Không chỉ có thức ăn nhanh, nhiều tập đoàn bán lẻ ngoại đã từng dính nghi án chuyển giá nay doanh thu lại tiếp tục “teo tóp”.
Có thể hủy hợp đồng giữa Ba Huân và VinaCapital?
- Cập nhật : 08/08/2018
Có thể hủy hợp đồng giữa Ba Huân-VinaCapital vì hợp đồng có sự nhầm lẫn, làm cho một bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch.
Nghe dịch miệng hợp đồng
Xung quanh thông tin Công ty CP Ba Huân muốn hủy thỏa thuận hợp tác 32,5 triệu USD với Quỹ đầu tư VinaCapital, ngày 6/8, trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Ba Huân cho biết, đến nay, hai bên vẫn tiếp tục đàm phán và trong 1-2 ngày tới sẽ có thông tin chính thức.
"Cô Ba (bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty CP Ba Huân - PV) rất tâm huyết với ngành sản xuất, kinh doanh trứng gia cầm và đồng hành cùng với bà con nông dân, người tiêu dùng.
Trong quá trình phát triển kinh doanh đương nhiên phải mở rộng. Khi nghe lời đề nghị hợp tác đầu tư từ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF - một quỹ lớn nhất do VinaCapital quản lý, đầu tư - PV), công ty đã chấp thuận. Sau khi hai bên ký hợp đồng bản tiếng Anh, phía VOF chuyển hợp đồng bản tiếng Việt sang, cô Ba đã đối chiếu và phát hiện có nhiều điểm không hợp lý và sau này gần như khiến phía công ty không kiểm soát được.
Bởi ngại sẽ không còn lo được cho công ty, không đồng hành được với bà con nông dân cũng như theo đuổi những chương trình mà mình bấy lâu tâm huyết, cô Ba đã quyết định không ký bản tiếng Việt", ông Hùng thông tin.
Trước câu hỏi vì sao bản hợp đồng tiếng Anh có nhiều điểm bất lợi cho Ba Huân mà lãnh đạo công ty vẫn ký, ông Phạm Thanh Hùng cho hay: "Khi bản hợp đồng tiếng Anh được đưa ra, cô Ba không rành về tiếng Anh, chỉ nghe dịch miệng. Đến khi đọc bản hợp đồng tiếng Việt, đối chiếu lại thấy không đúng với những nội dung mình nghĩ nên cô không ký nữa".
Có thể hủy hợp đồng
Liên quan đến vụ việc này, LS Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư Toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận xét, tỉ suất hoàn vốn đầu tư của mình lên mức 22%/năm mà VinaCapital đưa ra trong bản hợp đồng tiếng Anh với Công ty Ba Huân có thể coi là biến tướng của việc cho nhau vay với lãi suất quá cao.
"Quỹ đầu tư đầu tư vào doanh nghiệp là để hưởng lợi nhuận chứ đó không phải là tổ chức tín dụng phải phụ thuộc các quy định về phí đầu tư", ông Tám cho biết.
Vị luật sư cho rằng, có thể hủy được hợp đồng giữa Ba Huân và VinaCapital căn cứ theo Bộ luật Dân sự 2015.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 126 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.
Đối với hợp đồng giữa Công ty CP Ba Huân và VinaCapital, bên VinaCapital có thể đạt được mục đích của thỏa thuận nhưng Ba Huân thì không đạt được. Kinh doanh trứng gà có biên lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 5%, trong khi VinaCapital đưa ra tỉ suất hoàn vốn đầu tư của mình lên mức 22%, điều đó là không thể đạt được. Chứng minh được điều này, có thể tuyên hợp đồng vô hiệu.
Một điều nữa, cần xem lại trong hợp đồng giữa hai bên có điều khoản thỏa thuận phải được ký bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, đồng thời trong hợp đồng tiếng Anh có ghi hợp đồng này được lập mấy bản bằng tiếng Anh, mấy bản bằng tiếng Việt hay không. Nếu có mà bản hợp đồng tiếng Việt chưa ký chứng tỏ thỏa thuận chưa hoàn tất.
"Khi ấy, Công ty CP Ba Huân tùy theo điều khoản trong thỏa thuận quy định trọng tài hay tòa án có thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu", LS Trương Xuân Tám nói.
Cũng theo vị luật sư, cách đây gần 10 năm, văn phòng luật sư của ông đã giúp một công ty Việt Nam ở TP.HCM kiện VinaCapital sau một thỏa thuận đầu tư vốn. Kết quả, tòa tuyên hợp đồng vô hiệu, hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (trả nguyên gốc), công ty Việt Nam không phải trả cho VinaCapital phần lãi khoảng 400 tỷ đồng.
Trước đó, vào đầu năm 2018, Quỹ đầu tư VinaCapital đã công bố khoản đầu tư 32,5 triệu USD vào Công ty CP Ba Huân. Khoản đầu tư này được thực hiện thông qua VOF.
Theo nội dung văn bản Công ty CP Ba Huân gửi Thủ tướng được các báo đăng tải, VinaCapital đã đưa ra một số thỏa thuận hợp tác ban đầu bằng ngôn ngữ tiếng Anh để các bên ký kết làm cơ sở cho quá trình hợp tác sau này.
Mặc dù thỏa thuận hợp tác quy định sử dụng hai ngôn ngữ Anh-Việt nhưng hai bên mới chỉ ký bản tiếng Anh.
Tuy nhiên, sau khi đối chiếu các văn bản thỏa thuận bằng tiếng Việt, Công ty Ba Huân nhận thấy thỏa thuận hợp tác đang có nội dung không đúng hoặc không như trao đổi ban đầu của hai bên.
Trong văn bản bằng tiếng Anh, VinaCapital đã đưa tỉ suất hoàn vốn đầu tư của mình lên mức 22%/năm. Ngoài ra, VinaCapital cũng hạn chế ngành nghề hoạt động kinh doanh của Ba Huân, chỉ gồm sản xuất kinh doanh thịt gà, trứng gà và loại bỏ các ngành kinh doanh khác.
Đặc biệt, Quỹ đầu tư này cũng quy định nếu Ba Huân không đạt được kết quả kinh doanh như thỏa thuận sẽ bị phạt hoặc yêu cầu trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22% hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một quỹ đầu tư do VinaCapital chỉ định) tối thiểu 51% cổ phần.
Cho rằng những yêu cầu này là không hợp lý, vì mức lãi suất quá cao, lại bị bó hẹp phạm vi hoạt động nên Ba Huân đã đề nghị phía VinaCapital hủy bỏ thỏa thuận. Tuy nhiên, đến nay, phía VinaCapital vẫn chưa đồng ý đề nghị này, thay vào đó có ý định trì hoãn, yêu cầu Ba Huân phải thanh toán thêm cho các chi phí phát sinh với lãi suất 22%.
Thành Luân
Theo Baodatviet.vn