Sau 2 lần "thoát xác", Tài chính Sông Đà chính thức có tên mới; Uber vẫn chưa chịu nộp hết thuế; Trên 32.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động; Yêu cầu Pjico chuyển tiền bồi thường cho ngư dân
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-09-2015
- Cập nhật : 07/09/2015
Nhà đầu tư tăng mua vàng
Lúc 8h20, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI báo giá vàng miếng SJC 34 – 34,1 triệu đồng một lượng (mua vào - bán ra), giảm 80.000 đồng so với cuối tuần. Thị trường châu Á sáng nay cũng phát tín hiệu giảm, đang dao động quanh mốc 1.123,6 USD mỗi ounce, tương đương 30,5 triệu đồng (chưa bao gồm thuế phí).
Hai ngày cuối tuần, giá vàng SJC đi ngược chiều quốc tế, theo lý giải của các doanh nghiệp là do xuất hiện lực mua lớn. Theo DOJI, lượng mua vào tăng 85%, chủ yếu xuất phát từ các nhà đầu tư và tổ chức lớn. Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng cho biết lực mua cuối tuần tăng rõ rệt. "Hơn 70% lượng giao dịch xuất phát từ nhu cầu dự trữ của người dân", báo cáo đầu tuần của đơn vị này cho hay.
Dự kiến trong tuần này, theo đánh giá của DOJI, giá vàng SJC giao dịch trong biên độ hẹp khoảng 33,85 - 34,35 triệu đồng mỗi lượng.
Thị trường ngoại tệ hai ngày cuối tuần vẫn ổn định. Đầu ngày 7/9, mỗi đôla Mỹ vẫn được các nhà băng giữ mức giá mua bán ở 22.440 - 22.500 đồng.
_________________________________________________
Niên vụ thứ ba mất mùa, sản lượng cà phê có khả năng giảm 20%
Niên vụ 2015-2016 là niên vụ thứ ba liên tiếp cây càphê bị mất mùa, gây thiệt hại lớn đối với các nông hộ và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Nguyên nhân giảm sản lượng được cho là do từ đầu niên vụ, các tỉnh vùng trọng điểm cà phê như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai bị hạn nặng, kéo dài khiến hàng chục nghìn ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh bị thiếu nước tưới chết khô hoặc khô cành, khó khăn trong việc chăm sóc phục hồi.
Tại tỉnh Đắk Lắk, nơi có diện tích càphê nhiều nhất nước, trên 204.500ha, mùa khô vừa qua có 47.835ha cà phê bị thiếu nước tưới làm chết khô hoặc khô cành, giảm năng suất, sản lượng 15-20% so với niên vụ trước.
Mặt khác, diện tích cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém, hiệu quả kinh tế thấp ngày càng tăng trong khi việc thực hiện tái canh chậm. Chỉ riêng các tỉnh Tây Nguyên diện tích cà phê trên 20 năm tuổi (già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh) cần phải trồng tái canh từ nay đến năm 2020 là hơn 120.000ha. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên các nông hộ, doanh nghiệp triển khai trồng tái canh cà phê còn hạn chế, tiến độ không như mong muốn.
Quả càphê đang bước vào giai đoạn chắc hạt, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê tập trung chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh để tăng kích thước, trọng lượng nhân càphê, giảm tình trạng rụng quả non./.
_________________________________________________
Hé lộ nhà đầu tư chiến lược của cảng Hải Phòng
Hiện có ít nhất ba nhà đầu tư lớn chính thức đề xuất mua lại phần vốn Nhà nước tại cảng Hải Phòng hiện do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nắm giữ. Tuy nhiên, chỉ có nhà đầu tư Oman có thể thỏa mãn các điều kiện của Vinalines tại đây.
Khẳng định mục tiêu của Vinalines là lựa chọn được nhà đầu tư có khả năng hỗ trợ tối đa về công nghệ, kỹ thuật, nâng cao trình độ quản lý cho cảng Hải Phòng, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Phó tổng giám đốc Vinalines cho biết, một trong những điều kiện quan trọng nhất của nhà đầu tư là ngoài việc có điều kiện tài chính lành mạnh, không dùng vốn vay để tài trợ cho khoản đầu tư là có kinh nghiệm vận hành, khai thác cảng biển nước sâu tối thiểu ba năm; Sẵn sàng tham gia hoặc hỗ trợ cảng Hải Phòng đầu tư vào khu cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và đưa cảng Hải Phòng trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới cảng biển toàn cầu.
Theo công bố của Vinalines, hiện có ít nhất ba nhà đầu tư lớn chính thức đề xuất nguyện vọng trở thành cổ đông tại cảng Hải Phòng là: Quỹ Dự trữ quốc gia Oman - SGRF (hoặc công ty con 100% vốn sở hữu bởi SGRF); Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) và Tập đoàn Vingroup.
Tuy nhiên, với những điều kiện cần nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài đến từ Trung Đông đang nắm lợi thế, khi cả hai nhà đầu tư nội đều chưa từng có kinh nghiệm quản trị, khai thác cảng biển. Ngoài ra, theo Vinalines, SGRF còn cam kết, nếu trở thành nhà đầu tư chiến lược, SGRF sẽ hỗ trợ khoảng 2 triệu USD/năm trong vòng ba năm cho đội ngũ chuyên gia, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật nâng cao hiệu quả cảng Hải Phòng để đưa cảng biển này trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới cảng biển toàn cầu.
Theo thông tin mà Vinalines cung cấp, đối tác Oman có một “sơ yếu lý lịch” rất phù hợp với mục tiêu chọn đối tác chiến lược cho cảng Hải Phòng của Vinalines. Cụ thể, SGRF được thành lập năm 1980 bởi Chính phủ Oman, với tổng tài sản lên tới 35 tỷ USD. Về cảng biển, SGRF đã và đang đầu tư nhiều cảng biển lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Bỉ, Brazil, với tổng giá trị trên 1 tỷ USD. Tại cảng Kumport, sản lượng hàng hóa qua đây đã tăng 52%, chỉ sau ba năm được SGRF đầu tư và trở thành cảng biển lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo lãnh đạo Vinalines, sau khi cân nhắc, đàm phán và lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp, Vinalines và nhà đầu tư sẽ tiến hành giao dịch thỏa thuận trực tiếp trên sàn HNX. Việc thoái vốn cho cổ đông chiến lược cảng Hải Phòng sẽ được thực hiện ngay trong quý IV/2015.
Được biết, với giá đóng cửa ngày 19/8 là 16 nghìn đồng/cổ phiếu, Vinalines dự kiến thu về khoảng 1.552,9 tỷ đồng.
_________________________________________________
Sản xuất sản phẩm lưu niệm được hỗ trợ kinh phí
UBND thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt phương án sản xuất thử sản phẩm lưu niệm cho ba doanh nghiệp trên địa bàn được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm lưu niệm của thành phố.
Theo đó, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu mỹ nghệ Lê Quang Huy với năm sản phẩm sản xuất thử là các mô hình cầu Trần Thị Lý, cầu Sông Hàn, trung tâm hành chính thành phố, vòng quay Mặt trời và cầu vượt ngã ba Huế.
Công ty TNHH MTV tinh dầu Hoàng Lịch với hai sản phẩm sản xuất thử là cao tràm Tiên Ông và dầu gió Linh Ứng. Cơ sở sản xuất thạch ảnh Nguyên Vỹ với bốn sản phẩm sản xuất thử là diệp ảnh trên lá vàng, diệp ảnh trên lá xanh, diệp ảnh trên gân lá và thạch ảnh trên vỏ trai chín lỗ.
Các nội dung hỗ trợ các đơn vị sẽ bao gồm: được hỗ trợ kinh phí tổ chức sản xuất thử với mức hỗ trợ tối đa 50% kinh phí nhưng không quá 50 triệu đồng/đơn vị; được vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố và các nguồn ưu đãi của Nhà nước theo quy định; hỗ trợ kinh phí thực hiện đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ mới trong các khâu sản xuất, xử lý môi trường; tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu với mức hỗ trợ tối đa 50% giá trị máy móc thiết bị...
Đồng thời được hỗ trợ để tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước cũng như kinh phí thuê mặt bằng, quầy hàng hoặc ký gửi, ủy thác mua bán sản phẩm tại các trung tâm...
_________________________________________________
Giảm giá vé tàu hỏa theo giá nhiên liệu
Công ty TNHH vận tải Đường sắt Sài Gòn vừa điều chỉnh giá vé tàu nhằm phù hợp với giá nhiên liệu giảm để hu hút khách đi tàu trong thời kỳ thấp điểm.
Thời gian áp dụng giảm giá vé từ ngày 5-9 đến hết ngày 11-9. Các vé đã bán vé trước thời điểm trên không thu thêm hoặc trả lại tiền chênh lệch.
Cụ thể, đối với tàu SNT2, SE26 giảm 10% giá vé hiện hành các loại chỗ từ ngày 5-9 đến hết ngày 11-9 trong chặng từ ga Sài Gòn, Biên Hòa đến ga Nha Trang.
Đối với tàu SNT1, SE25 giảm 10% giá vé hiện hành các loại chỗ cho các hành khách đi tàu từ ngày 7-9 đến hết ngày 11-9 từ ga Nha Trang đến ga Biên Hòa, Sài Gòn.
Công ty TNHH vận tải Đường sắt Sài Gòn sẽ tiến hành điều chỉnh giá vé trên hệ thống bán vé, đồng thời niêm yết giá vé tại ga.
_________________________________________________