tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bibica về với PAN Food: Liệu đã êm xuôi?

  • Cập nhật : 12/09/2017

Liệu PAN có thể kiểm soát, vận hành Bibica theo ý nguyện, khi ở Bibica vẫn còn cổ đông lớn khác là Lotte?

lieu pan co the kiem soat, van hanh bibica theo y nguyen, khi o bibica van con co dong lon khac la lotte?nguon anh: bao trong

Liệu PAN có thể kiểm soát, vận hành Bibica theo ý nguyện, khi ở Bibica vẫn còn cổ đông lớn khác là Lotte?Nguồn ảnh: Bảo Trọng

Sau thời gian dài thăng trầm và tốn không ít giấy mực của báo giới, chuyện tình 3 bên: Bibica - Lotte - PAN (trước là Công ty Chứng khoán Sài Gòn - SSI) cuối cùng cũng đạt được cái kết khá rõ ràng. Đó là Bibica (BBC) chính thức về một nhà với PAN. Sự kiện này đánh dấu bằng việc PAN Food (công ty con của PAN) hoàn tất nâng mức sở hữu tại Bibica từ 43,73% lên 50,07% vốn điều lệ (31.8.2017).

Tham vọng số 1

Ngay khi Bibica về với PAN Food, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI cũng là Chủ tịch của PAN, đã có lời chia sẻ trên trang cá nhân: “Chúng tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất là xây dựng Bibica vững mạnh, giữ gìn một thương hiệu bánh kẹo Việt Nam”. Ông cho biết, trong 5 năm tới, PAN Food và Bibica sẽ là công ty bánh kẹo số 1 tại Việt Nam. Còn theo những gì ông Trương Phú Chiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc ở Bibica, từng đề cập, ở Việt Nam, Bibica chỉ thua Mondelez trong mảng bánh kẹo. Nghĩa là Bibica chỉ cần vượt qua được Mondelez là có thể soán ngôi đầu bảng.

Mondelez là tập đoàn hàng đầu thế giới trong mảng bánh kẹo, thực phẩm và đồ uống có trụ sở tại Mỹ. Theo báo cáo từ Mondelez, năm 2014, hãng này đã chi gần 570 triệu USD để mua lại toàn bộ mảng bánh kẹo của Kinh Đô, từ sản phẩm, quy trình, nhà xưởng, hệ thống kinh doanh, phân phối, nhân sự đến thương hiệu Kinh Đô. Quá trình chuyển giao chính thức từ tháng 7.2015. Đáng chú ý, trong điều khoản, Kinh Đô phải cam kết 5 năm sau đó không tham gia mảng bánh kẹo.

Sau thương vụ này, Mondelez nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường bánh kẹo Việt Nam, nhờ thừa hưởng thị phần từ Kinh Đô. Theo số liệu báo cáo phân tích của VietinbankSC, căn cứ doanh thu năm 2013, Kinh Đô dẫn đầu thị trường bánh kẹo với khoảng 28% thị phần. Các công ty nội địa gồm Bibica, Hải Hà, Hữu Nghị chỉ chiếm khoảng 18%, không phải là đối trọng cạnh tranh với Mondelez. Còn tổng nhập khẩu bánh kẹo chiếm khoảng 20%.

Sang năm 2014, theo VietinbankSC, cả Kinh Đô, Bibica, Hải Hà đều giảm thị phần. Nhưng thị phần Kinh Đô vẫn gấp 4-5 lần Bibica. Đến nay, qua hơn 2 năm thâu tóm, với tên mới là Kinh Đô Mondelez, hãng vẫn giữ ngôi vị dẫn đầu cách biệt. Trong khi đó, theo thông tin công bố, Bibica đặt mục tiêu tăng thị phần năm 2017 lên 8,2%. Kế hoạch doanh thu ước tăng 9,8%, đạt 1.400 tỉ đồng. Không có số liệu kế hoạch doanh thu của Kinh Đô Mondelez để so sánh nhưng giả thiết kinh doanh hãng này vẫn giữ nguyên như năm 2014 thì doanh thu sẽ vẫn lớn hơn 4-5 lần so với Bibica.

Bibica ve voi PAN Food: Lieu da em xuoi?

 

Bibica đặt ra tham vọng 5 năm để rút ngắn khoảng cách và vượt qua Kinh Đô Mondelez. Ông Chiến từng phân tích, Mondelez hiện diện ở 160 quốc gia nhưng tại Việt Nam, Mondelez vẫn cần thời gian để ổn định và xây dựng hệ thống vững chắc. Bibica sẽ tận dụng khoảng thời gian này để phát huy lợi thế, gia tăng năng lực và quy mô. Dự kiến giai đoạn 2017-2020, Bibica phấn đấu đạt tăng trưởng trung bình 20%/năm.

 

Để đạt được mục tiêu này, Bibica dự tính sẽ tăng số lượng điểm bán từ 95.000 điểm năm 2016 lên 125.000 điểm vào năm 2018. Công ty cũng sẽ tăng mạnh đầu tư. Trước mắt, tổng đầu tư năm 2017 của Bibica đã tăng gấp 12 lần so với năm trước, lên 217 tỉ đồng. Trong một lần trao đổi với NCĐT, ông Chiến từng cho biết, Bibica kỳ vọng vào dự án nhà máy kẹo (Biên Hòa), ước sẽ đưa doanh thu của  Bibica ngay năm 2017 lên 1.500 tỉ đồng. Đặc biệt, khi nhà máy bánh miền Đông (Bình Dương) đi vào hoạt động, doanh thu năm 2018 có thể đạt tới 2.000 tỉ đồng.

Về mặt sản phẩm, theo ông Chiến, Bibica sẽ tập trung vào dòng bánh kẹo đảm bảo yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, tốt cho sức khỏe, tươi ngon và tự nhiên. Bibica cũng sẽ sản xuất thêm các loại bánh theo từng yêu cầu sức khỏe, độ tuổi. Riêng ở nhóm bánh kẹo truyền thống, Bibica chủ trương cải tiến, chú ý hơn đến công nghệ và nguyên liệu đầu vào để tạo ra các sản phẩm giảm hóa chất, không chất bảo quản, đơn giản hóa thành phần, giữ nguồn gốc tự nhiên... Công ty cũng đã xuất đi 21 nước, thâm nhập cả các thị trường khó tính như Nhật.

Khi Bibica về với PAN Food, hay nói đúng hơn là PAN, lực đỡ của PAN lên Bibica dự báo sẽ còn tăng lên. Theo báo cáo thường niên, PAN là tập đoàn đa ngành với tham vọng trở thành công ty hàng đầu khu vực trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. PAN có trong tay sức mạnh tài chính và hệ thống kinh doanh, phân phối từ các công ty con và liên kết như Thủy sản Bến Tre (cá tra, nghêu), Giống Cây trồng Trung Ương (giống lúa, giống ngô, giống rau), Thực phẩm Long An (hạt điều), Thủy sản An Giang (cá tra), Thủy sản 584 Nha Trang (nước mắm), Bibica (bánh kẹo)…

Với tiềm lực này, PAN luôn muốn Bibica trở thành một phần trong chuỗi thực phẩm của PAN Food và muốn chi phối Bibica. Chính ông Chiến cũng nói: “Nhờ có SSI (sau là PAN) làm đối trọng mà các kế hoạch, chiến lược ở Bibica đã được thông qua chứ không còn bị tắc lại như trước”. Trên thực tế, PAN còn hỗ trợ tài chính và can thiệp sâu vào Bibica thông qua việc tham gia tổ chức, sắp xếp lại bộ máy hoạt động. Nhờ đó, năng lực sản xuất, công suất khai thác, doanh số bán hàng… năm 2015-2016 đã được cải thiện.

Lực cản từ Lotte

PAN Food gia tăng sở hữu ở Bibica như bước đi cần thiết để đạt tới các kế hoạch của PAN. Tuy nhiên, trong chia sẻ mới đây, một chuyên gia đã đặt nghi ngại liệu PAN có thể kiểm soát, vận hành Bibica theo ý nguyện khi ở Bibica vẫn còn cổ đông lớn khác là Lotte, vốn đang nắm giữ 44% cổ phần của công ty này. Theo Luật Doanh nghiệp, chỉ cần nắm giữ từ 35% vốn điều lệ của công ty, một cổ đông có quyền phủ quyết mọi quyết định tại đại hội đồng cổ đông, bất chấp quyết định đó đúng hay sai.

Nghĩa là mọi kế hoạch mở rộng kinh doanh, đầu tư, thay đổi chiến lược.. của Bibica có thể vấp phải chướng ngại và không thực hiện được nếu Lotte không thông qua. Vì thế, vấn đề của PAN không phải chỉ chiếm quyền kiểm soát ở Bibica mà phải đạt được sự nhượng bộ từ Lotte.

PAN đã phải gia tăng cổ phần ở Bibica thông qua chào mua công khai. Còn Lotte vẫn không thay đổi về mặt sở hữu ở Bibica. Điều này cho thấy, Lotte kiên định bám trụ ở Bibica. Trên thực tế, như đại diện Lotte từng chia sẻ ở thời điểm mới đầu tư, Lotte rót vốn vào Bibica là để Lotte thâm nhập thị trường Việt Nam, giúp tập đoàn Hàn Quốc này chủ động hơn trong sản xuất và phân phối, tối ưu hóa lợi nhuận. Dựa trên quan sát này, vị chuyên gia nhận định, Lotte sẽ khó từ bỏ quyền lợi của mình ở Bibica.  Lotte và PAN có thể hòa hợp được với nhau hay không là một ẩn số. Trong tình thế đó, chưa nói đến cạnh tranh đối thủ, ngay trong giải quyết nội bộ, mục tiêu hướng đến vị trí số 1 ngành bánh kẹo của Bibica và PAN Food đã không dễ dàng.
 

Viết Nguyên
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Trở về

Bài cùng chuyên mục