Hơn 13,500 người đã cùng Richard Mille kỉ niệm cuộc thi Concours d’Élégance lần thứ 3, một trong những sự kiện tuyệt vời nhất thế giới dành cho những chiếc xe đua cổ điển, theo như giới chuyên gia và các nhà sưu tầm cùng nhận định.
Toyota đặt cược vào xe cỡ nhỏ
- Cập nhật : 08/05/2016
(Tin kinh te)
Với việc sở hữu hoàn toàn Daihatsu, Toyota sẽ có thể tấn công mạnh mẽ thị trường xe nhỏ ở các nước đang phát triển.
Toyota Motor từ lâu “chơi” trên phân khúc xe compact, tiết kiệm nhiên liệu, nhưng các nhà điều hành của hãng xe lớn nhất thế giới này cho biết một hãng xe khác đang làm tốt hơn điều này. Đó là Daihatsu Motor Co., nhà sản xuất ôtô có hơn 100 năm tuổi đời, dự kiến sẽ trở thành công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Toyota vào tháng 8 tới.
Hồi đầu năm nay, Akio Toyoda, ông chủ của Toyota, đã công bố thương vụ 3 tỉ USD thâu tóm hoàn toàn Daihatsu với mục tiêu nhắm đến thị trường các nước đang phát triển, nơi hầu hết người dân không đủ tiền tậu một chiếc xe lớn. Toyoda là một trong số những nhà điều hành đã làm một chuyến viếng thăm “tận mục sở thị” một nhà máy vận hành rất hiệu quả của Daihatsu ở thành phố Nakatsu thuộc miền Nam nước Nhật, nơi cho ra đời những chiếc xe cỡ nhỏ (minicar) với dung tích động cơ chỉ 0,66 lít hoặc thấp hơn, chỉ khoảng bằng một chiếc xe gắn máy có kích cỡ vừa phải.
“Với sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi cùng với những vấn đề về môi trường, xe cỡ nhỏ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trừ phi chúng ta hiểu được xe cỡ nhỏ, nếu không chúng ta không thể tạo ra được sự đột phá”, Toyoda phát biểu khi thương vụ giữa Toyota và Daihatsu được công bố. Việc mua lại hoàn toàn Daihatsu, vốn có thị trường chính là Nhật và Đông Nam Á, sẽ giúp Toyota tăng cường sức mạnh cho dòng xe cỡ nhỏ của mình bằng cách cho phép hãng xe này làm việc chặt chẽ hơn với các kỹ sư từ Daihatsu.
Nhà máy số 2 của Daihatsu đặt tại Nakatsu đã khai trương vào năm 2007, ba năm sau khi nhà máy số 1 của nó ra đời cũng tại nơi đây. Nhà máy số 2 có quy mô chỉ bằng phân nửa nhà máy số 1 nhưng lại có thể tạo ra sản lượng ôtô bằng với nhà máy đầu tiên mà chỉ tiêu tốn 60% số vốn đầu tư thường phải bỏ ra.
Daihatsu đã “nhồi nhét” những con robot hàn xe vào 1/3 diện tích của một nhà máy truyền thống. Ở dây chuyền sơn, những chiếc xe cỡ nhỏ đã hoàn thành được một nửa “trượt” xuống song song với nhau thay vì theo hàng dọc nối đuôi nhau, nhờ đó cắt giảm chiều dài của dây chuyền tới 1/3.
Daihatsu đã học từ sai lầm của nhà máy số 1, nơi Công ty đã phải từ bỏ những con robot trị giá hàng triệu USD sau khi chúng bị hư hỏng liên tục. Công ty đã thay các con robot này bằng những công nhân đã trải qua các khóa huấn luyện kiểu quân đội về lắp ráp xe tốc độ nhanh. Daihatsu cũng đã tìm được các nhà cung cấp mới, có quy mô nhỏ hơn, sẵn sàng thiết kế phụ tùng, linh kiện cho các chiếc xe cỡ nhỏ của hãng với giá “mềm”.
Toyota và Daihatsu đã bắt tay với nhau từ năm 1967 và Toyota đã sở hữu 51% cổ phần trong đối tác này kể từ năm 1998. Cả 2 hãng xe đều hoạt động gần như độc lập trong quá khứ, mặc dù họ làm việc cùng nhau tại thị trường Đông Nam Á qua việc Daihatsu cung cấp một số mẫu xe cho Toyota.
Và nay với việc sở hữu hoàn toàn Daihatsu, Toyota sẽ có thể tấn công mạnh mẽ thị trường xe nhỏ ở các nước đang phát triển. Theo công bố của 2 công ty hồi đầu năm nay, thương hiệu Daihatsu vẫn sẽ giữ nguyên sau khi thuộc sở hữu hoàn toàn của Toyota. Nhân viên Daihatsu sẽ đứng đầu mảng phát triển, thu mua và sản xuất dòng xe cỡ nhỏ tại các thị trường mới nổi cho Tập đoàn Toyota.
Xe cỡ nhỏ có thể mang đến mảng dịch vụ bảo dưỡng cho các đại lý và có thể giúp Toyota thu hút những người mới mua xe mà sau đó có thể chuyển lên sắm các dòng xe mang lại mức sinh lời cao hơn. Nhưng bản thân những chiếc xe cỡ nhỏ này lại không được xem là những cỗ máy hái ra tiền chính. Giống như các đối thủ Mỹ và châu Âu, Toyota phần lớn kiếm tiền từ các dòng xe lớn hơn. Tại Mỹ, thị trường lớn nhất của Toyota, giá xăng dầu ít đắt đỏ đã giúp thúc đẩy mạnh dòng xe thể thao đa dụng và xe tải nhẹ. Đó là cơ sở để Công ty đưa ra dự báo mức lãi ròng khoảng 20 tỉ USD trong năm tài chính gần nhất của mình.
Đối với Daihatsu, xe cỡ nhỏ chính là sở trường. Tại thị trường nội địa, Daihatsu bán những chiếc xe Kei, dòng xe cỡ nhỏ đặc trưng của Nhật. Những chiếc xe này nhờ có động cơ nhỏ nên được hưởng mức thuế sở hữu ôtô thấp hơn. Mặc dù một số chiếc xe cỡ nhỏ tốn chỉ 7.000 USD nhưng những chiếc xe được sản xuất tại nhà máy Nakatsu lại có biên lợi nhuận khoảng 5%, theo một nhà điều hành của Daihatsu, một kỳ tích hiếm thấy đối với một hãng sản xuất xe cỡ nhỏ. Những con số này đã thu hút sự chú ý của Toyota vì hãng xe này đang có tham vọng lớn đối với các thị trường đang phát triển.
Theo IHS Automotive, những chiếc xe nhỏ như vậy hiện chiếm khoảng 28% doanh số bán xe hạng nhẹ toàn cầu. Hãng nghiên cứu này dự đoán, con số trên sẽ tăng lên trong thập niên tới nhờ sự tăng trưởng ở Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển khác.
Thế nhưng, sản xuất xe cỡ nhỏ là chuyện không hề đơn giản, nếu không nói đang là nỗi đau đầu của nhiều gã khổng lồ trong ngành sản xuất ôtô thế giới. Một vài công ty trong số này đã tìm cách thâu tóm công nghệ và trình độ chuyên môn trong sản xuất xe cỡ nhỏ thông qua con đường liên doanh, liên kết. Vào năm 2009, Volkswagen AG (Đức) đã bắt tay với Suzuki Motor Corp., một hãng xe Nhật chuyên sản xuất xe cỡ nhỏ và có sự hiện diện mạnh mẽ ở thị trường Ấn Độ. Mối quan hệ hợp tác này sau đó đã trở nên xấu đi và cuối cùng cả 2 đã đường ai nấy đi vào năm ngoái. General Motors (Mỹ) đang hợp tác với SAIC Motor Corp. của Trung Quốc để làm thay đổi cách thức sản xuất xe dành cho các thị trường đang phát triển.
Những tiêu chuẩn quốc tế về tiết kiệm nhiên liệu ngày càng khắt khe hơn cũng khiến cho những chiếc xe cỡ nhà trở nên “có giá” hơn. Dường như bị áp lực từ thị trường mà Mitsubishi Motors gần đây thừa nhận đã gian lận các cuộc kiểm tra về tiết kiệm nhiên liệu đối với một số xe cỡ nhỏ được bán ở Nhật.
Còn đối với Toyota, xe cỡ nhỏ chiếm khoảng 27% doanh số bán toàn cầu của hãng. Con số này tăng từ mức 22% cách đây 10 năm, theo IHS Automotive, nhưng tại một số thị trường mới nổi trong đó có Ấn Độ, Toyota đang gặp khó khăn trong việc làm sao thỏa mãn thị hiếu của người dân địa phương.
Bằng cách tái cơ cấu chiến lược đối với dòng xe cỡ nhỏ, Toyota kỳ vọng sẽ củng cố quyền lực của mình tại các thị trường như Đông Nam Á và “bành trướng tại các thị trường Nam Á, nơi các nhà sản xuất xe Nhật có chỗ đứng rất vững chắc”, Takaki Nakanishi, một chuyên gia phân tích trong ngành ôtô đang điều hành công ty nghiên cứu riêng, nhận xét. Theo Nakanishi, điều đó có thể dựng lên chướng ngại vật cho các hãng xe Mỹ và châu Âu trong cuộc đua khốc liệt trên các thị trường này.
Văn Quốc
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)