Các đại gia người Thái liên tục đổ tiền vào các doanh nghiệp làm ăn kinh doanh tốt, các thương hiệu số một trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mục đích không đơn thuần là đầu tư tài chính tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.
Hãy mạnh dạn học người Thái!
- Cập nhật : 28/02/2016
(Tin kinh te)
Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà Chính phủ cũng cần học tập, áp dụng kinh nghiệm của các nước phát triển nếu không muốn ưu thế hội nhập vuột khỏi tầm tay
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, xu hướng hoạt động ra nước ngoài của các doanh nghiệp (DN) Thái tăng mạnh trong những năm gần đây. Không chỉ những đại gia lớn của Thái đầu tư ra nước ngoài mà các DN nhỏ và vừa cũng tận dụng lợi thế về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) để đón đầu xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh. Đầu tư của Thái Lan vào các nước ASEAN đã tăng từ 69 tỉ baht (1,9 tỉ USD) năm 2011 đã lên 100 tỉ baht (2,7 tỉ USD) năm 2014. Trong đó, Việt Nam được xác định là điểm đến hấp dẫn.
Vốn Thái ồ ạt vào Việt Nam
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế độc lập, cho biết vốn ngoại đổ vào ASEAN trong 3 năm qua tăng dần. Vốn nước ngoài (FDI) vào ASEAN trong năm 2015 đã cao hơn Trung Quốc, cho thấy các nước phát triển đã quyết tâm chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Đông Nam Á để khai thác thị trường hơn 600 triệu dân. Đặc biệt, đầu tư gián tiếp vào ASEAN thông qua Thái Lan tăng rất mạnh. Nói cách khác, các nhà đầu tư quốc tế đang thông qua Thái Lan và tận dụng sự luân chuyển vốn trong khu vực để đầu tư vào Việt Nam. Sắp tới, đầu tư từ Thái vào Việt Nam sẽ còn nhiều hơn.
Người Thái chuẩn bị từ nhiều năm trước để thâm nhập thị trường trước khi AEC hình thành. Trong ảnh: Cửa hàng mỹ phẩm Thái Lan ở quận Phú Nhuận, TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Làn sóng đầu tư mạnh của DN Thái vào Việt Nam diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nổi bật nhất trong thời gian gần đây là bán lẻ và ngành nhựa. Trong lĩnh vực bán lẻ, đại gia Thái đã mua lại hệ thống Metro Cash & Carry, góp vốn chi phối hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim và nhiều khả năng sẽ làm chủ Big C Việt Nam. Hàng loạt công ty nhựa đã bán 100% hoặc một phần DN cho người Thái. Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Rạng Đông, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam - cho rằng người Thái mới tham gia ngành nhựa Việt Nam nên chưa có động thái gì. “Họ (người Thái) nhìn thấy Việt Nam gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) nên gia tăng đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế của TPP mang lại. Bên cạnh đó, thị trường Thái Lan đã bão hòa, chính trị không ổn định nên họ chuyển sang nước có tốc độ tăng trưởng nóng như Việt Nam” - ông Lam lý giải.
Cạnh tranh mới “lớn” lên được
Trong dòng chảy AEC, trong khi các nước đã chuẩn bị kỹ và sẵn sàng thâm nhập thị trường hơn 600 triệu dân thì các DN Việt Nam đa số quy mô nhỏ, vừa lại yếu thế trong cạnh tranh cả về vốn, công nghệ, chất lượng nguồn lực và cả sự bình đẳng trong quyền lợi kinh tế trong nước. TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương, cho biết chính phủ Thái lên kế hoạch và chuẩn bị từ lâu cho AEC. “Thái Lan đã triển khai chương trình gồm 12 nội dung chính cho AEC với thị trường chính là Việt Nam - Lào - Campuchia và Myanmar. Ngoài ra, họ còn có riêng 6 chương trình cho các DN nhỏ và vừa. Các chương trình này đều được thực hiện nghiêm túc, nhờ đó các DN Thái đã chuẩn bị khá tốt cho AEC từ nhiều năm qua. Khi AEC hình thành, họ có thể triển khai việc gia nhập, cạnh tranh một cách bài bản. Trong khi đó, ở Việt Nam, đến bây giờ, vẫn còn không ít DN chưa biết AEC là gì” - ông Doanh nhận xét.
TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, đánh giá dù có tinh thần dấn thân, khát vọng làm giàu nhưng do nhận thức, hiểu biết và phương pháp hành động chưa hoàn chỉnh, trong khi môi trường kinh doanh chưa thật tốt nên DN trong nước chưa phát huy được vai trò.
Ông Khuất Quang Hưng, chuyên gia quản lý và xử lý khủng hoảng, cho rằng không nên quá lo ngại về những tác động tiêu cực của hoạt động thâu tóm và sáp nhập. “Những ông chủ người Thái hay bất cứ nước nào đều muốn tối đa hóa lợi nhuận trên từng mét vuông mặt bằng. Điều cốt lõi là hàng Việt có bị lấn lướt, loại khỏi hệ thống bán lẻ hay không là phụ thuộc phần lớn vào khả năng cạnh tranh của hàng Việt, chứ không phải vì hệ thống bán lẻ rơi vào tay người Thái hay người nước nào. Tính cạnh tranh thể hiện ở hàng Việt có đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, giá cả có tương xứng với số tiền họ bỏ ra mua hay không” - ông Khuất Quang Hưng nói.
TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa:
Đặt lại vai trò quản lý điều hành
Năm 2015, trong khi các nước ASEAN phấn đấu hội nhập với thị trường quốc tế và khu vực thì Việt Nam có phần chậm lại. Mặc dù số DN thích nghi tăng lên, kinh nghiệm làm ăn với khu vực cũng tăng lên nhưng trong bối cảnh chung, khả năng thích ứng của DN chưa được nhanh. Trong bối cảnh khó khăn đó, quá trình cọ xát làm ăn, hợp tác, DN Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi được không chỉ ở Thái Lan, các nước trong khu vực và cả những nước mà Việt Nam đã ký kết hợp tác song phương, đa phương. Tuy nhiên, để kinh tế “cất cánh”, DN tận dụng tốt ưu thế hội nhập thì cần phải đồng bộ từ khâu lập chính sách, luật lệ, đào tạo chất lượng nguồn lực, trang bị kỹ thuật cho đến cách phục vụ dịch vụ. Trong đó, trách nhiệm của cơ quan công quyền là tháo gỡ, hỗ trợ DN một cách có hiệu quả. DN cũng phải biết ưu điểm, nhược điểm của mình để tận dụng được những điểm mới của chính sách và hoàn cảnh.
Ngân hàng Thế giới mới đây đưa ra nhận định tăng trưởng Việt Nam tương đối tốt nhưng quản lý và ý thức phục vụ, trách nhiệm phục vụ và hiệu quả phục vụ hay nói khác đi là hiệu quả điều hành quản lý còn kém. Đấy là chỗ chúng ta phải tập trung khắc phục.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế độc lập:
Chưa khuyến khích DN dấn thân
Một số chuyên gia cho rằng DN Việt Nam không có tinh thần làm chủ, thiếu sáng tạo… nên thua DN Thái và các nước. Theo tôi, đó không phải là lý do chính mà quan trọng là nhà nước chưa tạo môi trường tốt cho DN hoạt động. Thế hệ DN những năm đầu Đổi Mới đã rất “máu lửa”, rất sáng tạo và họ đã thành công. Gần đây, môi trường kinh doanh tạo ra những tập đoàn, DN lớn, được nhiều ưu đãi thì càng ngày càng thâm dụng vốn và đè ép các DN nhỏ, làm tổn hại đến sự sáng tạo. Do đó, DN trẻ, quy mô nhỏ chọn cách “theo” DN lớn, chứ không làm ăn riêng. Nói đúng hơn là môi trường kinh doanh những năm qua không khuyến khích DN dấn thân khởi nghiệp. Hội nhập trước mắt, chỉ cần có môi trường thuận lợi, minh bạch, hạ tầng tốt thì DN trong nước sẽ mạnh dạn sáng tạo, làm ăn.
Điều DN cần nhất hiện nay là Chính phủ nên học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển để tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn cho DN. Trào lưu khởi nghiệp đang được khuyến khích phải dựa trên kinh nghiệm và môi trường cạnh tranh. Trong môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh, những DN trẻ có kinh nghiệm dày dặn, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi để khởi nghiệp và sẽ có nhiều cơ hội thành công.
Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Rạng Đông, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam:
Họ liên kết với nhau, ta thì không!
Về tổng thể, các DN Thái đầu tư vào ngành nhựa sẽ gây ra khó khăn cho DN trong nước. Thứ nhất, họ có tiềm lực kinh tế mạnh hơn. Thứ hai, họ có mối quan hệ chặt chẽ giữa các DN Thái với nhau. Thứ ba, các DN này không chỉ sản xuất thương mại mà còn sản xuất ra nguyên liệu nên họ khép kín từ đầu vào cho đến đầu ra, kiểm soát giá thành tốt hơn. Hiện công nghệ ngành nhựa Việt Nam và Thái Lan không chênh lệch nhau nhiều, chủ yếu họ hơn ta về vốn, kinh nghiệm và quản trị DN. Trong giai đoạn này, hơn về vốn là rất quan trọng.
Trong khi DN Thái liên kết với nhau rất chặt chẽ thì DN Việt vẫn duy trì kiểu làm ăn nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu mạnh ai nấy biết, mạnh ai nấy làm. Hiệp hội đã nhiều lần kết nối, tạo điều kiện cho DN bắt tay nhau để tăng khả năng cạnh tranh nhưng họ không mặn mà hưởng ứng.
Đông Nghi ghi