(Tin kinh te)
Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đang ngày một chứng tỏ vị thế của mình trên thị trường công nghệ quốc tế. Trong đó, những động thái rõ ràng nhất là đang tích cực thâu tóm lại các tập đoàn hàng đầu trên thế giới.
Lenovo đã sớm thâu tóm mảng máy tính từ IBM - Ảnh: Reuters
Mảng PC của IBM bị thu mua bởi Lenovo Không mấy bất ngờ mảng PC của IBM bị thâu tóm bởi thương hiệu Lenovo tới từ Trung Quốc với khoản tiền lên tới 1,75 tỉ USD vào năm 2004. Nhờ có hành động đầy quyết đoán này, Lenovo đã nhanh chóng leo lên vị trí thứ 4 và sau đó là số 1 trong mảng PC.
Lợi ích mà Lenovo nhận được trong thương vụ này là rất lớn. Hãng sản xuất Trung Quốc được phép sử dụng thương hiệu IBM trong 5 năm sau đó, đồng thời giữ được thương hiệu Think trên nhãn mác các máy tính được bán ra.
Vào thời điểm vụ sát nhập được tiến hành, Chủ tịch Lenovo thời bấy giờ khẳng định đây là một bước đột phá trong lĩnh vực máy tính của hãng này. Bởi trước đó, Lenovo chỉ đứng thứ 9 trong số các nhà sản xuất PC lớn nhất, thị phần chỉ vỏn vẹn 2,3%, doanh thu 3 tỉ USD.
Một thập niên sau đó Lenovo đã vươn mình để mở rộng thành 3 lĩnh vực kinh doanh có quy mô toàn cầu là PC, di động và doanh nghiệp. Hiện tại, cả 3 mảng kinh doanh của công ty Trung Quốc đã và đang gặt hái được rất nhiều thành công trên đấu trường quốc tế.
Thương hiệu Alcatel về tay tập đoàn TCL
Ít ai để ý rằng Alcatel vốn mang nhãn Pháp lại là một thương hiệu được tạo ra do sự hợp tác giữa tập đoàn Alcatel-Lucent của Pháp và tập đoàn TCL của Trung Quốc. Sau cùng, những sản phẩm của sự hợp tác này chính là công ty di động TCT.
TCL từng rất nổi danh ở lĩnh vực sản xuất TV - Ảnh: Reuters
Công ty TCT có tiền thân là tập đoàn TCL - Alcatel Mobiphone Ltd, tham gia vào 3 mảng kinh doanh cốt lõi, gồm điện thoại Alcatel, điện thoại TCL và thiết kế thương hiệu. TCT thành lập năm 2004 với 55% vốn góp của TCL, còn lại là của Alcatel.
Cần nhấn mạnh, trước khi thâu tóm thương hiệu Alcatel, TCL vốn là một công ty điện tử đa quốc gia của Trung Quốc chỉ chuyên thiết kế, sản xuất, phát triển và bán các sản phẩm như TV, di động, điều hòa, máy giặt, tủ lạnh và các thiết bị điện tử khác.
Tuy nhiên, tới thời điểm năm 2005, TCL đã chi trả khoảng 20 triệu USD để mua lại phần vốn góp trị giá 45% cổ phần của Alcatel trong liên doanh T&A. Vì thế, thương hiệu Alcatel mang chất Pháp đang chịu toàn quyền điều hành của TCL, một công ty Trung Quốc.
Motorola Mobility tiếp tục về tay Lenovo
Năm 2014, Lenovo tiếp tục chứng tỏ tham vọng của mình trên thị trường di động bằng cách thâu tóm luôn cả thương hiệu Motorola Mobility đình đám một thời. Thương vụ này đã ngốn mất của công ty Trung Quốc khoản tiền 2,91 tỉ USD và hoạt động như một công ty con.
Lenovo tiếp tục làm chủ thương hiệu Motorola - Ảnh: Reuters
Phát biểu vào thời điểm đó, Chủ tịch của Lenovo khẳng định đây sẽ là một bước tiến lớn với nhà sản xuất Trung Quốc trên thị trường di động. Lenovo sẽ luôn sát cánh cùng Motorola nhằm tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh hơn.
Ban đầu, với hi vọng tận dụng tên tuổi Motorola, Lenovo vẫn quyết giữ lại thương hiệu này trên các dòng smartphone của mình. Tuy nhiên, tới khoảng thời gian đầu năm 2016, công ty Trung Quốc chỉ giữ lại thương hiệu với chữ M và logo hình cánh dơi.
Cũng nhờ việc thâu tóm Motorola, Lenovo đã nhanh chóng lọt vào top 5 nhà sản xuất di động hàng đầu thế giới hiện tại. Các chuyên gia khẳng định đây tiếp tục là một bước đi đúng đắn của công ty Trung Quốc nhằm khẳng định vị thế của bản thân.
Sharp có thể về tay Foxconn
Sẽ không bất ngờ khi chúng ta biết rằng vào thời điểm năm 2012, Foxconn từng đề nghị mua lại Sharp nhưng bất thành. Gần đây nhất, Foxconn lại tiếp tục đề xuất ý kiến này với Sharp do biết tình hình kinh doanh của hãng đang gặp nhiều khó khăn.
Thêm một thương hiệu Nhật Bản sắp về tay người Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Số tiền mà Foxconn có thể chi cho thương vụ này lên tới 5,8 tỉ USD. Tất nhiên, tính tới thời điểm hiện tại toàn bộ thương vụ vẫn chưa ngã ngũ. Bởi hiện công ty Trung Quốc đang xem xét toàn bộ số nợ, cũng như những rủi ro tài chính có thể gặp phải.
Nếu thành công, thương vụ giữa Sharp và Foxconn sẽ là là cuộc mua bán với nước ngoài lớn nhất trong lịch sử công nghệ của Nhật. Foxconn sẽ tiếp quản khoảng 48.000 nhân viên của Sharp, cũng như công nghệ sản xuất màn hình LCD mà Sharp đang nắm giữ.
Việc mua lại Sharp cũng sẽ mang nhiều ý nghĩa lớn cho Foxconn, khi tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình đến nhiều nhà sản xuất khác. Hiện nay, Foxconn đang là nhà cung cấp thiết bị điện tử lớn cho cả Apple lẫn Microsoft.
Tuấn Hưng
Theo Thanh Niên