10 nhà máy rượu vang ở khu vực Bordeaux thuộc sở hữu của Tập đoàn Trung Quốc Haichang đã bị Tòa án Pháp tịch thu tài sản.
Nguyễn Kim sốt sắng thâu tóm Dược Lâm Đồng và Giao thông Long An
- Cập nhật : 19/06/2018
Nguyễn Kim liên tục tham gia mua cổ phần của các Công ty nhằm đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh sau khi bán hệ thống điện máy cho tỉ phú Thái.
Ngành dược ăn nên làm ra
Từ ngày 4.6-24.7, Nguyễn Kim đăng ký mua vào hơn 2,12 triệu cổ phiếu của Công ty Dược Lâm Đồng (Ladophar - LDP), tương đương 27,14% vốn. Giá chào mua tối đa 30.000 đồng/cổ phiếu, nhưng không thấp hơn giá trung bình trong 60 ngày của LDP.
Giá này thấp hơn so với việc công bố chào mua trước đó là tối đa 32.000 đồng khi Nguyễn Kim dự kiến thực hiện trong tháng 4 và 5 nhưng chưa hoàn thành. Cuối năm 2017, Nguyễn Kim cũng công bố quyết định mua thêm cổ phiếu LDP do Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước đăng ký bán ra nhưng kết quả không thành công. Hiện LDP đang niêm yết trên sàn Hà Nội và có giá 26.600 đồng.
Tuy nhiên, cũng như thương vụ Nguyễn Kim mua Dược Lâm Đồng vào cuối năm 2014, khả năng việc chào mua cổ phiếu của Nguyễn Kim cũng sẽ được thực hiện thông qua giao dịch thỏa thuận, khi mà cổ phiếu LDP trên sàn chứng khoán hầu như không có giao dịch.
Sau tuyên bố muốn thâu tóm Dược Lâm Đồng vào tháng 11 năm ngoai, đến nay Nguyễn Kim đang sở hữu hơn 1,87 triệu cổ phiếu của Dược Lâm Đồng, chiếm tỷ lệ 24% vốn. Theo Nguyễn Kim, mục đích chào mua là tăng tỷ lệ sở hữu tại Dược Lâm Đồng từ 24% lên 51%, đồng thời chuyển từ công ty liên kết thành công ty con của Nguyễn Kim Group. Nguyễn Kim cũng cam kết sau khi nắm tỷ lệ chi phối sẽ tiếp tục phát triển lĩnh vực kinh doanh chính của LDP là sản xuất đông dược, mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế và xuất nhập khẩu thuốc, dược liệu.
Ladophar có vốn điều lệ 78,3 tỉ đồng. Năm 2017 LDP đạt doanh thu 528 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 16,4 tỉ đồng. Công ty đặt ra kế hoạch doanh thu 2018 giảm nhẹ còn 520 tỉ đồng nhưng tăng lợi nhuận trước thuế lên 29 tỉ đồng. Nguyễn Kim sau khi bán đi 49% chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim cho Central Group của Thái Lan đang tăng tốc đầu tư vào một số lĩnh vực, trong đó có dược phẩm.
Ngoài Ladophar, Nguyễn Kim Group cũng đang nắm hơn 16% cổ phần tại Công ty cổ phần Dược phẩm 3/2. Dược Lâm Đồng không phải là Công ty lớn nhưng làm ăn khá tốt khi đạt lợi nhuận sau thuế quanh mức 18-20 tỉ đồng. Còn Dược 3/2 cũng cp1 lợi nhuận sau thuế khá tốt. Với quyết định mua lại một doanh nghiệp dược phẩm của Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim, có khả năng đây sẽ là mảnh ghép tiếp theo cho quá trình đầu tư vào lĩnh vực phân phối của Thương mại Nguyễn Kim.
Nguyễn Kim không phải là công ty bán lẻ ngành hàng điện máy, điện gia dụng tại Việt Nam bắt đầu gia nhập ngành dược phẩm. Trong năm 2017, hai đơn vị khác là Thế Giới Di Động đã thâu tóm toàn bộ chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang và Công ty bán lẻ Kỹ thuật số FPT cũng đã đầu tư vào nhà thuốc Long Châu và có tham vọng mở đến 100 cửa hàng trong thời gian tới. Vingroup cũng tuyên bố Vinfa sẽ là thương hiệu của Tập đoàn trong lĩnh vực dược phẩm.
Tham vọng đa ngành
Sau tham vọng thấu tóm Dược Lâm Đồng, Nguyễn Kim muốn thâu tóm Công ty Cổ phần Giao thông Long An. Đây là Công ty chuyên kinh doanh ngành nước, vật liệu xây dựng thuộc Tỉnh Long An.
Cụ thể, vừa qua Công ty Nguyễn Kim đã tham gia cùng Công ty TNHH MTV Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Châu Bảo Uyên (Châu Bảo Uyên) đã đăng ký thực hiện mua qua đấu giá hơn 1,2 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 65,54% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Giao thông Long An.
Thông báo từ Nguyễn Kim, Công ty này mua cổ phần Giao thông Long An nhằm tham gia và hợp tác phát triển Công ty, mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh sang một số lĩnh vực khác. Trong trường hợp mua vào thành công số cổ phần đăng ký, Nguyễn Kim sẽ đưa đại diện của mình vào tham gia HĐQT, rà soát, tối ưu hóa các lĩnh vực kinh doanh của Giao thông Long An.
Nguyễn Kim vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng. Đây là doanh nghiệp đầu tư đa lĩnh vực bao gồm thương mại, bất động sản, lương thực, dược phẩm… trước đây, khi lĩnh vực lương thực ăn nên làm ra, Nguyễn Kim đã tham gia gián tiếp bằng việc đầu tư vào hàng loạt doanh nghiệp trong ngành như Angimex (AGM), Docimexco (FDG), CTCP Du lịch An Giang, Vĩnh Long Food (VLF), CTCP Hoàn Mỹ, CTCP Sài Gòn lương thực….
Nguyễn Kim đã từng thắng lớn khi ngành lương thực ăn nên làm ra trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, sau khi bùng nổ trong năm 2008 thì kết quả các công ty kinh doanh lúa gạo nói chung cũng như các công ty lúa gạo liên quan đến Nguyễn Kim đều sa sút. Một số công ty như Docimexco, Vĩnh Long Food đã lỗ lũy kế tới cả trăm tỉ đồng.
Angimex là khoản đầu tư đem lại kết quả tích cực nhất cho Nguyễn Kim khi chưa năm nào công ty thua lỗ. Năm 2015, Angimex đạt lợi nhuận hơn 47 tỉ đồng, tăng gấp 9 lần so với năm trước đó. Tuy vậy, mức lợi nhuận này vẫn còn kém xa thời kỳ đỉnh cao năm 2008 khi công ty đạt lợi nhuận gần 200 tỉ đồng.
Trong năm tài chính 2016-2017, Nguyễn Kim ghi nhận tổng doanh thu 115 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế mang về lần lượt 134 tỉ và 106 tỉ đồng.
Minh Anh
Theo Nhipcaudautu.vn