tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Từ phá sản đến tỷ USD: Những câu chuyện thời trang vĩ đại nhất

  • Cập nhật : 06/09/2018

Những tên tuổi gạo cội đều từng trải qua khoảng thời gian khó khăn trước khi làm nên lịch sử.

Trong thời trang, không ai nói trước được tương lai. Ngay cả khi giám đốc sáng tạo bỏ đi hoặc công ty phải đóng cửa, cơ hội làm lại vẫn có thể xảy ra. Một số thương hiệu thành công nhất từng trải qua nhiều năm, và đôi khi nhiều thập kỷ, sóng gió trước khi đạt đến đỉnh cao hiện tại.

Chanel

Khởi đầu

Gabrielle “Coco” Chanel mở cửa hàng đầu tiên tại 21 Rue Cambon ở Paris (Pháp) vào năm 1910. Đến những năm 1920, quan điểm thiết kế hiện đại và không thể bắt chước khiến bà trở thành một tượng đài của làng thời trang. Nước hoa Chanel No. 5, ra đời năm 1921, được công nhận trên toàn cầu.

Quảng cáo Chanel No. 5 với nữ diễn viên Suzy Parker. (Nguồn: Image Consulting School)

Bước ngoặt

Năm 1945, vào giữa Thế chiến II, Chanel buộc phải đóng cửa mảng thời trang cao cấp và chỉ tiếp tục sản xuất nước hoa và phụ kiện.

Quay lại

Vào năm 1954, Chanel tái xuất với chiếc áo khoác vải tweed gắn liền với thương hiệu. Tuy nhiên, đỉnh cao là khi nhà thiết kế Karl Lagerfeld gia nhập và ra mắt một loạt biểu tượng, từ nước hoa Jersey đến họa tiết hoa trà.

Năm 2014, hãng báo cáo doanh thu 7,5 tỷ USD, lợi nhuận ròng 1,4 tỷ USD. Chanel thuộc sở hữu của gia đình Wertheimer, hậu duệ Pierre Wertheimer, người bỏ tiền tiếp thị và phân phối Chanel No. 5 vào những năm 1920.

Tommy Hilfiger

Khởi đầu

Vào đầu những năm 1970, Tommy Hilfiger ra mắt giới thời trang ở tuổi 18 với cửa hàng The People’s Place tại quê hương Elmira, New York (Mỹ). Thương hiệu lấy cảm hứng từ các siêu sao nhạc rock như ca sĩ Jimi Hendrix hay ban nhạc The Beatles và The Rolling Stones. Hướng đi này khá thành công và nhà thiết kế mở thêm một số địa điểm gần trường đại học trên toàn bang.

Bước ngoặt

Dù tuổi trẻ và sự khéo léo của Hilfiger giúp thúc đẩy The People's Place, kế hoạch tài chính kém và việc mở rộng quá mức giữa giai đoạn suy thoái ở Mỹ đã buộc ông phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 1977.

Poster quảng cáo bộ sưu tập Tommy Hilfiger thu đông 2010 và xuân hè 2013 (Nguồn: Another Mag)

Quay lại

Đến năm 1985, Hilfiger trở lại dưới tên riêng và tự so sánh với những tên tuổi lớn trong thời trang nam như Ralph Lauren, Calvin Klein và Perry Ellis. Ông hợp tác với các nhà đầu tư Silas Chou và Lawrence Stroll qua giai đoạn tài chính khó khăn năm 1989 đến khi IPO (chào bán cổ phiếu công khai lần đầu) vào năm 1992. Tommy Hilfiger là công ty thời trang đầu tiên niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York.

Đến năm 2000, Tommy Hilfiger trở thành thương hiệu thời trang đường phố được yêu thích và tạo ra 2 tỷ USD doanh thu/năm. Tuy lâm vào cảnh khó khăn một lần nữa, công ty vẫn tái định vị thành công. 10 năm sau, công ty được bán cho tập đoàn Phillips-Van Heusen (PVH), sở hữu Calvin Klein, với giá 3 tỷ USD. Trong năm 2015, Tommy Hilfiger thu về 3,4 tỷ USD, chiếm 42% tổng doanh thu PVH.

Calvin Klein

Khởi đầu

Là biểu tượng của chủ nghĩa tối giản, Calvin Klein tạo ra 30 triệu USD vào năm 1977, chỉ một thập kỷ sau khi thành lập. Vào những năm 1980, hãng trở thành thương hiệu của mọi nhà, phần lớn nhờ vào quảng cáo ấn tượng và những sản phẩm đồ lót và đồ gia dụng đa dạng.

Calvin Klein trong thập niên 80. (Nguồn: Calvin Klein)

Bước ngoặt

Thành công nhưng nợ nhiều, công ty mấp mé bờ vực phá sản năm 1992. Klein được cứu nhờ David Geffen - người bạn "đại gia" trong ngành giải trí. Kỷ nguyên tiếp theo của Calvin Klein gắn liền với quảng cáo mang tính biểu tượng với siêu mẫu Kate Moss.

Quay lại

Một thập kỷ thăng trầm sau đó, Klein được đồn là sẽ bán công ty cho PVH với giá 400 triệu USD tiền mặt, 30 triệu USD cổ phiếu và lên tới 300 triệu USD tiền bản quyền, theo New York Times. Năm 2003, nhà thiết kế nghỉ hưu khi thương vụ hoàn thành nhưng dấu ấn của ông vẫn in đậm. Hãng tạo ra 2,9 tỷ USD doanh thu hàng năm cho PVH trong năm 2015 và thuê nhà thiết kế Bỉ Raf Simons làm giám đốc sáng tạo đầu tiên.

Christian Dior

Khởi đầu

Ngày 12/2/1947 đi vào giai thoại của thời trang khi nhà thiết kế 42 tuổi Christian Dior giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên. Chi tiết thắt eo trong các thiết kế của ông ấn tượng đến mức được đặt tên “New Look” (Hình tượng mới). Dior qua đời chỉ một thập kỷ sau đó, để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong thương hiệu.

Trợ lý 21 tuổi của ông - nhà thiết kế Yves Saint Laurent - tiếp quản công ty. Laurent nổi lên với thiết kế "Trapeze" suông, thoải mái hơn nhưng nhanh chóng bị khách hàng bỏ qua vì cho rằng phong cách quá "du mục".

Buổi trình diễn “New Look” năm 1947. (Nguồn: Dior)

Bước ngoặt

Dưới thời nhà thiết kế Marc Bohan, Dior thành công nhưng công ty mẹ của hãng phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 1978. Công ty chính thức phá sản 3 năm sau đó.

Năm 1984, giám đốc "đế chế" thời trang LVMH Bernard Arnault mua công ty mẹ Boussac Saint-Frères với giá một franc. Trong thập kỷ tiếp theo, Arnault mua lại hơn 350 giấy phép của Christian Dior, phần lớn gây thiệt hại cho vốn của thương hiệu.

Quay lại

Năm 1995, Arnault thuê nhà thiết kế Anh John Galliano để định hình lại hãng và cạnh tranh với Chanel. Tuy nhiệm kỳ kết thúc trong tranh cãi, Galliano và CEO Sidney Toledano đã biến Dior thành thương hiệu hàng tỷ USD với mảng mỹ phẩm và nước hoa phát triển mạnh. Trong năm 2015, Dior tạo ra 1,8 tỷ euro (2 tỷ USD) doanh thu.

Marc Jacobs

Khởi đầu

Lớn lên trong thập niên 80 ở New York, Marc Jacobs hiểu rất rõ về phong cách thời trang ở giai đoạn này. Năm 1984, ông bán bộ sưu tập tốt nghiệp cho Charivari - một cửa hàng lớn thời bấy giờ. Năm 1986, ông ra mắt bộ sưu tập may sẵn đầu tiên và giành giải thưởng Perry Ellis cho tài năng thời trang mới, (giải Swarovski hiện nay) chỉ một năm sau đó.

Bước ngoặt

Năm 1989, ngôi sao đang lên và đối tác kinh doanh Robert Duffy được Perry Ellis thuê để giúp khôi phục hình ảnh. Tuy nhiên, Jacobs bị sa thải vào năm 1993 sau khi ra mắt bộ sưu tập “grunge” - phong cách luộm thuộm đặc trưng của nhạc rock. Trong khi áo phông hoạt hình của nhà thiết kế được truyền thông yêu thích và các thương hiệu đại trà sao chép không ngừng, phiên bản cao cấp vẫn không bán được.

Quay lại

Năm 1997, khi Jacobs và Duffy trên bờ vực phá sản, Arnault thuê nhà thiết kế để giúp thương hiệu vali Louis Vuitton mở rộng sang ngành thời trang và cũng đầu tư vào thương hiệu riêng của ông. Với việc bổ sung dòng sản phẩm giá rẻ, "Marc by Marc Jacobs", vào mùa xuân 2001 cùng một loạt mẫu túi và giày, Jacobs trở thành tên tuổi lớn trong mảng bán lẻ quần áo và phụ kiện.

Khi ông rời Louis Vuitton vào năm 2013, Marc Jacobs thu về một tỷ USD doanh thu năm. Năm 2015, công ty thông báo sẽ đưa bộ sưu tập Marc x Marc trở lại, mở ra một kỷ nguyên mới cho nhà thiết kế.

Marc Jacobs trong buổi diễn cuối ngày 2/10/2013 trước khi rời Louis Vuitton để tập trung cho IPO thương hiệu riêng. (Nguồn: Getty Images)

Balmain

Khởi đầu

Pierre Balmain ghi dấu ấn khi làm trang phục cho những diễn viên nổi tiếng như Ava Gardner và Brigitte Bardot. Một loạt nhà thiết kế dẫn dắt thương hiệu sau khi ông qua đời vào năm 1982, đáng chú ý nhất là Oscar de la Renta (1993-2002).

Bước ngoặt

2 năm sau khi De la Renta rời đi, công ty nộp đơn xin bảo hộ phá sản vì một nhà đầu tư cắt hợp đồng.

Quay lại

Cổ đông lớn nhất của hãng, doanh nhân Pháp Alain Hivelin, xoay chuyển tình thế khi thuê nhà thiết kế Christophe Decarnin vào năm 2005. Phong cách phóng khoáng của Decarnin khác hoàn toàn hình ảnh thận trọng trước đó của Balmain.

(Từ trái qua phải) Siêu mẫu Claudia Schiffer, Cindy Crawford và Naomi Campbell trong quảng cáo Balmain năm 2016. (Nguồn: The Muse)

Sau khi Decarnin ra đi vào năm 2011, Hivelin thuê Olivier Rousteing, nhà thiết kế 24 tuổi để mang lại sự tươi trẻ cho hãng. Doanh thu tăng lên 121,5 triệu euro (140 triệu USD) vào năm 2015. Năm 2016, Balmain được bán với giá 485 triệu euro (gần 561 triệu USD) cho quỹ đầu tư Mayhoola của Qatar.

Gucci

Khởi đầu

Thương hiệu thời trang Italy được thành lập tại Florence vào năm 1921 bởi nhà sản xuất yên ngựa Guccio Gucci vì nghĩ rằng khách hàng sẽ muốn mua thêm túi. Giữa thế kỷ, đồ Gucci trở thành vật bất ly thân của các ngôi sao điện ảnh và những du khách giàu có.

Quảng cáo đôi giày Horsebit kinh điển của Gucci năm 1953. (Nguồn: Wonderland Magazine)

Bước ngoặt

Các tranh chấp gia đình trong những năm 1970 và 1980 khiến công ty lâm vào cảnh khó khăn. Năm 1993, Gucci gần như phá sản.

Quay lại

Năm 1994, Tom Ford vào công ty với những thiết kế gợi cảm theo phong cách thập niên 70. Trong 2 năm 1995 - 1996, doanh số bán hàng tăng 90%. Đến năm 1999, thương hiệu được định giá hơn 4 tỷ USD.

Ford rời công ty vào năm 2003 vì 2 bên đàm phán hợp đồng thất bại. 13 năm tiếp theo là giai đoạn thăng trầm của Gucci.

Tuy nhiên, doanh số bán hàng tăng trở lại trong năm 2015 khi Alessandro Michele được chọn làm giám đốc sáng tạo. Thiết kế mơ màng của ông thổi làn gió mới vào phong cách tối giản của thương hiệu trước đó. Doanh thu hàng năm dự kiến vượt 4 tỷ euro (4,6 tỷ USD) lần đầu tiên vào năm 2015, với tham vọng đạt 6 tỷ euro.

Michael Kors

Khởi đầu

Michael Kors bắt đầu sản xuất và bán đồ thể thao khi còn học trung học, nhưng. Ông chính thức ra mắt thương hiệu riêng vào năm 1981 sau khi nhận lời khen từ giám đốc thời trang Dawn Mello của chuỗi bán lẻ danh tiếng Bergdorf Goodman.

Kors gây ấn tượng khi tổ chức trình diễn từ ngay thùng xe tải. Ông được lòng cả giới phân tích và khách hàng với những thiết kế đậm chất Mỹ, lấy cảm hứng từ Đệ nhất Phu nhân Mỹ Jacqueline Kennedy Onassis và diễn viên Ali MacGraw.

Bước ngoặt

Những năm 1990, kinh doanh của Kors gặp rắc rối khi công ty sở hữu giấy phép cho một dòng sản phẩm, Compagnia Internazionale Abbigliamento USA, dừng sản xuất khiến doanh thu giảm đáng kể. Ông phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 1993.

Thập niên 90, Michael Kors lấy cảm hứng từ Đệ nhất Phu nhân Jacqueline Kennedy; năm 2018, Michelle Obama mặc váy của hãng trong bức chân dung chính thức đầu tiên với tư cách là Đệ nhất Phu nhân. (Nguồn: Buro247/Getty Images)

Quay lại

Năm 1997, Michael Kors được tập đoàn thời trang Pháp LVMH mời làm giám đốc sáng tạo cho thương hiệu Céline. Thương hiệu riêng của ông cũng được đầu tư. Năm 2004, nhà thiết kế tham gia chương trình truyền hình thực tế ăn khách Project Runway và giới thiệu thương hiệu đến hàng triệu người xem. 7 năm sau, ông trở thành tỷ phú khi công ty có vụ IPO lớn nhất trong lịch sử thời trang Mỹ. Doanh thu thuần năm 2015 đạt hơn 4,5 tỷ USD.


Minh Thư/ Theo Business of Fashion, Another Mag, Dior
Nguồn: Ndh.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục