Chỉ sau 17 năm được cha điều chuyển đến Anh để khai phá lĩnh vực ngân hàng cho dòng họ Rothschild, người con trai thứ ba đã thực hiện một điều không tưởng: Thâu tóm toàn bộ trái phiếu của thị trường Anh, từ đó khống chế được nền tài chính nước này.
Thế giới Di động tính thâu tóm chuỗi điện máy Trần Anh?
- Cập nhật : 05/08/2017
Thông tin Thế giới Di động mua lại một chuỗi điện máy “được đàm phán gần như đã xong” như lời ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động nêu trong một sự kiện hôm 3/8, đang khiến nhiều cặp mắt trong ngành dồn sự chú ý vào một doanh nghiệp điện máy phía Bắc.
Theo ông Tài, vì liên quan đến vấn đề bảo mật nên chưa thể công bố chi tiết hơn, nhưng theo ông, “mọi người nghiên cứu có thể sẽ biết được Thế giới Di động sắp mua chuỗi điện máy nào”.
Vì sao có thể là Trần Anh?
Một số nguồn tin dự báo rằng đó có thể là Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh (Trần Anh). Tuy nhiên, phía Trần Anh chưa xác nhận điều này.
Nhưng điều khá trùng hợp là cổ phiếu của Trần Anh (TAG) đã bật lên giá trần trong phiên giao dịch hôm nay (8/4), chạm mức 33.000 đồng - điều hiếm khi xảy ra với cổ phiếu này.
Giả sử đúng là Thế giới Di động sẽ mua Trần Anh, thì tại sao đích đến của thương vụ này lại là doanh nghiệp điện máy ở miền Bắc và là Trần Anh, mà không phải doanh nghiệp điện máy khác hay ở miền Nam?
Lãnh đạo một doanh nghiệp điện máy là đối thủ của Trần Anh phân tích, tại thị trường miền Nam, Thế giới Di động và Điện Máy Xanh (hệ thống điện máy trực thuộc Thế giới Di động) đã xây dựng được hệ thống chân rết mạnh, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.
“Nhưng ở thị trường miền Bắc, Điện Máy Xanh gần như vẫn chưa làm được điều này”, vị lãnh đạo này nói.
Ông lý giải, mảng điện máy của Thế giới Di động ra miền Bắc và Hà Nội đã vài năm nhưng vẫn chưa thể đủ sức “lấn át” thị trường như điều mà mảng kinh doanh điện thoại di động đã làm được, đặc biệt là ở các khu vực trung tâm Hà Nội. Do vậy, để đạt được mục tiêu, Thế giới Di động nhiều khả năng phải mua lại chuỗi điện máy của đối thủ.
Còn tại sao lại mua chuỗi điện máy Trần Anh? Theo một số ý kiến trong ngành, đây chỉ là việc thuận mua vừa bán, không có gì “bí ẩn”. Bởi có doanh nghiệp muốn bán thì sẽ có doanh nghiệp muốn mua hoặc ngược lại. Tuy nhiên, lãnh đạo một hệ thống điện máy phía Bắc đánh giá, việc mua bán còn phải căn cứ vào độ phủ (số lượng điểm bán), mà ở tiêu chí này, Trần Anh đang là một trong hai doanh nghiệp điện máy sở hữu điểm bán nhiều nhất phía Bắc.
Ngoài ra, do Trần Anh đã lên sàn chứng khoán nên việc mua bán cũng sẽ thuận lợi và dễ định giá hơn.
“Ít nhất sẽ mua chi phối”
Tính đến ngày 31/12/2016, ông Trần Xuân Kiên (Chủ tịch Trần Anh) và vợ là bà Đỗ Thị Thu Hường đang nắm tổng cộng 11 triệu cổ phiếu TAG - tương ứng tỷ lệ sở hữu 44% vốn điều lệ.
Ngoài ra, chị vợ ông Kiên là bà Đỗ Thị Kim Liên cũng sở hữu 5,88% vốn, hai vợ chồng em gái ông Kiên là bà Trần Thị Vân Trang và Hoàng Anh Tuấn cũng đang nắm giữ 6% vốn của Trần Anh.
Ngoài số cổ phần trên của gia đình ông Kiên, một lượng lớn cổ phần còn lại, tương ứng với 30,82% vốn điều lệ (khoảng 7,7 triệu cổ phiếu TAG) là do tập đoàn Nojima của Nhật nắm giữ.
Theo báo cáo tài chính quý 1/2017 của Trần Anh, tiền chi đầu tư tài sản của doanh nghiệp này khá thấp, chỉ 8,5 tỷ đồng, rất nhỏ so với con số hơn 75,7 tỷ đồng cả năm 2016. Tài sản của doanh nghiệp này cũng giảm sút khá mạnh. Đến cuối quý 1/2017, tổng tài sản của Trần Anh là 1.185 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ đồng so với con số 1.412 tỷ đồng cuối năm 2016.
Lãnh đạo Trần Anh trước đó cho biết, năm 2017, công ty không có thay đổi gì trong chiến lược mở rộng mạng lưới và số lượng siêu thị mở mới trong năm 2017 có thể vẫn tương đương như năm 2016.
Một câu hỏi được đặt ra, trong trường hợp Trần Anh bán cho Thế giới Di động, thì sẽ bán bao nhiêu % cổ phần? Cổ đông lớn Nojima có bán phần vốn của mình chủ sở hữu mới, hay tiếp tục là đối tác liên doanh? Và số cổ phần Trần Anh nếu bán cho Thế giới Di động thì giá là bao nhiêu?
Trong một lần trả lời báo chí gần đây về việc mua lại chuỗi điện máy khác, ông Nguyễn Đức Tài cho biết, do Điện Máy Xanh cũng là một hệ thống bán lẻ lớn, nên Thế giới Di động sẽ không mua một lượng cổ phần nhất định để làm đối tác, mà ít nhất sẽ mua cổ phần chi phối, hoặc tốt hơn hết là mua “đứt” luôn chuỗi điện máy đó.
Tại sự kiện nói trên, ông Tài cũng tiết lộ, Thế giới Di động đang chờ xin cổ đông duyệt khoản tiền 2.500 tỷ đồng để mua lại chuỗi điện máy và chuỗi dược phẩm (chuỗi dược phẩm mới được lên kế hoạch chứ chưa chốt đối tác).
Theo VnEconomy