Với dân số 600 triệu người và độ bão hòa di động tốt, Đông Nam Á đang trở thành một chiến trường cho các công ty ví điện tử từ Trung Quốc.
Vì sao VinaCapital dừng đầu tư vào Ba Huân?
- Cập nhật : 08/08/2018
Khi VinaCapital thông báo dừng đầu tư vào Ba Huân thì phía doanh nghiệp này vẫn chưa nhận được văn bản chính thức từ quỹ đầu tư.
Chiều 7/8, Quỹ đầu tư VinaCapital phát đi thông báo dừng tham gia đầu tư vào Công ty CP Ba Huân.
Theo đó, VinaCapital cho hay, do một số hiểu lầm giữa đôi bên, quỹ đầu tư này quyết định dừng tham gia đầu tư vào Ba Huân và đang tiến hành thảo luận cùng doanh nghiệp để kết thúc thương vụ này trên tinh thần tuân thủ pháp luật và hài hòa lợi ích các bên.
Trao đổi với Đất Việt vào tối cùng ngày, ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Ba Huân khẳng định, công ty vẫn chưa nhận được thông báo của VinaCapital.
"Khi hai bên ngồi lại thảo luận, VinaCapital đã thống nhất dừng đầu tư vào Ba Huân nhưng đến thời điểm này (tối 7/8-PV), VinaCapital chỉ mới thông tin lên báo chí mà chưa gửi văn bản chính thức cho chúng tôi nên chúng tôi chưa thể nói gì", ông Phạm Thanh Hùng cho biết.
Cũng theo Phó Giám đốc Công ty CP Ba Huân, tại buổi làm việc ngày 6/8, đại diện quỹ đầu tư cho biết giữa hai bên có một số hiểu lầm, còn phía Ba Huân nhấn mạnh quan điểm, Ba Huân là thương hiệu của quốc gia, phải tự quản lý công ty.
Về hướng xử lý số tiền VinaCapital đã đầu tư Ba Huân, trước câu hỏi ngoài việc hoàn trả số tiền gốc, công ty sẽ trả lãi cho VinaCapital như thế nào, ông Phạm Mạnh Hùng cho biết chưa thể tiết lộ thông tin.
Trước lùm xùm giữa Ba Huân và VinaCapital, TS.LS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng cho rằng, hai bên thông qua các cơ chế mà pháp luật đã quy định sẵn như thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại... là cách tiết kiệm nhất, thời gian nhanh và có sự hỗ trợ tích cực từ những bên liên quan.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, cơ chế hoạt động cũng như tổ chức bộ máy của một doanh nghiệp, đặc biệt là một doanh nghiệp lớn như Ba Huân, có nhiều bộ phận, phòng ban. Trước khi trình một văn bản lên cho lãnh đạo có thẩm quyền ký, thường các phòng ban đều đã tham mưu.
"Để chứng minh có sự nhầm lẫn trước khi ký một giao dịch lớn như thế gần như là bất khả thi.
Trước khi trình một văn bản tiếng Anh lên cho lãnh đạo có thẩm quyền của doanh nghiệp ký phải có một bản tiếng Việt đi kèm. Bản dịch ấy phải là bản dịch có uy tín chứ không phải tào lao hay dùng Google Translate. Các bộ phận, phòng ban có trách nhiệm cũng phải tham mưu rất nhiều, xem xét hết các điều khoản trước khi trình lên lãnh đạo một hợp đồng có giá trị lớn để ký.
Đây là vấn đề xảy ra sau khi ký hợp xong chứ không phải vấn đề phát sinh trước khi ký hợp đồng, do nhầm lẫn hay do ngôn ngữ hay bất kỳ vấn đề gì khác.
Đặc biệt, pháp luật Việt Nam vẫn công nhận những bản hợp đồng tiếng Anh như thế, nó vẫn có giá trị pháp luật trong quan hệ dân sự thương mại, trừ một vài trường hợp đặc biệt. Giao dịch giữa Ba Huân và VinaCapital không rơi vào trường hợp đặc biệt đó", TS.LS Bùi Quang Tín phân tích.
Vị chuyên gia cũng chỉ rõ, thông thường, tỷ suất sinh lời của một món đầu tư từ 10-15%/năm, cao lắm là 20%/năm.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Ba Huân rất hiệu quả và là một thương hiệu Việt Nam điển hình. Chính vì thế, việc VinaCapital đưa ra tỷ suất hoàn vốn đầu tư 22%/năm không có gì quá ngạc nhiên.
"Đây là mong muốn của nhà đầu tư, hơn nữa, khi đưa vào hợp đồng nhiều khả năng đã được các bên thỏa thuận và đồng ý.
Rất khó có chuyện chuyện nội dung trong hợp đồng chưa được đọc hay chưa được các cơ quan tham mưu", TS.LS Bùi Quang Tín bày tỏ quan điểm khách quan.
Trong thông cáo gửi báo chí chiều 7/8, Quỹ đầu tư VinaCapital cho biết, các điều khoản đã được hai bên ký kết phù hợp với các thông lệ của thị trường, tương đồng với các thương vụ hợp tác đầu tư mà VinaCapital đã thực hiện thành công trước đây và hoàn toàn tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Các điều khoản này cũng bao gồm một số điều kiện nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư; phù hợp với các thông lệ của thị trường và chỉ áp dụng khi doanh nghiệp không đạt được các kết quả kinh doanh do chính ban điều hành doanh nghiệp dự đoán.
VinaCapital cho rằng đã chấp thuận đầu tư với mức định giá doanh nghiệp cao hơn nhiều so với định giá của thị trường tính trên cơ sở P/E.
Các hợp đồng chính thức được soạn thảo bằng tiếng Anh và đã được tất cả các bên rà soát và ký kết vào tháng 2/2018, các bản hợp đồng chính thức cùng tất cả tài liệu quan trọng đều được dịch sang tiếng Việt và không có sự khác biệt về nội dung giữa các bản tiếng Anh và tiếng Việt.
Trước đó, Ba Huân đã nhận được Biên bản Ghi nhớ Đầu tư (terms sheet) bằng tiếng Anh cùng bản dịch tiếng Việt để đối chiếu, rà soát tất cả các điều khoản thương mại quan trọng cốt lõi sẽ được đưa vào các hợp đồng chính thức của thương vụ trước khi ký Biên Bản này vào tháng 10/2017.
Việc thương lượng và soạn thảo các văn bản đầu tư, từ lần gặp gỡ đầu tiên và thời gian chuẩn bị việc ký kết Biên bản Ghi nhớ cho đến khi ký kết các hợp đồng chính thức kéo dài hơn 6 tháng.
"Chúng tôi được biết trong suốt quá trình đó, Ba Huân tham vấn một số đơn vị tư vấn chuyên nghiệp và do đó họ hoàn toàn hiểu rõ các nghĩa vụ mà họ đã cam kết thực hiện.
Chúng tôi không có ý định chiếm quyền điều hành hay thâu tóm Ba Huân và việc này cũng không nằm trong chiến lược kinh doanh của tập đoàn từ trước đến nay. Sau khi thương vụ này kết thúc, chúng tôi mong rằng Ba Huân sẽ đạt được các mục tiêu của mình trong việc phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới", đại diện VinaCapital khẳng định.
Thành Luân
Theo Baodatviet.vn