Trung Quốc - Trận địa mới của ngành công nghiệp xa xỉ phẩm
- Cập nhật : 03/10/2015
(Kinh doanh)
Ngày nay, gần 1/3 hàng hóa xa xỉ được bán ra trên thế giới sẽ được tiêu thụ bởi các khách hàng Trung Quốc.
Nếu đối với bạn xa xỉ có nghĩa là phố Bond ở London hay quảng trường Vendôme ở Paris, Hồng Kông sẽ khiến bạn bị sốc. Các tấm biển quảng cáo tràn ngập hình ảnh đồng hồ Thụy Sĩ và giày dép Italy giăng khắp mọi nơi. Ánh đèn rực rỡ nhấp nháy ở các trung tâm mua sắm. Những ánh đèn từ cửa hàng Louis Vuitton tiếp nối màn hình quảng cáo của cửa hàng Burberry bên cạnh.
Quang cảnh khiến người ta liên tưởng đến các sòng bạc ở Las Vegas phản ánh sức tiêu thụ các mặt hàng xa xỉ phẩm của người Trung Quốc và tầm quan trọng của thị trường này đối với ngành công nghiệp xa xỉ. Ngày nay, gần 1/3 hàng hóa xa xỉ được bán ra trên thế giới sẽ được tiêu thụ bởi các khách hàng Trung Quốc. Họ tới Hồng Kông, Macau, Đài Loan và nhiều nước khác để mua sắm. Người dân đại lục đã quá quen thuộc với những thương hiệu nổi tiếng.
Khi khủng hoảng tài chính 2008 khiến ngành công nghiệp xa xỉ liêu xiêu, các khách hàng Trung Quốc chính là cứu cánh. Kể từ đó đến nay, 70 – 80% tăng trưởng của ngành này trên toàn cầu là đến từ Trung Quốc (theo Barclays Capital).Từng nhạt nhòa trên thị trường châu Âu, những thương hiệu như Aquascutum của Anh đã được hồi sinh ở Trung Quốc. Một số khác, như hãng mỹ phẩm Lancôme, được nâng tầm so với ở quê nhà.
Những "cậu ấm cô chiêu" mê hàng hiệu
Thị trường Trung Quốc càng nổi lên sau Thế vận hội Olympics Bắc Kinh năm 2008. Những thương hiệu xa xỉ tràn vào các trung tâm mua sắm với tốc độ gấp gáp y như tốc độ xây dựng của các trung tâm thương mại.
Ở Trung Quốc, xa xỉ thường bắt nguồn từ những sản phẩm giành cho nam giới như rượu và đồng hồ. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều mặt hàng hướng về nữ giới như túi xách, giày dép và quần áo. Ngoài ra, khách hàng ở Trung Quốc cũng ngày càng tinh tế hơn. Một khó khăn khác đặt ra cho ngành xa xỉ ở Trung Quốc là người tiêu dùng chuộng mua sắm ở nước ngoài và ở thị trường này có quá nhiều hàng giả hàng nhái.
Các “cô chiêu cậu ấm” ở những gia đình 1 con (sinh ra trong những năm 1980 và 1990) là nhóm khách hàng nhiều tiềm năng. Vì là con một được bố mẹ và cả ông bà nội ngoại nuông chiều, họ có rất nhiều tiền mặt. Thêm vào đó, vai trò của phụ nữ trong xã hội Trung Quốc đang dần tăng lên. Sự tự tin của họ được chuyển thành doanh số của các hãng xa xỉ phẩm.
Trong khi đó, những người tiêu dùng quen thuộc đang chuyển từ những thương hiệu rất nổi tiếng sang những cái tên ít được chú ý hơn. Theo kết quả khảo sát trong nhóm người tiêu dùng ở Bắc Kinh và Thượng Hải, Hermès và Prada đã thay thế Louis Vuitton và Gucci trở thành 2 trong 3 thương hiệu mà người tiêu dùng muốn sở hữu nhất. Burberry và Bottega Veneta đã lọt vào top 10.
Vì người tiêu dùng chú trọng vào giá cả hơn, những thương hiệu giá rẻ hơn từ nước Mỹ như Coach và Kate Spade đã mạnh mẽ xâm nhập vào thị trường này. Hãng mỹ phẩm Sulwhasoo của Hàn Quốc cũng đang đẩy mạnh hoạt động ở đây.
Theo Christophe Sadones, người phụ trách thị trường Trung Quốc của Louis Vuitton, môi trường mới đòi hỏi các thương hiệu phải làm tốt khâu chăm sóc khách hàng và phải có hình thức tốt.
Lao đao vì chống tham nhũng
Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình đang khiến tình hình thay đổi hoàn toàn, tạo nên một cuộc cách mạng nhỏ về văn hóa.
Báo chí Trung Quốc đưa tin doanh số bán các món sơn hào hải vị như cua hoàng đế và hải sâm đã giảm mạnh. Hãng hàng không China Southern nhận dạng lại thương hiệu khoang hạng nhất thành “hạng thương gia”. Paul & Shark, thương hiệu thời trang cấp trên của Italy, từng nhận đơn đặt hàng 300 chiếc áo polo với giá 3.000 nhân dân tệ (tương đương 490 USD) làm quà tặng. Tuy nhiên thời đó đã xa, theo Alice Wong đến từ ImagineX – công ty quản lý các cửa hàng của Paul & Shark ở Trung Quốc.
Các thương hiệu xa xỉ của châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong 9 tháng đầu năm nay, lượng đồng hồ Thụy Sĩ xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm 2012. Doanh thu của Rémy Martin, công ty sản xuất những chai rượu cognac Louis XIII cognac có giá 2.500 USD, đã giảm 13,4% trong 6 tháng đầu năm.
Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng khiến số lượng nhà giàu mới nổi ở Trung Quốc (có thu nhập 15.000 – 75.000 euro mỗi năm) giảm xuống. Con số giảm từ mức 6 triệu của năm 2010 xuống chỉ còn 4 triệu trong năm 2012.
Theo dự báo của Bain, năm 2015, thị trường xa xỉ phẩm ở đại lục vốn có giá trị 18,9 tỷ USD trong năm 2013 sẽ suy giảm lần đầu tiên trong 3 năm. Một số thương hiệu đã tính đến việc bỏ cuộc. Ngài Arnault của Louis Vuitton khẳng định đây là vẫn là “một trong những thị trường hứa hẹn nhất”. Tuy nhiên tình hình ngày càng trở nên phức tạp và khó đoán hơn.
Săn hàng hiệu trên Internet
Dù những mẫu trưng bày ở Shin Kong Place (Bắc Kinh) và Plaza 66 (Thượng Hải) đẹp mắt và lôi cuốn đến đâu, phần lớn khách hàng Trung Quốc sẽ tới nơi khác để mua sắm. Giá các mặt hàng xa xỉ ở Trung Quốc thường cao hơn 40 – 50% so với ở châu Âu vì thuế nhập khẩu và tiêu dùng. Dân Trung Quốc thích săn hàng hiệu giá rẻ từ nước ngoài hoặc trên Internet.
Năm ngoái người Trung Quốc thực hiện 100 triệu chuyến đi nước ngoài. Rất nhiều trong số đó có điểm đến là Harbour City của Hồng Kông, Đại lộ số 5 của Manhattan và Via Monte Napoleone của Milan. Mua sắm là ưu tiên số 1 còn ngắm cảnh chỉ là số hai. Người dân đại lục sang Hồng Kông chi tới 73% ngân sách cho mua sắm.
Đối với những người không có điều kiện ra nước ngoài, họ có rất nhiều lựa chọn trên Internet, trong đó có một số trang như Mei.com hay The Outnet liên kết với các thương hiệu xa xỉ. Tuy nhiên phần lớn đến từ nguồn hàng xách tay, từ một nhóm gọi là daigou - những người mua sắm hàng hóa tại nước ngoài và cung cấp hàng hiệu xách tay cho người tiêu dùng tại nội địa Trung Quốc.
Các giao dịch được sắp xếp thông qua mạng lưới bạn bè hoặc buôn bán online. Taobao của Alibaba là một trong số đó.
Tuy nhiên mua bán kiểu này thường bị lẫn lộn giữa hàng giả và hàng thật. Bộ Thương mại Trung Quốc đã đề xuất giảm thuế để hạn chế thị trường chợ đen phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng là màu đen và màu xám vẫn là những màu sắc “thời thượng”.