tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Điều gì sẽ xảy ra khi 'Amazon Đông Nam Á' đụng độ Amazon 'xịn'?

  • Cập nhật : 03/04/2017

Thường được gọi là “Amazon Đông Nam Á” vì sự thống trị trên thị trường thương mại điện tử ở khu vực này, tập đoàn Lazada đã có 4 năm bận rộn kể từ khi ra đời.

tap doan lazada da co 4 nam ban ron ke tu khi ra doi

tập đoàn Lazada đã có 4 năm bận rộn kể từ khi ra đời

Năm ngoái, gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc, Alibaba, đã mua một cổ phần lớn trị giá lên đến 1 tỉ USD ở Lazada. Sau đó Lazada thôn tính RedMart, một công ty bán lẻ văn phòng phẩm trực tuyến, và tuần này Lazada đã công bố hợp tác với Unilever trong một nỗ lực nhằm giúp tăng trưởng mảng sản phẩm tiêu dùng của mình.

Nhưng Amazon sắp đặt chân vào Đông Nam Á, làm dấy lên câu hỏi liệu ông trùm khu vực được Alibaba hậu thuẫn có thể cạnh tranh nổi với một thế lực toàn cầu hay không. Tuy nhiên, theo Maximilian Bittner, CEO của Lazada, cuộc đụng độ đó chưa phải là mối lo ngại cho công ty này.

“Đến thời điểm này họ vẫn chưa có mặt ở đây, do vậy rất khó khiến cho tôi phải lo lắng về ai đó chưa thật sự đặt chân vào thị trường. Tôi nghĩ khi họ ở đây, chúng tôi có thể bắt đầu lo lắng về họ”, Bittner nói.

Gần đây Amazon đã mở văn phòng ở Singapore và có tin cho rằng họ sẽ bắt đầu hoạt động trong quý 1, nhưng theo TechCrunch, các kế hoạch trên hiện đã bị dời lại.

Amazon chưa có bình luận gì về điều này.

Theo nhà sáng lập của Amazon, Jeff Bezos, gã khổng lồ công nghệ có trụ sở ở Seattle này hiện có doanh thu hàng năm hơn 100 tỉ USD và trở thành công ty vượt qua con số đó nhanh nhất trong lịch sử. Quá trình mở rộng ra khắp thế giới của họ thường rất “đáng sợ”: tung ra những dịch vụ quan trọng nhất ở Trung Quốc, bơm 3 tỉ USD vào ấn Độ và gần đây nhất là lên kế hoạch bắt đầu hoạt động ở Australia trong năm tới.

Tuy vậy, Đông Nam Á vẫn chưa phải là chiến trường của thương mại điện tử.

“Amazon sẽ đến. Khi họ đến và chúng ta sẽ thấy, nhưng ngay giờ đây chúng tôi rất tập trung và rất hạnh phúc về sự hợp tác với Alibaba và đang củng cố mối quan hệ đó”, Bittner nói.

Tiềm năng tăng trưởng của khu vực này có thể thật sự đủ lớn cho nhiều “người chơi” tham gia – ít nhất là trong ngắn hạn. Theo nghiên cứu thị trường của Frost & Sullivan, doanh số trực tuyến chiếm chưa tới 3% tổng doanh số bán lẻ trong khu vực. Đó là một tỉ lệ rất nhỏ so với Trung Quốc, với con số hiện tại là hơn 12%.

Mặc dù thị trường thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ đạt 25 tỉ USD vào năm 2020, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Khu vực này hiện có hơn 600 triệu người, nhưng mỗi quốc gia lại có cơ sở hạ tầng, quy định pháp luật và ngôn ngữ khác nhau.

Vào thời điểm này, Bittner nói rằng ông tập trung vào việc kiếm người tiêu dùng mới cho hệ sinh thái của Lazada. “Mục tiêu cho sự hợp tác của chúng tôi với Alibaba là chúng tôi được tiếp cận với nhiều kinh nghiệm và kiến thức của Jack Ma cùng đội ngũ lãnh đạo của họ”, Bittner nói và cho biết thêm rằng Chủ tịch của Alibaba và đội ngũ quản lý rất thân thiện.

Theo Bittner, lợi thế 4 năm có mặt ở khu vực Đông Nam Á trước Amazon sẽ là chìa khóa cho sự thành công của Lazada.

“Thành công của chúng tôi trong tất cả các thị trường mà mình đang có mặt là chúng tôi đã tìm thấy đúng những thứ mà người tiêu dùng đang tìm kiếm và chúng tôi hiện đang tập trung vào việc xây dựng sức mạnh trên kinh nghiệm đó”, ông nói.

 

Thanh Hải
Theo Trí thức trẻ/CNBC

Trở về

Bài cùng chuyên mục