“Tình trạng buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả, chất bảo quản trong thịt gia súc đang là vấn đề ‘nóng,’ làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thực phẩm quốc tế.
Đắt như rau quả hữu cơ
- Cập nhật : 09/11/2015
(Tieu dung)
Dù giá bán khá cao nhưng nông sản hữu cơ (organic) ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn
Ngoài nguồn hàng nhập khẩu, tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp (DN) tổ chức sản xuất và đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế, mặt hàng đa dạng hơn. Tuy nhiên, thị trường đang có tình trạng trăm hoa đua nở các sản phẩm tự gắn mác hữu cơ mà không bị kiểm soát.
Cực khó
“Nếu bắt đầu làm đất từ hôm nay và gieo hạt, khoảng 40 ngày sau bạn đã có thể cắt đem ra chợ bán. Nhưng chúng tôi phải mất 3 năm mới đạt được tiêu chuẩn hữu cơ của quốc tế” - bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty CP Thương mại dịch vụ Mùa (hệ thống cửa hàng Organica), cho biết.
Canh tác hữu cơ là “không hóa chất” nên phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí cho cải tạo đất, nhân công để bẫy côn trùng, nhổ cỏ dại… Trước khi lên kệ hàng, lượng rau quả ở đây (khoảng 100 kg/ngày) phải qua sơ chế tại một địa điểm được thẩm định và cấp giấy đủ điều kiện thì mới được dán nhãn hữu cơ.
Chính vì những điều kiện ngặt nghèo như vậy nên chứng nhận hữu cơ được xem là tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm có yêu cầu cao nhất thế giới hiện nay vì bảo đảm sản phẩm không có hóa chất, chất kích thích tăng trưởng, hormone hay giống biến đổi gien. Vì là “chuẩn cao nhất” nên giá bán cũng ngất ngưởng. Các loại rau ăn lá như: rau đay, mồng tơi, rau lang, cải ngọt… có giá bán xấp xỉ 60.000 đồng/kg (trong khi giá gà thả vườn làm sẵn chỉ 50.000 đồng/kg), gạo 80.000 đồng/kg, tôm gần 700.000 đồng/kg cho loại 16-18 con/kg.
Chị Nguyễn Thị Thanh, đang làm việc cho một tập đoàn may mặc quốc tế có chi nhánh tại TP HCM, cho biết khái niệm thực phẩm organic tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Nhưng tại EU, thực phẩm organic đã có từ lâu, ai cũng biết đó là thực phẩm sạch, ngon nhưng giá luôn cao hơn từ 2-4 lần so với sản phẩm canh tác thông thường nên chủ yếu “giới nhà giàu” mới ăn nổi.
Thiếu chuẩn
Theo tìm hiểu, hiện Việt Nam mới chỉ có vài thương hiệu hữu cơ được chứng nhận quốc tế như: Hoasua Foods, Organik, Organica… cho các sản phẩm rau củ quả, thủy sản, gạo nhưng thị trường rất nhiều nơi rao bán thực phẩm hữu cơ theo kiểu tự xưng, chưa có chứng nhận, người tiêu dùng mua vì tin người bán là chính.
Ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty CP Viễn Phú (thương hiệu Hoasua Foods có chứng nhận hữu cơ quốc tế), cho biết thị trường rau hữu cơ đang “vàng thau lẫn lộn” nên công ty ông chỉ bán trực tiếp, không bán qua đại lý để tránh bị giả mạo.
Bà Trần Thanh Hà, đại diện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Great Việt Nam (thương hiệu Rau sạch vườn của mẹ), cho biết hiện đang cung cấp nhiều loại rau quả trồng theo phương thức hữu cơ nhưng “chưa đến lúc” theo đuổi chứng nhận quốc tế vì chi phí quá cao, giá thành cao, càng thu hẹp lượng khách hàng. “Nếu tính thang điểm 10 cho rau quả hữu cơ chứng nhận EU, Mỹ thì hiện cách sản xuất chúng tôi đang thực hiện cũng được 6,5 điểm trong khi các chuẩn GAP (dùng hóa chất có kiểm soát) đánh giá chỉ được 5 điểm” - bà Hà so sánh.
Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận thấy các DN trong nước phải tốn nhiều chi phí để thuê tổ chức nước ngoài về làm chứng nhận hữu cơ nên đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ giúp DN tiết giảm chi phí, hạ giá thành. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam chưa có văn bản pháp lý nào quy định về canh tác hữu cơ.
Dù vậy, nhờ người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe nên tín hiệu thị trường rất tốt, thu hút nhiều người tham gia đầu tư, hy vọng giá thành sẽ hạ thấp hơn.
Phân biệt nông sản hữu cơ
Về cảm quan, người tiêu dùng có thể nhận biết rau quả trồng theo phương thức hữu cơ qua 3 đặc điểm chính. Thứ nhất, rau quả luôn đậm mùi vị đặc trưng. Thứ hai, nhìn rau quả thấy chắc khỏe tự nhiên. Thứ ba, khi bẻ hoặc bổ ra thấy tỉ lệ nước ít hơn. Những đặc điểm này gần với nông sản tự nhiên được trồng ở vùng sâu vùng xa, chưa bị ô nhiễm bởi canh tác hóa học.
Với canh tác hữu cơ có chủ đích, nhà sản xuất còn phải kiểm soát các yếu tố về nguồn nước, kim loại nặng trong đất, phân bón, các yếu tố đầu vào nên chi phí cao hơn và cũng an toàn hơn. Với các loại rau quả cũng được gọi là sạch canh tác theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP) thì được phép sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục và phải tuân thủ về liều lượng sử dụng, thời gian cách ly... Lối canh tác này giúp cải thiện năng suất và hạ giá thành sản phẩm nhưng vẫn tồn dư hóa chất trong giới hạn cho phép.