tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bán FPT Shop và FPT Trading: FPT dùng tiền làm gì?

  • Cập nhật : 10/04/2016

(Tin kinh te)

Dù nhận biết rõ môi trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt và những thách thức khác cũng không hề nhỏ, nhưng FPT vẫn quyết tâm bán mảng kinh doanh phân phối và bán lẻ đầy lợi nhuận và đặt cược hoàn toàn vào mảng công nghệ thông tin và viễn thông. Tập đoàn này sẽ dùng số tiền bán được làm gì?

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Khi được một cổ đông chất vấn về lý do tại sao mảng kinh doanh phân phối và bán lẻ đang mang lại nhiều lợi nhuận như vậy mà FPT lại quyết bán đi, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT đã trả lời rằng bán mảng kinh doanh này đi là do đề xuất của chính các cổ đông và vì lợi ích của cổ đông. “Cổ đông đề xuất FPT nên tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi” – ông Bình nói tại đại hội đồng cổ đông của tập đoàn FPT diễn ra cuối tuần trước.

Kế hoạch trong chiến lược
Kế hoạch thoái vốn khỏi FPT Shop và FPT Trading không phải là mới. Từ đại hội đồng cổ đông 2015 của FPT, tập đoàn này đã công bố kế hoạch thoái vốn khỏi hai mảng kinh doanh này trong năm 2016. Thực tế thì FPT cũng đã ký hợp đồng tư vấn với Nomura của Nhật Bản và Cty chứng khoán Bản Việt để lập ra kế hoạch thoái vốn này.
Nhưng cho đến nay, vẫn không ít người ngạc nhiên khi quyết tâm thoái vốn khỏi FPT Shop và FPT Trading một lần nữa được khẳng định tại đại hội đồng cổ đông năm 2016. Ngạc nhiên là phải vì hai mảng bán phân phối bán lẻ của FPT hiện có kết quả kinh doanh rất tốt.
Mảng bán lẻ của FPT được thành lập năm 2012, chỉ sau 4 năm phát triển, FPT Shop đã trở thành hệ thống bán lẻ lớn thứ 2 Việt Nam, phủ sóng toàn quốc với 300 cửa hàng tại 63 tỉnh thành. Năm 2015, FPT Shop đạt mức tăng trưởng nhanh nhất tập đoàn FPT, doanh thu tăng 50% so với năm 2014, lợi nhuận trước thuế tăng 335%. Hết quý 1 năm 2016, FPT Shop đã hoàn thành kế hoạch mở shop của cả năm 2016. Chỉ sau 3 tháng đầu năm 2016, FPT Shop đã hoàn thành trước kế hoạch mở rộng sự hiện diện, với 300 cửa hàng và ước doanh thu đạt 2.459 tỷ đồng và lợi nhuận 43 tỷ đồng, tăng 36% về doanh thu và 51% về lợi nhuận so với quý I/2015.
Với mảng phân phối, FPT cũng đã có trên 20 năm kinh nghiệm hoạt động, có hệ thống quản trị tốt và hệ thống trên 1.500 đại lý trải dài trên toàn quốc. Hiện FPT Trading là nhà phân phối của trên 30 hãng công nghệ hàng đầu trên thế giới, luôn giữ vị trí dẫn đầu trên thị trường, với thị phần cách biệt so với các đối thủ còn lại và luôn duy trì tỷ suất sinh lời trên vốn (ROE) rất cao, năm 2015 đạt 46%.
Ngay cả trong kế hoạch kinh doanh năm 2016, FPT cũng vẫn đặt rất nhiều kỳ vọng vào hai mảng kinh doanh này. Cụ thể, trong tổng kế hoạch doanh thu 45.796 tỷ đồng, tăng 14,5% của năm 2016, khối phân phối và bán lẻ vẫn đóng góp 28.586 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm ngoái. Trong khi đó, trong tổng lợi nhuận trước thuế 3.151 tỷ đồng, mảng phân phối và bán lẻ là 826 tỷ đồng, tăng 13,4%.
So với mục tiêu kinh doanh của mảng công nghệ, thì mảng bán lẻ và phân phối vẫn đóng vai trò khá lớn. Năm 2016, FPT đặt mục tiêu cho doanh thu của mảng kinh doanh công nghệ chỉ là 9.990 tỷ đồng, tăng 16,1%; còn lợi nhuận trước thuế là 1.210 tỷ đồng, tăng 30,5%.
FPT đang dành ưu tiên cho những mục tiêu dài hạn để trở thành một phần tích cực của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đang diễn ra trên khắp thế giới.

Để vươn tới chuẩn mực toàn cầu
Vậy một khi thoái vốn khỏi FPT Shop và FPT Trading, FPT sẽ dùng số tiền thu được làm gì? Tập đoàn này cho biết mục tiêu thoái vốn để làm sao có tỷ lệ sở hữu để kết quả kinh doanh không hợp nhất vào báo cáo tài chính của Cty. Theo ước tính của Cty Chứng khoán Maybank KimEng thì trị giá thương vụ FPT Shop ít nhất vào khoảng 2.300 tỷ đồng đến 2.700 tỷ đồng, tương đương 103 USD – 121 triệu USD. Đó là chưa kể đến giá trị của FPT Trading. “Trên phương diện sử dụng dòng tiền, với chiến lược tập trung vào CNTT và viễn thông, tiền thu được sẽ dành cho các mục tiêu M&A và tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom” – ông Nguyễn Thế Phương, Phó TGĐ FPT khẳng định tại ĐHĐCĐ 2016.
Nhưng có lẽ là FPT đang dành ưu tiên cho những mục tiêu dài hạn để trở thành một phần tích cực của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới. Cách đây 2 tháng, khi trả lời phỏng vấn DĐDN, ông Trương Gia Bình cũng đã nhấn mạnh đến cuộc cách mạng này như là một cơ hội rất lớn để FPT trở thành một trong những tập đoàn CNTT lớn trên thế giới. Để tận dụng được những cơ hội đó, FPT cần tiền để đầu tư, và đó là lý do tập đoàn này quyết thoái vốn khỏi những mảng kinh doanh không cốt lõi, dù rất béo bở.
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. FPT sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức như ông Bình nói đó là các đối thủ cạnh tranh ngay ở trong nước là những Cty viễn thông và các đối thủ cạnh tranh từ Ấn Độ, Nhật Bản. Thực tế, có nhiều gói thầu lớn tại Malaysia, Philippines, Indonesia và Myanmar mà FPT có tham gia nhưng không chốt thầu được. Một thách thức nữa được ông Bình mô tả như là thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực đang thiếu trầm trọng trong lĩnh vực CNTT.


Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Trở về

Bài cùng chuyên mục