Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đang ngày một chứng tỏ vị thế của mình trên thị trường công nghệ quốc tế. Trong đó, những động thái rõ ràng nhất là đang tích cực thâu tóm lại các tập đoàn hàng đầu trên thế giới.
Thâu tóm giữa đại gia ngoại
- Cập nhật : 22/02/2016
(Kinh doanh)
Cuộc đua thâu tóm Big C Việt Nam của nhiều đại gia ngoại đang làm cho thị trường bán lẻ Việt Nam nóng hơn bao giờ hết và cũng chưa ai đoán định được chuỗi siêu thị thuộc Tập đoàn Casino (Pháp) sẽ thuộc về ông lớn nào.
Tranh đua mua Big C
Trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua thông tin Big C Việt Nam đã được bán cho Tập đoàn TCC Thái Lan khiến dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít ngày đại diện Big C Việt Nam đã khẳng định thông tin này không chính xác, quá trình chuyển nhượng Big C Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu và chưa hoàn thành.
Cho đến thời điểm này đang có 4 DN ngoại tham gia “đường đua” là TCC Thái Lan (đối tác vừa hoàn tất thương vụ mua lại Metro Việt Nam); Central Group Thái Lan (đơn vị mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim); Lotte Shopping của Hàn Quốc và Dairy Farm của Singapore.
Trong 4 cái tên này, Dairy Farm chưa được nhiều người Việt Nam biết tới vì tập đoàn này mới có điểm bán đầu tiên mang tên Giant tại Crescent Mall (quận 7, TPHCM). Song đây cũng là đối thủ đáng gờm bởi họ đang hoạt động dưới hình thức siêu thị và đại siêu thị ở Singapore, Malaysia, Indonesia và Brunei với hơn 5.000 cửa hàng. Giả sử Dairy Farm mua được Big C họ sẽ có một vị thế vững chắc trên thị trường, nên quyết tâm của họ chắc chắn không nhỏ.
Trong khi đó, TCC Thái Lan đang được đánh giá là đối thủ khá nặng ký, khi nhiều ý kiến đều nghiêng về khả năng lớn Big C Việt Nam sẽ về tay tập đoàn này. Cách đây ít hôm, TCC đã hoàn tất thương vụ mua lại Big C Thái Lan với giá 3,1 tỷ EUR. Trước đó, TCC cũng chính thức mua lại Metro Việt Nam với giá 655 triệu EUR. Nhiều nguồn tin của báo chí nước ngoài còn đưa ra nhận định Casino chỉ bán cả 2 hệ thống cho 1 đối tác.
Theo đánh giá của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, một trong những lý do các tập đoàn Thái Lan đẩy mạnh việc thâu tóm các chuỗi bán lẻ lớn tại Việt Nam bởi thị trường bán lẻ Thái Lan đang dần bão hòa. Quan trọng hơn, các hệ thống siêu thị ngoại tại Việt Nam đều là những chuỗi đã định hình tốt trong tâm trí người tiêu dùng Việt. Ngoài ra, cả Metro Việt Nam và Big C Việt Nam đều nắm trong tay những thế mạnh như nằm ở vị trí đẹp, được nhiều ưu đãi về các chính sách thuế, tiền thuê đất…
Những thông tin mua bán liên quan đến 2 chuỗi này đều thu hút sự quan tâm rất lớn của truyền thông trong và ngoài nước. Nhìn lại hành trình của Big C Việt Nam, họ khai trương siêu thị đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai năm 1998, đến nay hệ thống của Big C Việt Nam đã có 32 siêu thị trên toàn quốc, 10 cửa hàng tiện lợi tại TPHCM và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn, trở thành một trong những thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Chính sức hấp dẫn của Big C nên ngoài 4 cái tên được nhắc đến trong cuộc đua mua Big C Việt Nam, không thiếu những thông tin cho rằng có cả AEON, thậm chí còn có DN nội cũng quan tâm đến thương vụ này. Tuy vậy những người trong cuộc đều rất kín tiếng.
DN Việt Nam đã chủ quan?
Có một điều rất rõ ràng rằng thị trường bán lẻ Việt Nam tuy đã rời top những thị trường hấp dẫn nhất nhưng vẫn nhiều tiềm năng. Minh chứng rõ nét là Metro và sau này là Big C đều có những mức giá hời, thậm chí các đại gia đang tranh nhau mua chuỗi Big C. Cũng chính vì thế, hiện nay hầu như các tên tuổi bán lẻ lớn nước ngoài đều đã có mặt ở Việt Nam và không ngừng mở rộng hệ thống theo những chiến lược dài hơi.
Trong khi DN Việt Nam hiện chỉ có 2 cái tên khá mạnh là Saigon Coopvà Vingroup, còn Satra hay Hapro để cạnh tranh cần có thêm những cuộc chuyển mình mạnh mẽ hơn, nhất là Hapro. Thực ra việc các đại gia bán lẻ ngoại đến Việt Nam và nhanh chóng mở rộng chuỗi cũng không có gì lạ, bởi họ có trong tay nguồn tài chính khổng lồ, có kinh nghiệm lâu năm trong ngành bán lẻ… Song cũng không thể phủ nhận rằng chúng ta cũng có phần chủ quan.
Có một câu nói đã trở nên quá quen thuộc với nhiều DN nội, đó là người Việt có thế mạnh hiểu rõ văn hóa Việt. Nhưng thực tế lại đang chứng minh các nhà đầu tư nước ngoài cũng không hề lơ mơ với văn hóa Việt. Nếu ai đó nói rằng vì Big C đã đến Việt Nam gần 20 năm nên đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng thì cần phải xem xét lại, bởi AEON mới đến Việt Nam chưa lâu nhưng các siêu thị của họ lại luôn đông cứng khách hàng. Phải chăng họ đã đánh trúng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam.
Hay Emart cũng mới chỉ khai trương chưa lâu nhưng thu hút một lượng khách hàng không nhỏ. Rồi cũng có thời gian chúng ta nhắc đến chính sách bảo vệ DN nội của Nhà nước là ENT (một loại rào cản kỹ thuật trong lĩnh vực bán lẻ các nước phải chấp thuận để đánh đổi lấy việc Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ của mình). ENT được thiết kế như một công cụ cho phép chúng ta kiểm soát được số lượng cơ sở bán lẻ của nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam, giới hạn số lượng này tùy thuộc vào nhu cầu kinh tế trong những bối cảnh cụ thể.
Song thực tế lại đang cho thấy rào cản này không có tác dụng khi các chuỗi ngoại đang ngày một nhiều. Thậm chí DN ngoại còn lách luật bằng cách liên kết với nhà bán lẻ trong nước. Như gần đây nhất là cái bắt tay của AEON với 2 chuỗi siêu thị lớn của Việt Nam: Fivimart ở phía Bắc và Citimart ở phía Nam. Chuỗi Citimart hiện tại có 30 siêu thị, tuy nhiên sau khi thương vụ hoàn tất, AEON tuyên bố mở thêm 500 siêu thị AEON - Citimart trong vòng 10 năm…
Và khi các nhà bán lẻ nội lép vế hơn trên chính sân nhà của mình, sẽ kéo theo hệ lụy là hàng Việt sẽ khó khăn hơn trong việc có mặt trên các kệ hàng, nhất là kệ hàng của người Thái. Mặc dù bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam, khẳng định không nhà bán lẻ nào chỉ tập trung vào một số mặt hàng và đặc biệt là chỉ bán các mặt hàng của đất nước mình.
Tuy nhiên, theo cái nhìn của bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, khi đánh giá trường hợp TCC mua thành công chuỗi Big C Việt Nam. Đó là TCC trước nay đã sở hữu nhiều công ty sản xuất quy mô lớn của Thái, cùng với việc sở hữu chuỗi bán sỉ, lẻ đa dạng ở Việt Nam đúng lúc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, họ chắc chắn áp dụng việc thu mua, buôn bán theo chuỗi, tận dụng lợi thế chuỗi để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.
Với xu thế này, cơ hội bán hàng của DN Việt vào chuỗi của họ, vào chính hệ thống phân phối-bán lẻ lớn nhất ở Việt Nam sẽ càng khó, không phải như số thống kê là tỷ lệ hàng Việt chiếm 95% số hàng bán trong hệ thống siêu thị Big C như tổng kết của Bộ Công Thương năm 2015.