Trong khi các ngân hàng Việt nhìn vào lợi nhuận trước mắt thì các doanh nghiệp ngoại lại chú ý đến tương lai của ví điện tử. Sự khác biệt này đang tạo nên lợi thế cho các doanh nghiệp ngoại trong việc chiếm lĩnh thị phần thị trường thanh toán điện tử.
Tỉ phú Thái thâu tóm 'ông lớn' Việt
- Cập nhật : 20/06/2018
Bất chấp giá mua đắt hay rẻ, các đại gia Thái đã lần lượt thâu tóm để làm chủ những doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Từ sữa, bia, nhựa, hóa dầu... những ngành nghề "hot" nhất, những doanh nghiệp (DN) dẫn đầu tại thị trường nội địa đều rơi vào tay người Thái.
"Ông lớn" sữa Việt sẽ sớm về tay người Thái?
Tính đến cuối tháng 5, F&N Dairy Investment thuộc tập đoàn đồ uống Singapore F&N do tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền kiểm soát đã mua hơn 251,2 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), chiếm 17,31% vốn điều lệ của doanh nghiệp (DN) sữa lớn nhất Việt Nam.
Hiện F&N Dairy Investments là cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk và có đại diện trong hội đồng quản trị của công ty. Nhà đầu tư ngoại này đang tiếp tục đăng ký mua thêm 14,5 triệu cổ phiếu VNM trong thời gian từ ngày 6.6 đến 5.7 tới theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 18,3%. Trước đó, để sở hữu được 17,31% vốn điều lệ của Vinamilk, nhà đầu tư này đã miệt mài mua gom cổ phiếu từ 2 năm trước và có ít nhất khoảng 15 lần đăng ký mua gom trên sàn chứng khoán.
Nhiều dự báo cho rằng, trước nỗ lực mua gom cổ phiếu của nhà đầu tư Thái, sớm muộn gì DN sữa lớn nhất nước cũng rơi vào tay ông chủ người Thái.
Ông chủ mới của hóa dầu Long Sơn
Cái tên SCG (Thái Lan) cũng nổi đình nổi đám tại Việt Nam trong nhiều thương vụ thâu tóm các “ông lớn” Việt. Cũng cuối tháng 5 vừa rồi,
Siam Cement - một công ty con của Tập đoàn SCG đã thông báo hoàn tất ký hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mua lại 29% cổ phần còn lại tại nhà máy hóa dầu Long Sơn với tổng trị giá 2.052 tỉ đồng (tương đương 90 triệu USD) để sở hữu 100% dự án hóa dầu này của Việt Nam. Dự kiến dự án hóa dầu Long Sơn với tổng vốn đầu tư 5,4 tỉ USD có thể đi vào hoạt động thương mại từ đầu năm 2023 với công suất sản phẩm olefin đạt 1,6 triệu tấn/năm.
Thâu tóm DN đầu ngành vật liệu xây dựng và nhựa
Tập đoàn SCG của Thái vào Việt Nam từ năm 1992 và từng tuyên bố chi khoảng 6 tỉ USD đến năm 2020 để thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập tại Việt Nam. Đến nay, tập đoàn này đã hoàn tất hơn 20 vụ mua bán sáp nhập thành công tại Việt Nam. Trong đó, tập trung thâu tóm các lĩnh vực vật liệu xây dựng, giấy, nhựa, hóa chất. Năm 2012, SCG chi khoảng 5.000 tỉ đồng để thâu tóm thành công tập đoàn gạch men Prime, thương hiệu gạch lớn nhất Việt Nam thời đó.
Năm 2015, cũng tập đoàn này mua hết 80% cổ phần Công ty cổ phần bao bì nhựa Tín Thành - một trong 5 DN bao bì lớn nhất của Việt Nam. Năm 2017, SCG chi 160 triệu USD hoàn tất thương vụ mua lại Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Việt Nam. Và đến tháng 4 vừa qua, Nawaplastic Industries - công ty con của SCG công bố hoàn tất nâng sở hữu vốn tại Nhựa Bình Minh lên 50,9%, chính thức trở thành ông chủ mới tại DN nhựa đầu ngành này. Hiện đã có 3 người Thái tham gia vào Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh. Nhựa Bình Minh thuộc nhóm DN sản xuất ống nhựa hàng đầu Việt Nam với 4 nhà máy tổng công suất trên 140.000 tấn mỗi năm chính thức rơi vào tay người Thái từ tháng 4 năm nay.
Chấp nhận mua đắt "ông lớn" bia Việt
Âm thầm, kiên trì, bền bỉ theo đuổi và mua ngay trong chớp nhoáng là hiện tượng dễ thấy đối với các tỉ phú Thái trong chiến lược thâu tóm các DN đầu ngành của Việt Nam. Tuy nhiên, thương vụ tốn nhiều giấy mực, gây nhiều tranh cãi trên các kênh truyền thông nhất và thậm chí tạo nhiều bất ngờ có thể nói là sự kiện Tập đoàn TCC Holdings của tỉ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi thâu tóm hãng bia lớn nhất Việt Nam - Sabeco.
Tháng 4 vừa qua, nhà đầu tư này đã chi hơn 5 tỉ USD để mua 53% cổ phần còn lại của bia Sabeco và hiện TCC có 3 đại diện trong HĐQT Sabeco. Mức giá hơn 5 tỉ USD mua Sabeco của tỉ phú Thái được một số ý kiến cho là “mua đắt”, song với tiềm năng thị trường, các chuyên gia tư vấn đầu tư đều cho rằng, giá đó vẫn hời trong tương lai gần bởi thị phần của Sabeco tại thị trường nội địa quá lớn, chưa kể với chiến lược “thay máu” mới, hãng bia này sẽ sớm tăng thị phần cạnh tranh tốt tại thị trường Việt Nam. Cũng như các vụ mua bán sáp nhập các DN đầu ngành nhựa, vật liệu xây dựng, Sabeco chiếm gần 41% thị phần tiêu thụ là miếng bánh béo bở nhất mà bất kỳ nhà đầu tư ngành thực phẩm nước giải khát đều mong muốn sở hữu.
Làm chủ nhiều tập đoàn bán lẻ lớn tại Việt Nam
Nhà đầu tư Thái cũng đứng đầu bảng trong chiến lượt ráo riết thâu tóm mảng bán lẻ khổng lồ tại Việt Nam. Đơn cử TCC Holdings của tỉ phú Thái hoàn tất việc mua lại hệ thống Metro Việt Nam giá gần tỉ USD vào đầu năm 2016, đến tháng 7.2016, Metro Việt Nam đã được đổi tên mới thành Mega Market Vietnam. TCC cũng là nhà đầu tư đã mua tập đoàn bán lẻ Phú Thái Group.
Central Group (Thái) cũng đã chi 1 tỉ USD thâu tóm hệ thống siêu thị Big C Việt Nam. Tập đoàn này cũng mua lại chuỗi điện máy Nguyễn Kim, chuỗi siêu thị Lan Chi hay trang thương mại điện tử Lazora.
Sự bão hòa của thị trường Thái khiến các DN Thái phải tìm kiếm thị trường lân cận, trong đó Việt Nam là đích nhắm của nhiều nhà đầu tư Thái. Chỉ trong vài năm, các tỉ phú Thái đã vươn tay thâu tóm nhiều DN đầu ngành tại thị trường nội địa và nếu không có chiến lược cụ thể, sẽ còn nhiều DN trở thành đích nhắm cho các tỉ phú Thái trong xu hướng mở rộng đầu tư ra ngoài khu vực.
Nguyên Nga
Theo Thanhnien.vn