Dù nhận biết rõ môi trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt và những thách thức khác cũng không hề nhỏ, nhưng FPT vẫn quyết tâm bán mảng kinh doanh phân phối và bán lẻ đầy lợi nhuận và đặt cược hoàn toàn vào mảng công nghệ thông tin và viễn thông. Tập đoàn này sẽ dùng số tiền bán được làm gì?
Vietnam Airlines muốn bán siêu máy bay A350: Ai xót xa?
- Cập nhật : 07/04/2016
(Tin kinh te)
Đây chính là hệ quả của việc tính toán phương án không rõ ràng, không cụ thể, không hạch toán kinh doanh, làm thất thoát bội tiền của nhà nước.
Vì nợ công chấp nhận lỗ lớn là khó thuyết phục
Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (VNA), đang xin ý kiến của cổ đông để thông qua chủ trương, bán tiếp 3 siêu máy bay A350 là 2 tàu bay Boeing B777-2000ER của VNA. Mặt khác, bán và thuê lại 3 tàu bay Airbus A350 sở hữu có lịch giao năm 2016 – 2017 của VNA.
Được biết, VNA đã mất rất nhiều thời gian để được Chính phủ chấp thuận thông qua, nhưng lô 3 chiếc A350 thậm chí còn chưa về nước mà Vietnam Airlines đã lại phải tính việc bán đi.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 6/4, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi - Trưởng khoa kinh tế, Đại học Nông lâm TPHCM cho biết: "Việc vừa mua về đã có nhu cầu bán lại chắc chắn là do khai thác không hiệu quả. Không loại trừ khả năng đó là sự lãng phí khi đầu tư các tài sản giá trị lớn.
Vietnam Airlines đang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, dựa theo nguyên tắc lợi ích, nhưng việc mua đi bán lại muốn có hiệu quả cao hơn là rất khó".
Theo ông Ngãi, giao dịch bán và thuê lại có thể được cấu trúc dưới nhiều cách khác nhau nhưng chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía bên bán và bên mua.
Nghĩa là một hãng hàng không có thể đặt mua máy bay rồi tại thời điểm giao nhận tàu bay thực hiện bán và thuê lại chính máy bay này hoặc có thể bán và thuê lại máy bay đang khai thác, sử dụng nhằm đảm bảo cân đối tài chính mà không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác.
Một lợi thế quan trọng của bên bán trong giao dịch này đó là họ có được một nguồn vốn quan trọng phục vụ mục đích kinh doanh của họ. Như Vietnam Airlines, việc chuyển đổi tài sản thành tiền, thì họ sẽ gia tăng cơ hội sử dụng nguồn vốn có được từ việc bán tài sản nhằm giảm thiểu nợ vay.
Không những thế, họ cũng sẽ có thêm nguồn lực để phát triển kinh doanh, đặc biệt hơn nữa, là Vietnam Airlines vẫn có được quyền sử dụng các tài sản đó để hoạt động kinh doanh trong thời gian thuê.
Ông Ngãi phân tích thêm: "Với những chiếc A350 còn chưa được nhận, chi phí bỏ ra để mua mới 1 chiếc máy bay chúng ta cũng chưa rõ là bao nhiêu, thêm nữa, bên thuê hoặc mua lại chắc chắn phải chờ 1 thời gian thì mới có thể nhận được máy bay.
Cho nên việc bán và thuê lại đều phải chấp nhận rủi ro, có thể có được một chút lợi nhuận hoặc có thể lỗ".
Vị chuyên gia cho rằng, từ trước đến nay, chúng ta luôn có hai phương án một là mua đứt, hai là thuê, nhưng Vietnam Airlines luôn quyết định mua để chủ động hơn trong việc khai thác.
Như vậy, trong trường hợp mua không hiệu quả, thiệt hại lại là ngân sách nhà nước vì nhà nước đóng cổ phần khá lớn trong đó. Mà ngân sách thì lại do dân đóng góp, vì thế người dân lại là người gánh chịu hậu quả.
Trước giải thích của VNA, vì áp lực trần nợ công, nên VNA đã quyết định rà soát, giảm dần quy mô vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ bằng cách tìm kiếm đối tác để bán và thuê lại ba tàu bay A350 giai đoạn 2016-2017, ông Ngãi cho rằng, đây là lý do tốt, nhưng nguyên nhân bắt đầu là do công ty đã không tính toán kỹ, nên lý do này không thuyết phục. Nếu nợ công mà phát huy hiệu quả thì không sao, nhưng nếu vì áp lực mà giảm bằng mọi cách để trả nợ, khi chấp nhận lỗ quá lớn là khó chấp nhận.
Đừng để dân chịu lỗ kép
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại Việt Nam cho biết: "Máy bay là công cụ để Vietnam Airlines kinh doanh khai thác, nên nhà kinh doanh phải tính toán.
Nhưng một doanh nghiệp liên tục đưa ra các kế hoạch năm nay mua cái này, sang năm mua cái kia, mua về rồi lại không dùng, bán đi dễ gây nên dư luận, doanh nghiệp làm ăn rất kém.
Bởi vì đã là một đơn vị kinh doanh thì phải tính toán đường bay, lượng hành khách tiềm năng, lợi hại ra sao, có thu hồi được vốn hay không, đầu tư bao nhiêu tàu bay.
Dù là máy bay mới, nhưng quy luật thương mại mua 10 bán 5, vậy khoản chi phí mất đi đó, ai sẽ chịu trách nhiệm, đó chính là đầu tư lãng phí, chạy đua theo hình thức.
''Đây chính là hệ quả của việc tính toán phương án không rõ ràng, không cụ thể, không hạch toán kinh doanh, gây thất thoát tiền của nhà nước.
Cứ nói là tiền chính phủ nhưng đó là tiền chùa, tiền thuế của dân đóng góp, mồ hôi nước mắt của dân" - ông Nam phân tích.
Chính vì thế, vị chuyên gia đề xuất: "Vietnam Airlines phải giải thích lý giải vì sao muốn bán, nếu bán và thuê lại thì có bị thất thoát nhiều tiền hay không, tất cả phải công khai, minh bạch.
Việc bán và thuê lại dự tính sẽ được thực hiện trên cơ sở chào hàng cạnh tranh theo luật định".
Theo ông Nam, thực ra từ trước đến nay nhà nước đều ưu ái và để cho VNA một lợi thế, không quy trách nhiệm rõ ràng, đồng tiền của dân được giao cho không sinh lời cũng không bị xử lý và giải trình cụ thể, cho nên mới sinh ra các thương vụ hao tổn ngân sách lớn, mà không có kiểm toán, thanh tra, kiểm tra.
Riêng về khoản tiền bán và thuê lại máy bay có được, ông Nam cho rằng, phải kiểm soát tiền thu về, trả lại cho nhà nước ra sao. Bên cạnh đó, nêu rõ kế hoạch chi tiêu tiếp, phải có phương án kế hoạch tỉ mỉ, có cơ quan kiểm tra.
"Nếu nghiêm khắc, tiêu đồng tiền nhà nước chặt chẽ lắm", ông Nam nói.
Cũng đưa ra đề xuất, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi nói: "Tiền bán lại máy bay, cũng như bán và thuê lại không được coi đó là nguồn thu, mà đó là tiền đi vay, VNA có nghĩa vụ phải trả.
Nếu như họ lấy tiền đó để đi đầu tư vào lĩnh vực khác thì rất nguy hiểm, vì nếu họ tiếp tục đầu tư thất bại sẽ tương đương với việc người dân chịu lỗ kép. Khi đó, nó sẽ trở thành gánh nặng của nhà nước, của chính phủ và toàn dân. Vô cùng xót xa khi đồng tiền đầu tư không có lãi, thậm chí thâm hụt".
Theo Báo Đất Việt