến đỉnh điểm 104 USD/thùng vào năm 1980. Vì vậy, chẳng hạn nếu cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc tiếp tục kéo dài, giá dầu có thể tiếp tục giảm từ 20-30 USD/thùng.
Theo một báo cáo chuyên môn, tính đến tháng Bảy vừa qua, do giá dầu giảm, số lượng giàn khoan hoạt động ở Mỹ đã giảm xuống còn 857, so với 1.871 giàn hoạt động cùng kỳ năm 2014.
Tính chung trên toàn thế giới hiện có hơn 4.000 giàn khoan đang hoạt động; trong đó tại khu vực Mỹ Latinh là 419 giàn; châu Âu 135 giàn; châu Phi 125; Trung Đông 372; Canada 355 và tại Nga có 781 giàn khoan.
_________________________________________________