Trong năm 2016, thị trường thương mại điện tử sẽ có khoảng 70-80 triệu gói hàng cần được giao nhận, thu hút nhiều doanh nghiệp giao hàng mới vào cuộc chơi.
Liên minh Aeon, Big C, Lotte... sẽ 'đào thải' DN nội bất cứ khi nào!
- Cập nhật : 20/05/2016
(tin kinh te)
Trong bối cảnh thị trường bán lẻ hiện nay, các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) có thể nâng cao sức mạnh thị trường nhưng cũng có thể đào thải các doanh nghiệp nhỏ, hoạt động không hiệu quả bất cứ lúc nào.
Đó là nhận định của bà Đặng Chương Linh, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), đưa ra tại hội thảo “Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và thách thức” tổ chức ngày 18.5.
M&A nâng cao sức mạnh
Trong những năm gần đây, các giao dịch M&A đã tăng trưởng đáng kể như một kênh đầu tư hấp dẫn ở trong và ngoài nước. Cụ thể, năm 2005 có 18 vụ M&A với tổng giá trị là 61 triệu USD, năm 2006 có 32 vụ với tổng giá trị là 245 triệu USD.
Số lượng giao dịch M&A tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong năm 2011 với mức tăng 135,2%, tổng giá trị các giao dịch đạt 4,7 tỉ USD. Năm 2012 là năm đạt giá trị đỉnh điểm với 5 tỉ USD. Trong năm 2015, Việt Nam có tổng cộng 525 thương vụ, tăng vọt về số lượng so với năm 2014 với 313 thương vụ, có giá trị trên 4,3 tỉ USD, tăng 40% so với năm 2014.
Trong các hoạt động M&A phải kể đến nhiều thương vụ tiêu biểu như: Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần Citimart; Tập đoàn Berli Jucker (BJC, Thái Lan) đã mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan, với giá trị khoảng 879 triệu USD; Lotte (Hàn Quốc) nắm quyền điều hành Trung tâm thương mại Diamond Plaza khi sở hữu 70% cổ phần… Gần đây nhất là Tập đoàn Central Group của Thái Lan đã vượt qua một loạt các đối thủ lớn để sở hữu Big C Việt Nam với giá trị thương vụ khoảng 1,1 tỉ USD.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam còn quá nhiều tiềm năng, bởi quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2015 đạt 102 tỉ USD (tốc độ tăng trưởng đạt 7,3% trong giai đoạn 2010 - 2015). Thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, nhưng vẫn đạt mức tăng bình quân 12% trong giai đoạn 2010 - 2015.
Trong khi đó, theo quy hoạch cả nước đến năm 2020 sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm. Dự báo, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ sẽ đạt 11,9%, quy mô thị trường khoảng 179 tỉ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại sẽ chiếm trên 45%.
Từ những con số trên, các chuyên gia cho rằng, nếu xét năng lực tổng thể của các doanh nghiệp nước ngoài khi thâm nhập vào thị trường bán lẻ của Việt Nam, có thể dễ dàng nhận thấy các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực rất mạnh trên mọi phương diện như vốn, kinh nghiệm thương trường, nhân sự và công nghệ quản lý... từ đó thị trường bán lẻ Việt sẽ được nâng cao sức mạnh.
... nhưng sẽ "đào thải doanh nghiệp nhỏ trong nước"
Chuyên gia Đặng Chương Linh đánh giá rằng, năm 2015 chính là năm bản lề về hội nhập của Việt Nam, với hàng loạt các FTA thế hệ mới đã và sắp ký kết, thuế hầu hết các mặt hàng đều giảm về 0% và mức thuế suất cao nhất chỉ là 5%.
Thực tế gần đây, các tập đoàn lớn ở châu Á đang nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam với hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây thực sự là mối lo ngại lớn cho ngành bán lẻ của Việt Nam.
Từ đó, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ đối mặt với cả cơ hội và thách thức từ việc hội nhập. Hội nhập sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm về quản lý, về sử dụng vốn và lao động cũng như có cơ hội hợp tác phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng hội nhập cũng sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp ngoại, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ nhỏ trong nước đang đứng trước nguy cơ bị "đào thải".
"Thông qua M&A, các doanh nghiệp trong nước có thể cùng liên kết để nâng cao sức mạnh, nhưng mặt khác các doanh nghiệp nhỏ, hoạt động không hiệu quả cũng có thể không còn khả năng cạnh tranh và bị đào thải trước các liên minh mới xuất hiện trên thị trường như Aeon, Lotte hay Big C hiện nay", bà Linh nói.
Bà Linh cho rằng giải pháp đối với M&A trong lĩnh vực bán lẻ hiện nay là Nhà nước. Nhà nước cần phải có những bước đi đúng hướng và hợp lý cũng như các biện pháp quản lý hoạt động M&A trong lĩnh vực bán lẻ một cách hiệu quả, một mặt kiểm soát tốt và xây dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bền vững; mặt khác khuyến khích, tạo nên những doanh nghiệp lớn, mạnh thông qua việc sáp nhập từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay của Việt Nam.
"Về khuôn khổ pháp lý, ngoài Luật Đầu tư sửa đổi đã bổ sung thêm hình thức đầu tư mới là M&A, các luật khác như Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Cạnh tranh 2014 và Luật Thương mại 2005... tuy đã đặt ra và đề cập đến nội hàm của M&A nhưng chưa có sự thống nhất về khái niệm và mới chỉ quy định khá chung chung, chưa có hệ thống chi tiết, chưa khớp nhau, chưa có chế tài hoặc chế tài chưa đủ mạnh", bà Linh cho hay.
Theo Một thế giới