Các doanh nghiệp có tên trong danh sách 500 doanh nghiệp tăng trưởng và triển vọng xuất sắc nhất Việt Nam năm 2016 là những đơn vị luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng của mình trong giai đoạn 2011-2014.
Minh Phú lên kế hoạch lấy lại "ngôi vương"
- Cập nhật : 08/04/2016
(Tin kinh te)
Năm 2016, Minh Phú tiếp tục đưa ra kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với kim ngạch xuất khẩu 686,7 triệu USD, doanh thu hợp nhất 16.346 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 33%. Riêng chỉ tiêu LNTT là 593,4 tỷ đồng, gấp 49 lần kết quả thực hiện năm 2015.
Gạt bỏ “ác mộng” 2015, lập kế hoạch đầy tham vọng năm 2016
Năm 2015, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) đã trải qua một năm khá khủng hoảng với kết quả kinh doanh tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Doanh thu và kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú thấp hơn năm trước, chỉ đạt 58% và 65% kế hoạch năm do giá tôm thành phẩm và tôm nguyên liệu xuống thấp nhất trong 5 năm, giá dầu thế giới lại giảm.
Đồng thời, đồng tiền các nước Ấn Độ, Indonesia thay phiên nhau phá giá nên giá bán tôm từ các nước này rất rẻ, bình quân giảm từ 20-30% so với năm trước. Trong khi đó, giá tôm trong nước lại cao do chi phí nuôi cao, chất lượng tôm từ Việt Nam sụt giảm dần dẫn đến tôm xuất khẩu không đủ sức cạnh tranh về giá và chất lượng.
Tuy nhiên, cơn khủng hoảng đó không khiến “người khổng lồ” chùn bước. Năm 2016, Minh Phú tiếp tục đưa ra kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với kim ngạch xuất khẩu 686,7 triệu USD, doanh thu hợp nhất 16.346 tỷ đồng, lần lượt tăng 30%, 33% so với kết quả năm trước. Riêng chỉ tiêu LNTT là 593,4 tỷ đồng, gấp 49 lần kết quả thực hiện năm 2015.
Hiện tại, Minh Phú chưa đưa ra các đánh giá, nhận định của mình về thị trường thủy sản năm 2016 và cơ sở để đặt mục tiêu quá xa vời so với thực tế đã thực hiện năm trước. Tuy nhiên, trong Báo cáo thường niên 2015, Công ty cho biết chiến lược trong năm 2016 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục đổi mới quy trình, tối ưu hóa sản xuất nhằm nâng tỷ lệ lợi nhuận gộp lên 9-10%; tích hợp chuỗi giá trị tôm và cá toàn cầu, gắn kết các chuỗi giá trị tôm liên kết, duy trì chuỗi giá trị khép kín.
Đồng thời, công ty sẽ gia tăng công suất chế biến thông qua việc đẩy mạnh hoạt động của nhà máy Minh Phú Hậu Giang, xây dựng mới nhà máy chế biến tôm ở Cà Mau và nhà máy chế biến tôm, cá ở Hậu Giang. Minh Phú cũng sẽ thành lập hệ thống phân phối ở thị trường quốc tế với các cửa hàng thực phẩm sạch, chuỗi nhà hàng thủy sản, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh thủy sản ở thị trường nội địa và quốc tế.
Chiến lược tổng quan này có vẻ chưa đủ thuyết phục để xóa nhòa đi những lo ngại về triển vọng ngành thủy sản năm 2016. CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đưa ra dự báo kém khả quan với ngành thủy sản năm 2016, cụ thể việc xuất nhập khẩu thủy sản sẽ gặp khó do tác động mạnh của việc phá giá đồng tiền các nước.
BSC dẫn lời IMF dự báo giá tôm sẽ tiếp tục giảm 4% trong năm 2016 và giảm 7% trong năm 2017, năm 2020 giảm 13% so với năm 2015 do nhu cầu tiêu dùng yếu tại các thị trường như Nhật Bản, EU và dư cung tại các nước sản xuất lớn. Trong khi đó, hiện tượng El Nino có thể kéo dài đến giữa năm 2016 sẽ tác động tiêu cực tới sản xuất nuôi trồng thủy sản trong nước.
Cùng quan điểm này, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng cho rằng năm 2016 thực sự sẽ là một năm khó khăn của ngành thủy sản Việt Nam, tuy nhiên các công ty sản xuất tôm có thể sẽ được hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá tôm của thị trường Mỹ (giảm từ 6,37% xuống còn 0,91% - PV).
Chuyển thị trường Trung Quốc làm trọng điểm
Điểm sáng trong kế hoạch kinh doanh của Minh Phú năm 2016 có thể nói là định hướng phát triển thị trường xuất khẩu trong năm và các năm tiếp theo. Minh Phú cho biết sẽ mở rộng thị trường sang Nga và Trung Quốc, đặc biệt Trung Quốc dự kiến sẽ trở thành một trong những thị trường trọng điểm trong thời gian tới.
Nếu như năm 2015, thị trường Nga chiếm tỷ trọng 3,71% trong cơ cấu xuất khẩu của Minh Phú thì Trung Quốc mới chỉ là một thị trường nhỏ bé. Năm 2015, giá trị xuất khẩu vào thị trường này là 3,97 triệu USD, tương đương tỷ trọng 0,76%. Tỷ trọng này dù rất thấp song đã tăng gấp đôi so với năm trước.
Thị trường Trung Quốc có tín hiệu gì tốt cho xuất khẩu tôm? Theo phân tích của BSC, vào tháng 11/2015, Trung Quốc đã gỡ bỏ lệnh dừng nhập khẩu tôm sú Việt Nam. Trước đó, từ ngày 5/2/2015, Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu tôm sú của Việt Nam do phát hiện virus gây bệnh trên tôm.
Trong năm 2015, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Minh Phú với tỷ trọng 40,89%, tăng 1,93% so với năm trước, đạt giá trị 214,4 triệu USD. Trong khi đó, các thị trường quen thuộc như Nhật Bản, EU, Canada, tỷ trọng xuất khẩu đều giảm mạnh, giảm lần lượt 2,09%, 2,65% và 1,25%.
Theo dự báo, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường đầy triển vọng của ngành thủy sản năm 2016 do nhu cầu tiêu thụ dự báo tăng (Tiêu thụ tôm trên đầu người năm 2014 tăng 11,3% so với năm 2013, đạt mức 4 pound/người. Ủy ban Tư vấn chế độ ăn uống Mỹ năm 2015 khuyến nghị các gia đình tăng thức ăn giàu hải sản). Đặc biệt, thuế chống bán phá giá tôm (POR9) vào thị trường Mỹ giảm từ mức 6,37% xuống còn 0,91%,
Ngoài ra, Ấn Độ - quốc gia đối thủ của Minh Phú, dự báo sản lượng tôm sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh vi bào tử trùng trên tôm (EHP). Tháng 10/2015, Ấn Độ công bố dịch EHP bùng phát và sẽ có tác động lớn đến sản lượng tôm của nước này năm 2016.
Diễn biến giá tôm 2016 vẫn còn là biến số, tuy nhiên với những định hướng thị trường như trên, hi vọng Minh Phú sẽ đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Như Nguyệt
Theo NDH.VN