Theo Robert Kiyosaki - tác giả cuốn sách nổi tiếng "Cha giàu cha nghèo", thành công chỉ đến với những ai nhìn thẳng vào thất bại để tìm cách khắc phục, chứ không phải đổ lỗi cho người khác.
"Dậy sóng" thị trường bán lẻ trực tuyến
- Cập nhật : 18/05/2016
(Tin kinh te)
Thương vụ Nguyễn Kim cùng Central Group thâu tóm Big C Việt Nam chưa kịp lắng xuống thì cuối tuần qua Nguyễn Kim lại công bố trở thành chủ sở hữu thương hiệu Zalora Việt Nam. Thương vụ này tiếp tục làm "dậy sóng" thị trường bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ trực tuyến.
Rocket Internet thoái lui
Từ cuối năm 2015 đến nay, thị trường bán lẻ trực tuyến liên tiếp diễn ra những vụ mua bán, sáp nhập (M&A) "đình đám" và đứng sau những thương vụ này là cái tên Rocket Internet. Mới đây nhất, ngày 13/5, Zalola Việt Nam (một trong những thương hiệu của Rocket Internet - Đức) phát đi thông cáo cho biết Zalora đã hoàn tất việc bán Zalora Thái Lan cho Central Group và bán Zalora Việt Nam cho Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim.
Cùng ngày,Bangkok Postdẫn lời đại diện Central Group cho biết, Tập đoàn quyết định mua Zalora Thái Lan vì đơn vị này đang dẫn đầu trong lĩnh vực thời trang trực tuyến tại Đông Nam Á, và nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) sẽ giúp Tập đoàn tăng cường kênh phân phối.
Việc sở hữu Zalora Thái Lan sẽ giúp Central Group có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu của hơn 2 triệu tài khoản khách hàng và hơn 1.000 đối tác cung cấp của Zalora.
Xác nhận vớiDoanh Nhân Sài Gònchiều ngày 15/5, đại diện phía Nguyễn Kim cho biết: "Thông tin Nguyễn Kim mua Zalora Việt Nam là chính xác". Theo vị đại diện này, sau khi trở thành "đơn vị con" của Nguyễn Kim, mọi hoạt động của Zalora tại Việt Nam sẽ không có gì thay đổi so với trước đây. Việc điều hành Zalora Việt Nam vẫn là do những nhân sự hiện thời của Zalora đảm trách.
Ngày 16/5, lễ ký kết giữa hai đơn vị tại Việt Nam đã được thực hiện tại TP.HCM. "Việc sở hữu Zalora Việt Nam sẽ giúp chúng tôi phát triển mảng thời trang trực tuyến mà đơn vị này đang là thế mạnh. Và như vậy, chúng tôi sẽ đẩy mạnh song song cả hai mảng thời trang offline và online", vị đại diện Nguyễn Kim cho biết.
Trước Zalora, trong tháng 4/2016, Lazada cũng đã thuộc về một trong những tập đoàn TMĐT lớn nhất thế giới là Alibaba. Được Rocket Internet thành lập năm 2012, Lazada là hãng TMĐT lớn ở khu vực Đông Nam Á, hoạt động tại 6 thị trường trọng điểm là Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Tại Việt Nam, Lazada là một trong những sàn TMĐT lớn nhất với hơn 6.000 gian hàng và 400.000 sản phẩm thuộc 13 ngành hàng khác nhau.
Chia sẻ vớiDoanh Nhân Sài Gònhồi tháng 3 năm nay, CEO Lazada Việt Việt Nam Alexandre Dardy cho biết, Lazada đã xây dựng 2 nhà kho tại TP.HCM, 1 nhà kho ở Hà Nội và 35 điểm phân phối giúp giảm chi phí vận chuyển. Công ty cũng đã nâng cấp Lazada App với nhiều hoạt động kích cầu mua sắm trên di động, nâng số giao dịch trên nền tảng này lên tới 50% tổng giá trị giao dịch.
Mặc dù chiếm vị thế tốt tại thị trường Việt Nam nhưng để "cân đối tài chính", chủ thương hiệu của Lazada là Rocket Internet đã nhận 1 tỷ USD đầu tư từ Alibaba. Trước đó, Foodpanda - mạng đặt thức ăn trực tuyến hơn 1.000 nhà hàng tại Việt Nam cũng đã chuyển nhượng cho Vietnammm sau 3 năm hoạt động.
Thương mại điện tử trỗi dậy
Những thương vụ đã và đang diễn ra đã chứng minh cho sự phát triển và cạnh tranh gây gắt của lĩnh vực tưởng là mới này tại Việt Nam. Hiện nay, TMĐT tại Việt Nam được đánh giá là phát triển đột phá cả về quy mô lẫn doanh số. Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), năm 2015, TMĐT ước đạt doanh số 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014, chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Loại hàng hóa, dịch vụ được mua trực tuyến thường xuyên nhất là áo quần, giày dép và mỹ phẩm (chiếm 64%), tiếp đến là đồ công nghệ và điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình, sách, văn phòng phẩm... Dự báo, đến năm 2020, mô hình TMĐT doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) sẽ tăng 20%/năm. Riêng trong nhóm ngành điện máy, dự báo của Euromonitor International, từ năm 2015 đến năm 2020, bán lẻ trực tuyến hàng điện máy sẽ tăng trưởng trên 30% mỗi năm, đạt con số 20.985 tỷ đồng vào năm 2020.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Kinh Doanh - TGĐ Công ty CP Thế Giới Di Động cho biết, năm 2015 doanh thu bán hàng online của Thế Giới Di Động đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 94% so với năm trước (năm 2014 đạt 925 tỷ đồng). Năm 2016, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 3.300 tỷ đồng, và 3 tháng đầu năm đã đạt 680 tỷ đồng, tăng 101% so với năm 2015.
Tính đến ngày 15/5/2016, Công ty đã có 741 cửa hàng Thegioididong và 96 cửa hàng dienmayXanh.com tại 63 tỉnh - thành. "Mạng lưới phủ rộng đã tạo lợi thế về giao hàng, bảo hành, chăm sóc khách hàng, và bán hàng trực tuyến đang là tiềm năng lớn để Công ty khai thác", ông Trần Kinh Doanh cho biết.
Vì sao trong một thị trường đang phát triển như vậy mà Rocket Internet lại sang nhượng doanh nghiệp? Các chuyên gia cho rằng, dù thị trường tăng trưởng nhưng ngành này đòi hỏi phải đầu tư lâu dài, ít nhất 5 - 7 năm mới hoàn vốn. Trong khi đó, Rocket Internet với chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh", đầu tư mạnh và muốn thu hồi lợi nhuận nhanh xem ra không phù hợp với thị trường Việt Nam. Đó là nguyên nhân khiến Rochket Internet lần lượt bán Foodpanda, Lazada, Zalora từ cuối năm 2015 đến nay.
Báo cáo về thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam được Euromonitor International phát hành vào tháng 1/2016 cho thấy, Thế Giới Di Động là công ty chiếm thị phần bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam với 10%. Kế đó là Rocket Internet với 9,3% thị phần, FPT 5,4% thị phần, Nguyễn Kim (4,3%), Viễn Thông A (3,1%), Pico (1,7%) và các nhà bán lẻ trực tuyến khác chiếm 66,1% thị phần.
Mặc dù thị phần tăng giảm qua các năm nhưng Thế Giới Di Động vẫn liên tục đứng đầu danh sách các nhà bán lẻ trực tuyến từ năm 2011 đến nay. "Đó là do doanh nghiệp này có những phương thức thanh toán linh hoạt cho khách hàng mua online. Trong đó, khách hàng mua trả góp không cần đến đến cửa hàng nộp giấy tờ mà chỉ cần gọi điện tới để khai hồ sơ trả góp là đã được vay", theo đánh giá của Euromonitor International.
Hồng Nga - DNSG