tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nở rộ làn sóng M&A nửa đầu năm 2018

  • Cập nhật : 12/05/2018

Nửa đầu năm 2018 có khá nhiều doanh nghiệp đưa ra chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh bằng cách M&A doanh nghiệp khác. Có doanh nghiệp đã hoàn tất thương vụ thâu tóm và nhận được quả ngọt, cũng có đơn vị mới đưa ra kế hoạch chờ ý kiến cổ đông.

no ro lan song m&a nua dau nam 2018

Nở rộ làn sóng M&A nửa đầu năm 2018

Khi các doanh nghiệp nội đẩy mạnh M&A

Ở lĩnh vực tài chính, Ngân hàng Phát triển TPHCM (HDBank) làm nóng thị trường với thương vụ sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2018, HDBank đã bất ngờ xuất hiện tờ trình xin ý kiến cổ đông việc sáp nhập PGBank bên cạnh việc hợp tác chiến lược với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Theo lộ trình sáp nhập, hai ngân hàng sẽ trình NHNN ngay trong tháng 4 này và đến tháng 5 dự kiến sẽ chấp thuận, sau đó HDBank gửi hồ sơ chào bán cổ phần lên UBCKNN và chốt danh sách thực hiện phân phối cổ phiếu để hoán đổi cổ phần vào tháng 7/2018, dự kiến đến tháng 8/2018 hoàn tất sáp nhập. Tỷ lệ hoán đổi sẽ là 1:0,621 (1 cổ phiếu PGbank hoán đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank).

Việc sáp nhập sẽ giúp HDBank mở rộng hệ sinh thái khách hàng không chỉ trong các lĩnh vực hàng không, bán lẻ hiện tại mà tiếp cận được với nhóm khách hàng khổng lồ của Petrolimex bao gồm nhiều công ty con, công ty liên kết và hệ thống bán lẻ 2.400 cửa hàng xăng dầu. Ngoài ra, việc hợp tác cũng sẽ giúp Petrolimex ngoài việc sử dụng các dịch vụ tài chính của HDBank còn mở rộng việc cung cấp nhiên liệu bay cho Vietjet Air.

Sau sáp nhập PG Bank vào HDBank, hiệu ứng cộng hưởng tích cực từ sự hợp tác này sẽ đưa HDBank trở thành một tổ chức tín dụng với quy mô và tiềm lực tài chính vượt trội, hệ thống mạng lưới, nền tảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME được mở rộng mạnh mẽ. Dự kiến sau sáp nhập HDBank có quy mô vốn điều lệ đạt 15.345 tỷ đồng, sở hữu gần 370 chi nhánh và phòng giao dịch, hơn 15.000 điểm giao dịch tài chính và giới thiệu dịch vụ phủ khắp 63/63 tỉnh thành.

Trong lĩnh vực thực phẩm, CTCP Tập đoàn PAN (HOSE: PAN) từ cuối năm 2017 đến nay liên tiếp công bố thành công trong việc tăng sở hữu tại nhiều doanh nghiệp trên sàn. Cụ thể, sau khi hoàn tất việc nâng sở hữu CTCP Bibica (HOSE: BBC) vào cuối năm 2017 lên trên 50% thì đầu năm 2018 PAN tiếp tục thâu tóm thêm 54,3% vốn CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC). Đồng thời, đơn vị cũng muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Giống cây trồng Trung ương (HOSE: NSC) lên 80%.

Việc liên tiếp sở hữu các công ty con đã đẩy doanh thu và lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn tăng lên đáng kể.

Cụ thể, năm 2017, doanh thu thuần của PAN nhảy vọt từ 2.753 tỷ lên 4.075 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng gấp rưỡi lên 503 tỷ và phần lãi của cổ đông công ty mẹ tăng 45% lên 372 tỷ đồng. Đến quý I năm nay, doanh thu toàn tập đoàn đạt 1.705 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế nhảy vọt từ 56,5 tỷ lên 142,6 tỷ đồng.

Trong chiến lược phát triển tương lai, PAN sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tượng phù hợp để M&A.

Ngoài PAN, CTCP Xây dựng số 3 (Vinaconex 3, HNX: VC3) vừa thông báo ngày 22/5 chốt quyền lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về quyết định đầu tư 51% cổ phần CTCP Đầu tư tài chính Hoàng Minh (HOSE: KPF). Về phía KPF cũng thông báo chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chấp thuận cho Vinaconex 3 mua cổ phiếu để sở hữu đến 51% tổng số cổ phiếu đang lưu hành mà không phải chào mua công khai.

Một “cá mập” khác cũng khá nổi là CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim. Từ cuối năm 2017, Nguyễn Kim đã lộ ý định thâu tóm CTCP Dược Lâm Đồng (HNX: LDP), tăng sở hữu từ 24% lên 51,14% vốn. Tuy nhiên, đợt chào mua 2,12 triệu cp LDP vào cuối năm 2017 với giá tối đa 32.000 đồng/cp của Nguyễn Kim đã thất bại. Không từ bỏ, Nguyễn Kim tiếp tục chào mua 2,12 triệu cp LDP theo phương pháp thỏa thuận từ 4/4 đến 24/5, dự kiến hoàn tất vào 3/6, giá chào mua tối đa giữ nguyên 32.000 đồng/cp.

Cùng với Dược Lâm Đồng, Nguyễn Kim còn muốn thâu tóm CTCP Giao thông Long An qua việc đấu giá mua toàn bộ 1,21 triệu cổ phiếu Giao thông Long An, ứng tỷ lệ 65,54% vốn. 1,21 triệu cổ phiếu CTCP Giao thông Long An được UBND tỉnh Long An đưa ra bán đấu giá với giá khởi điểm 15.044 đồng/cp. Như vậy, Nguyễn Kim phải chi ra tối thiểu 18,2 tỷ đồng.

Ngoại cũng tham chiến

Đầu tháng 5, The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd. thông báo đã mua 818.600 cp Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) để nâng tỷ lệ sở hữu từ 49,89% lên 50,89% vốn. Trước đó, Saraburi đã chi hơn 2.300 tỷ đồng mua vào hơn 24,1 triệu cp BMP do SCIC bán qua đấu giá tại mức giá khởi điểm 96.500 đồng/cp (mức giá cao nhất của cổ phiếu BMP).

Saraburi đã đầu tư vào BMP và NTP – hai doanh nghiệp nhựa lớn nhất Việt Nam từ nhiều năm nay. Để tập trung vào BMP, vào tháng 10/2017 tập đoàn đã phải từ bỏ NTP khi bán thành công hơn 21,27 triệu cp NTP thu về gần 1.500 tỷ đồng. Saraburi có thể coi như đã bán được NTP ở mức giá gần đỉnh quanh 70.000 đồng/cp (giá NTP hiện tại là 54.000 đồng/cp) nhưng lại đang tạm lỗ hơn 1.000 tỷ đồng do mua cổ phiếu BMP giá cao từ SCIC.

Ở lĩnh vực thép, Kyoei Steel Ltd. - công ty thép đến từ Nhật Bản vừa thông báo đăng ký mua vào 33,2 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Thép Việt Ý (HOSE: VIS) bắt đầu từ 10/5. Nếu mua thành công, Kyoei sẽ sở hữu 65% vốn VIS và hoàn toàn nắm quyền chi phối. Cùng thời điểm, CTCP Thương mại Thái Hưng đăng ký bán ra 33,2 triệu cổ phiếu VIS từ ngày 10/5 đến 6/6 thông qua giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh qua sàn. Nhiều khả năng lượng cổ phiếu VIS Kyoei mua vào là từ Thương mại Thái Hưng bán ra. Phiên giao dịch hôm qua (10/5) chứng kiến giao dịch thỏa thuận 33,2 triệu cổ phiếu VIS từ nhà đầu tư nội cho nhà đầu tư ngoại, nhiều khả năng Kyoei Steel đã giao dịch thành công cổ phiếu VIS.

VIS vừa nhận được công văn của UBCKNN về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa nới lên 100% vốn. Công ty đã phải xin cổ đông rút ngành nghề kinh doanh gồm vận tải hàng hóa bằng đường bộ, đường sắt, vận tải ven biển và viễn dương để được mở room ngoại.

Các thương vụ M&A diễn ra liên tục cho thấy sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng cao. Các doanh nghiệp nhỏ sẽ "nhường sân" và quy tụ về các doanh nghiệp lớn để tạo ra các đế chế mới có sức mạnh cộng hưởng lớn hơn.


NGọc Điểm
Theo NDH.VN

Trở về

Bài cùng chuyên mục