Khi hàng Nhật được thực sự sản xuất tại Nhật, khách du lịch sẽ còn đổ xô đến Nhật hơn nữa, bởi suốt nhiều thập kỷ qua, uy tín của hàng “made in Japan” không hề suy giảm
Chủ tịch SSI: Đây là lúc “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để đầu tư vào Việt Nam
- Cập nhật : 02/10/2015
(Dau tu)
Việt Nam có đầy đủ những thứ mà 10 năm trước còn là mơ ước, các thị trường xung quanh không thuận lợi bằng chúng ta. Đây là lúc thiên thời, địa lợi, nhân hòa để đầu tư vào Việt Nam...
Phát biểu trong phần tham luận với chủ đề “Việt Nam: Tăng trưởng trên đà tăng tốc” tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu sáng ngày 30/9, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI cho rằng, so với cách đây 10 năm, những gì xảy ra tại Việt Nam hiện nay đều là những điều lý tưởng.
Theo ông Hưng, với ngành non trẻ nhất là ngành tài chính, thì hôm nay Thủ tướng cũng đã cam kết sẽ xây dựng những chính sách để hỗ trợ ngành tài chính phát triển. Kinh tế Việt Nam vẫn có những lợi thế như cách đây 10 năm như phát triển ổn định, rủi ro thấp nên khủng hoảng sẽ không tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam.
“Việt Nam có đầy đủ những thứ mà 10 năm trước còn là mơ ước, các thị trường xung quanh không thuận lợi bằng chúng ta. Đây là lúc thiên thời, địa lợi, nhân hòa để đầu tư vào Việt Nam” – ông Hưng nhận định.
Ông Hưng cho rằng Việt Nam có thị trường nội địa tương đương sức mua trên 5.000 USD/người, điều này có nghĩa là rất nhiều các nhà sản xuất nước ngoài có thể kết hợp với các doanh nghiệp Việt để cung cấp cho thị trường Việt Nam.
Khi TPP mở ra bản thân DN Việt Nam có cơ hội mang sản phẩm của mình ra nước ngoài mà không cần bảo hộ. Khi dòng vốn vào đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải có đủ khả năng để triển khai các dự án lớn.
“Vingroup là một ví dụ điển hình cho việc sử dụng nguồn vốn tốt. Rất ít doanh nghiệp có thể triển khai các dự án lớn như thế. Nếu có cơ chế xứng đáng, minh bạch, Việt Nam sẽ có các doanh nghiệp như thế mang lại hiệu quả tốt” – Chủ tịch SSI nhận định.
Đánh giá về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trước sức ép của dòng vốn FDI, ông Hưng cho rằng "Ngày hôm nay chúng tôi - những doanh nghiệp lớn lên một phần nhờ nguồn vốn nước ngoài vào đây, chúng tôi muốn cạnh tranh bằng chính thế mạnh của mình và không cần sự bảo hộ".
Trong khi đó, chia sẻ về triển vọng của thị trường Việt Nam, ông Peter R Ryder – Tổng giám đốc Indochina Capital Corporation, đồng thời là một nhà đầu tư có mặt ở Việt Nam từ những năm 1992 khẳng định, Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển phi thường.
“Mới đây tôi có tham dự một hội nghị dành cho các nhà đầu tư tư nhân ở Quảng Nam với chủ đề về ASEAN. Hội nghị diễn ra 8 tiếng thì các nhà đầu tư đã dành đến 5 tiếng để nói về Việt Nam. Điều này cho thấy, Việt Nam đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với các nhà đầu tư ASEAN” – Tổng giám đốc Indochina cho biết.
Còn theo ông Jonathan Choi - Chủ tịch tập đoàn Sunwah và Tập đoàn VinaCapital, kinh tế Việt Nam có "lúc thăng lúc trầm", nhưng rõ ràng là cơ hội đang quay trở lại Việt Nam.
“Dòng vốn FDI và các nhà đầu tư nước ngoài đang quay trở lại Việt Nam. Điều quan trọng là gần đây Việt Nam có mối quan hệ khá tốt với các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản…; có nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng đầu tư với chính sách kinh tế theo hướng thị trường” - ông Jonathan chia sẻ.
Trước đó, trong phần phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng còn gặp nhiều cơ hội và thách thức đan xen, Chính phủ Việt Nam luôn hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam.
"Với nỗ lực của Chính phủ, chúng tôi hoan nghênh doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư, phát triển lâu dài ở Việt Nam. Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi" - Thủ tướng nhấn mạnh.