Kế hoạch đổi chủ của thương hiệu thời trang xa xỉ đã được giới chức Anh chấp thuận và cổ đông lớn nhất ủng hộ.
Thương mại điện tử Việt Nam: Mỏ vàng có thật sự khó đào?
- Cập nhật : 20/05/2016
(tin kinh te)
Việc hàng loạt trang web thương mại điện tử ngậm ngùi dừng bước trong thời gian qua khiến những người có ý định đầu tư vào lĩnh vực này phải suy ngẫm.
"Mỏ vàng" thương mại điện tử và những chiến binh bại trận
Với dân số lên đến hơn 90 triệu dân, trong đó 49% sử dụng Internet và 34% sử dụng di động để truy cập Internet, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam được đánh giá là đầy tiềm năng phát triển.
Theo một cuộc khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin vào năm 2015, 45% người được khảo sát cho biết có sử dụng các thiết bị di động ít nhất 1 lần/ngày để tìm kiếm thông tin mua hàng, 24% sử dụng ít nhất 1 lần/tuần.
Trong một vài năm trở lại đây, TMĐT Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể về cả chất và lượng. Khi các đại gia ngoại sẵn sàng rót vốn đầu tư thì nhiều doanh nghiệp lớn trong nước như Vingroup, Nguyễn Kim... cũng bắt đầu gia nhập cuộc chơi.
Thế nhưng, dù được coi là mảnh đất màu mỡ để làm giàu nhưng không phải ai cũng đào được 'vàng' từ kho báu này.
Năm 2015, thị trường chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt trang web TMĐT tại Việt Nam. Beyeu.com - một dự án của Webtretho được IDG Ventures Việt Nam đầu tư đã quyết định đóng cửa vì cạn vốn. Trước khi dừng hoạt động, nhóm thực hiện dự án còn ngậm ngùi để lại lời nhắn: "Kinh doanh thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp quyết định sẽ dừng việc đốt tiền. Chúc may mắn cho những người còn lại".
Lời nhắn nhủ có vẻ đau thương kia phản ánh đúng thực trạng của thị trường TMĐT Việt Nam - khi tài chính cạn kiệt, các doanh nghiệp thiếu tiềm lực đành dừng cuộc chơi. Dễ nhận thấy, Lazada hay Zalora chiếm được thị phần lớn tại nước ta chỉ sau một thời gian ngắn cũng nhờ vào nguồn vốn đầu tư dồi dào.
Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam đều đóng cửa do hết tiền.
Theo ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty cổ phần công nghệ DKT, thiếu vốn có thể coi là một nguyên nhân lớn nhưng không phải nguyên nhân duy nhất cho việc dừng hoạt động của các start-up thương mại điện tử.
"Theo tôi, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc dừng hoạt động của nhiều start-up là ở vấn đề: founder chưa đánh giá chính xác số vốn cần bỏ ra để duy trì doanh nghiệp cho đến lúc có lãi, dẫn đến bắt đầu khởi nghiệp quá gấp rút khi chưa có đủ lượng vốn cần thiết", ông Tuyến nói.
Trên thực tế, không chỉ các start-up Việt Nam, nhiều doanh nghiệp có sự hậu thuẫn lớn từ nước ngoài cũng quyết định rút lui khi không thu được lợi nhuận như kỳ vọng. Foodpanda bán mình cho đối thủ Vietnammm.vn, Lazada về tay Alibaba còn Zalora cũng vừa hoàn tất việc chuyển nhượng cho Nguyễn Kim.
Thị trường vẫn còn rộng để khai thác
Trong bối cảnh ngành TMĐT liên tiếp đón nhận những tin tức đóng cửa, phá sản, 'bán mình', nhiều người có ý định tham gia lĩnh vực này không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng.
Dù vậy, ông Trần Văn Trọng - Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam vẫn đánh giá đây là đại dương xanh cho những người khởi nghiệp. Theo ông Trọng, từ năm 2016-2020, thậm chí là đến năm 2025 sẽ là giai đoạn bùng nổ của TMĐT Việt Nam.
Theo báo cáo do Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin công bố, tổng doanh thu bán hàng qua các hình thức TMĐT tại Việt Nam năm 2015 đạt 4,07 tỷ USD, mới chỉ chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Như vậy, tiềm năng phát triển của ngành này còn rất lớn.
Trước những lo ngại về việc kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT đòi hỏi tiềm lực tài chính mạnh, ông Tuyến cho hay, "Có thể một số lĩnh vực trong TMĐT cần rất nhiều tiền, ví dụ như mở ra các sàn giao dịch, các cổng thanh toán... Nhưng không phải TMĐT là đốt tiền nếu chúng ta cân đối được mục tiêu đặt ra và số vốn có thể huy động. Chính vì thế không có tiền hoặc ít tiền hoàn toàn có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT nếu các start-up chọn đúng hướng và lĩnh vực kinh doanh."
"Không phải cứ rót riền tạo ra mạng xã hội hay sàn giao dịch mới là khởi nghiệp trong TMĐT, có thể chỉ cần bỏ 10 triệu đồng thậm chí nhỏ hơn để kinh doanh dựa trên những công nghệ TMĐT đã có sẵn. Khởi nghiệp là một quá trình lâu dài, không nhiều người khởi nghiệp với số vốn khủng, quan trọng là chọn được đúng mục tiêu.", CEO có 8 năm kinh nghiệm khởi nghiệp nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi làm thế nào để các start-up nhỏ có thể cạnh tranh với những 'ông lớn' trong ngành, vị doanh nhân này thẳng thắn đánh giá rằng tư tưởng cạnh tranh với ông lớn trong lĩnh vực TMĐT là một sai lầm trong tư duy.
"Thứ nhất là vì TMĐT vẫn là một thị trường mới, vẫn là đại dương xanh để có nhiều ngách khởi nghiệp mà không gặp phải đối thủ trực tiếp. Thứ hai, trong một môi trường mới phát triển mà đã có một ông lớn thì đối đầu trực tiếp rất khó thành công, trong trường hợp này sẽ đúng là đốt tiền. Chính vì vậy, lời khuyên cho startup trong lĩnh vực TMĐT là chọn thị trường ngách, tránh đối đầu trực tiếp với các ông lớn, và đặc biệt, phải làm khác đi những gì có sẵn.", ông Tuyến nói.
Linh Lam
(Theo Người Đồng Hành)