tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nhiều nhà đầu tư ngoại đến Việt Nam tìm đối tác nhượng quyền

  • Cập nhật : 17/05/2016

(Tin kinh te)

Hàng trăm thương hiệu trong các lĩnh vực nhà hàng - ăn uống, giáo dục, chăm sóc sức khỏe.... đến từ Mỹ, Australia, Singapore, Hồng Kông, Tây Ban Nha đã tới Hà Nội trong thời gian qua để tìm kiếm đối tác nhượng quyền độc quyền tại Việt Nam.

Sau thời kỳ “gieo hạt”, nhượng quyền thương mại đang dần trở thành một kênhđầu tư kinh doanh nổi trội, có độ thích ứng cao và khả năng phát triển mạnh tại Việt Nam.

Những lĩnh vực “nóng”

Sau khi đặt mục tiêu phủ rộng thị trường Philippines, Malaysia trong thời gian tới, mới đây, lần đầu tiên, ông Edwin Ng, Giám đốc điều hành thương hiệu Munch (Singapore) đã đến Việt Nam để giới thiệu cơ hội nhượng quyền tại Việt Nam.

Ra đời hơn 10 năm, Munch hiện mới có 9 cửa hàng tại Singapore chuyên cung cấp các sản phẩm salat, sandwich, khai vị nóng, thức uống bổ dưỡng và các món ăn nhẹ đảm bảo sức khỏe. Song, số cửa hàng khiêm tốn đó không làm ông Edwin Ng ngần ngại bày tỏ tham vọng nhân rộng mô hình này ra các nước trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam.

nhuong quyen duoc kenh dau tu kinh doanh day hap dan tai viet nam.

Nhượng quyền được kênh đầu tư kinh doanh đầy hấp dẫn tại Việt Nam.

Bởi, Munch đang nhìn thấy xu hướng sẽ bùng nổ trong thời gian tới trong lĩnh vựctiêu dùng, thực phẩm khi khách hàng không những muốn ăn "ngon", mà còn muốn ăn "đẹp" và ăn "khỏe". Với cam kết các sản phẩm của mình không chất bảo quản, phụ gia, hương liệu và các tạp chất khác, Munch cũng như ông Edwin Ng kỳ vọng sẽ tìm thấy các nhà đầu tư có tinh thần kinh doanh tốt, có kinh nghiệm ở Việt Nam và có số vốn đầu tư tối thiểu 1 triệu USD.

Trong khi đó, ông Đức Lưu, Giám đốc điều hành thương hiệu giáo dục Edge đến từ Hồng Kông cũng đang háo hức tìm đến các nhà đầu tư Việt Nam am hiểu về thị trường và đam mê lĩnh vực giáo dục để nhượng quyền thương hiệu này. Edge mới có 3 trung tâm Anh ngữ tại Hồng Kông, chủ yếu giúp người học đậu vào những trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm thương hiệu trong các lĩnh vực nhà hàng - ăn uống, giáo dục, chăm sóc sức khỏe.... đến từ Mỹ, Australia, Singapore, Hồng Kông, Tây Ban Nha đã tới Hà Nội trong thời gian qua để tìm kiếm đối tác nhượng quyền độc quyền tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư Việt Nam cũng đã nhận thấy sự phù hợp cũng như tiềm năng của các thương hiệu này, nên các cuộc thảo luận chi tiết hơn về những điều khoản nhượng quyền cũng diễn ra dày đặc trong các lịch làm việc của đôi bên. Đây là những điểm sáng báo hiệu sẽ có nhiều sự hợp tác trong thời gian tới.

Trong xu hướng chung của nhượng quyền ở châu Á, các lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, thời trang, sức khỏe, giáo dục, bán lẻ ở Việt Nam thu hút nhiều thương hiệu nhượng quyền. Tuy nhiên, thời gian qua, sự sôi động của thị trường này thể hiện rõ nhất trong ngành thực phẩm và đồ uống, với những cơn sóng từ hàng loạt các thương hiệu toàn cầu lớn, như McDonald’s, Starbucks, KFC, Pizza Hut, Lotteria, The Coffee Bean & Tea Leaf, Cirkle K, Baskin Robbins, Buger King, Domino’s Pizza… Các thương hiệu này đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ và yêu thích của giới trẻ và tầng lớp trung lưu tại Việt Nam.

Điều này có thể được giải thích là, nhờ vào sự phát triển của công nghệ sản xuất, số lượng công ty, thương hiệu mới ra đời ngày một nhiều, tạo ra sự cạnh tranh, đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng sáng tạo và phát triển để tồn tại trong thị trường. Nhờ đó, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, nhu cầu về thực phẩm, đồ uống cũng ngày một tăng.

Giới chuyên gia trong ngành này dự đoán, một xu thế thị trường sắp nổi và nóng đó chính là thực phẩm an toàn, sạch, có nguồn gốc tự nhiên. Bà Hoàng Kim Phượng, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn VF Franchise Consulting khẳng định, trước những thông tin tiêu cực về tình hình vệ sinh, an toàn thực phẩm hiện nay, các thương hiệu về sản xuất, chế biến thức ăn sạch, có nguồn gốc tự nhiên sẽ đạt được nhiều thành công trong tương lai gần.

Ngoài lĩnh vực thực phẩm và đồ uống đang được coi là có tốc độ nhượng quyền mạnh nhất hiện nay thì kinh doanh giáo dục đang là một lĩnh vực cực kỳ tiềm năng tại Việt Nam.

Bước vào giai đoạn khởi động

Giới đầu tư trong ngành này cho rằng, nhượng quyền thương mại ở Việt Nam sau thời gian rầm rộ gieo hạt, giờ đang bước vào giai đoạn trỗi dậy đầy mạnh mẽ.

Những gì diễn ra trên thị trường cho thấy, kênh đầu tư kinh doanh đầy hấp dẫn sẽ có tốc độ phát triển mạnh tại Việt Nam. Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tính đến tháng 1/2016, Việt Nam đã đón nhận 144 thương hiệu đến từ các quốc gia đăng ký nhượng quyền thương hiệu. Trong khi đó, chỉ có 5 thương hiệu của Việt Nam đăng ký nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài ở lĩnh vực cà phê, thời trang  như T&T, Phở 24...

Dự báo, thị trường nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức 25% cùng với sự gia nhập cuả các thương hiệu quốc tế lớn mạnh và các thương hiệu đến từ khu vực ASEAN.

Theo bà Phượng, trước khi hỗ trợ đưa các thương hiệu quốc tế về Việt Nam, công ty đã khảo sát rất kỹ và kiểm tra khả năng thích ứng của thương hiệu đối với văn hóa người Việt, nhằm cung cấp những thương hiệu thực sự phù hợp, uy tín trên thế giới và khu vực, có giá trị thương hiệu lớn, dày dạn kinh nghiệm để hỗ trợ cho bên nhận nhượng quyền. “Nếu những nhà đầu tư trong nước thực sự có niềm đam mê, chứng minh được tiềm lực tài chính vững mạnh, thì khả năng thành công là gần như 100%”, bà Phượng khẳng định.

Trên lý thuyết, ngành nghề nào cũng có thể sử dụng mô hình kinh doanh nhượng quyền để nhân giống phát triển. Song, dù các thương hiệu lớn thành công ở nước ngoài, thì cũng phải trải qua giai đoạn điều chỉnh, thích nghi với từng thị trường, như nghiên cứu lại khách hàng mục tiêu, dịch vụ tiếp thị. Sự điều chỉnh chiến lược của nhiều thương hiệu thời gian qua tại thị trường Việt Nam của Buger King, Starbucks, McDonald’s, Circle K là minh chứng.

Giới đầu tư trong lĩnh vực này cho rằng, nhượng quyền chính là hình thức marketing mạnh mẽ nhất. Khi phát triển dưới hình thức nhượng quyền, thương hiệu sẽ được nhân rộng về số lượng lẫn danh tiếng nếu đối tác nhận quyền kinh doanh uy tín. Ngược lại, việc làm ăn kinh doanh của đối tác nhận quyền không tốt sẽ gây tác dụng ngược đến cả danh tiếng và doanh thu cho thương hiệu. Điều này cho thấy, chọn lựa đối tác nhận quyền là khâu quan trọng nhất trước khi đi đến hợp tác dài lâu.

Việc không hiểu hết mức độ phức tạp của mô hình nhượng quyền cộng với sự hấp tấp trong mong muốn phát triển có thể trở thành mối đe doạ đối với sự sống còn của thương hiệu và doanh nghiệp. Do đó, dù ở bất cứ thị trường nào, người nhận nhượng quyền phải chịu trách nhiệm rất nhiều vào thành công của thương hiệu đó tại thị trường nội địa.

Nhưng, cũng phải thẳng thắn, ở Việt Nam, vẫn chưa phải nhiều người hiểu biết đến nơi đến chốn điều này. Đây là lý do khiến thời gian bàn thảo giữa chủ thương hiệu và các đối tác muốn nhượng quyền ở Việt Nam vẫn đang kéo khá dài.


Anh Hoa
(Theo Báo Đầu Tư)
Trở về

Bài cùng chuyên mục