Cần xem xét lại việc hình thành tài sản của Tập đoàn Casino ở Việt Nam và việc chuyển nhượng dự án có được kèm theo các ưu đãi hay không, cũng như áp dụng các biện pháp chống chuyển giá theo pháp luật hiện hành...
Rao vặt 3.0: Cơ hội nào cho mô hình C2C?
- Cập nhật : 26/06/2016
Với 10 triệu người sử dụng internet, trong vòng 3 năm tới, thị trường thương mại điện tử C2C dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 24%.
Với tiềm lực tài chính và kinh nghiệm từ công ty mẹ, Chợ Tốt, đơn vị chủ quản trang web cùng tên (Chotot.com), đang có những bước tăng trưởng ấn tượng về người sử dụng trong thị trường C2C (consumer to consumer), hay còn gọi là chợ điện tử ở Việt Nam. Nhưng điều này không có nghĩa là không có rào cản đang đợi Chợ Tốt trong thời gian tới.
Chợ Tốt đang tốt...
Gia nhập Việt Nam năm 2012, Chợ Tốt là đơn vị trực thuộc 701 Search, liên doanh giữa Singapore Press Holdings Limited, tập đoàn truyền thông Schibsted ASA và tập đoàn viễn thông Telnor. Trong đó Schibsted là doanh nghiệp kinh doanh mô hình rao vặt trực tuyến hàng đầu ở châu Âu với sự hiện diện ở 12 nước nằm trong khu vực này. Thời điểm vào thị trường Việt Nam, Chotot.com phải cạnh tranh với rất nhiều trang rao vặt đang nở rộ nên nhiều người cho rằng Chotot.com sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi đây là mô hình kinh doanh “lượm bạc cắc”.
Tuy nhiên, từ các danh mục sản phẩm đã qua sử dụng khá quen thuộc như điện tử, thời trang, đồ gia dụng... Chotot.com mở thêm mảng ôtô, xe máy và bất động sản như mô hình của 35 trang rao vặt mà Schibsted ASA đã đầu tư.
Ông Bryan Teo, Tổng Giám đốc Chợ Tốt, cho biết, mỗi ngày Chotot.com có 1,3 triệu lượt truy cập, tương đương với hơn 30 triệu lượt truy cập và có hơn 1 tỉ trang được xem mỗi tháng. Con số này gấp 100 lần so với thời điểm công ty này gia nhập thị trường Việt Nam. Số quảng cáo được đăng trên trang web này khoảng 800.000 mẫu mỗi tháng. Các quảng cáo được xem nhiều nhất trong thời gian qua là về ôtô, xe máy, điện thoại, bất động sản.
Chưa có một công bố nào chính thức, nhưng giới phân tích thương mại điện tử cho rằng, nếu lượng truy cập từ Chợ Tốt công bố là đúng, thì công ty này hiện được xem là đơn vị dẫn đầu trong mảng chợ điện tử. Dù xuất hiện sau khá lâu nhưng Chotot.com đã qua mặt những đối thủ ra mắt trước đó như 5giây.vn, muaban.net, raovat.vn và rongbay.com...
Tuy nhiên, đó chưa phải là mục tiêu đề ra của Chotot.com. Ông Bryan Teo cho biết, theo quan điểm của 701 Search, các thị trường chín muồi khi số lượng tài khoản của trang web do tập đoàn này đầu tư chiếm khoảng 10% số lượng người sử dụng internet. “Với 2,5 triệu tài khoản, số lượng người sử dụng của Chotot.com chỉ mới chiếm khoảng 6% số lượng người sử dụng internet ở Việt Nam. Việt Nam vẫn là thị trường còn nhiều dư địa tăng trưởng đối với Công ty”, ông Bryan Teo nói.
Sau thời gian dài miễn phí, giữa năm 2015, Chotot.com bắt đầu “kiếm tiền” bằng dịch vụ “đẩy tin” với giá từ 5.000-15.000 đồng tùy loại sản phẩm. Tuy nhiên, ông Bryan Teo cho rằng, dịch vụ này được đưa ra để hỗ trợ tốt hơn cho những người sử dụng không có thời gian cập nhật bản tin mỗi 15 phút. “Chúng tôi tin rằng khi làm tốt vấn đề này, Chotot.vn sẽ có doanh thu tốt hơn”, ông Bryan Teo khẳng định.
Nhưng thị trường chợ điện tử ở Việt Nam không đơn thuần chỉ là câu chuyện đông người truy cập. Hiện nay, mặc dù các trang như Tiki.vn, Lazada.vn đều mở cửa cho các cửa hàng nhỏ lẻ nhưng số lượng nhỏ hơn rất nhiều so với nhu cầu của thị trường. Chính vì thế, sẽ có một lượng lớn cửa hàng tìm đến các đối tác theo mô hình chợ.
Với 2,5 triệu người sử dụng và sẽ tăng trong thời gian tới, không có lý do gì để Chotot.com từ chối lượng người bán nói trên. Mặt khác, việc phục vụ những người bán chuyên nghiệp cũng đỡ “mệt” hơn so với những người bán cá nhân. Doanh thu từ dịch vụ cung cấp cho nhóm này cũng khả quan hơn.
...Nhưng không dễ tốt hơn
Đây cũng là lúc mô hình Chotot.com lộ những điểm còn thiếu sót. Về mặt đảm bảo giao dịch, Công ty đang duy trì đội ngũ hơn 100 người để duyệt tin rao vặt hằng ngày. Ngoài ra, Chợ Tốt có hệ thống kiểm duyệt để duyệt tin, cập nhật thông tin kịp thời về những trường hợp khả nghi nhằm nâng cao cảnh giác khi duyệt tin có dấu hiệu tương tự.
Tuy nhiên, mô hình mua bán rao vặt điện tử lâu nay vẫn loay hoay để tìm cách củng cố niềm tin của người mua bán, đặc biệt khi chưa hoàn thiện cách thức thanh toán qua mạng.
Trong mô hình 5giây.com, người mua bán được đảm bảo bằng xếp hạng uy tín thành viên. Trong khi đó, các sàn theo mô hình chợ điện tử khác, như Sendo.vn của Công ty Sen Đỏ, sẽ giữ tiền người bán trong vòng 24 giờ kể từ khi việc mua hàng hoàn tất...
Chotot.com là nền tảng hỗ trợ người bán hàng trong nhiều lĩnh vực nên thông tin sẽ không chuyên sâu và chi tiết như những sàn chỉ dành cho một lĩnh vực duy nhất như bất động sản có trang web batdongsan.com.vn, ôtô đã qua sử dụng có carmudi.vn hay anycar.vn, xe máy thì có 2banh.vn... Bên cạnh đó, khác với mô hình bán lẻ trực tuyến như Lazada Việt Nam, chợ trực tuyến không cần một nguồn vốn lớn để đầu tư kho bãi, mua hàng số lượng lớn, giải quyết bài toán giao dịch bằng tiền mặt mà chỉ đơn thuần là bài toán kết nối thông tin. Chính vì thế, sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường này.
Tuy nhiên, mô hình chợ điện tử hiện nay chỉ dành cho doanh nghiệp có đầu tư lớn và bài bản, chứ không còn là mô hình diễn đàn (forum) như thời gian mới hình thành. Đặc biệt là các sàn điện tử phục vụ cho mô hình C2C như Sendo.vn, Muafast.com, 123mua.vn... đang ngày càng chuyên nghiệp hóa. Theo ông Trần Hải Linh, Tổng Giám đốc Công ty Sen Đỏ, trước khi thành lập Sendo.vn, Công ty đã khảo sát các mô hình thương mại điện tử thành công ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và nhận ra một điểm chung là các công ty này chỉ đi theo mô hình chợ điện tử. Như Trung Quốc có Alibaba với Taobao, Nhật có Rakuten, Ấn Độ có Flipkart...
Có 2 nguyên nhân dẫn đến việc này. Thứ nhất, như đã phân tích ở trên, mô hình chợ không tốn quá nhiều tiền đầu tư. Thứ 2 là tính bản địa, mô hình chợ điện tử đòi hỏi tính linh hoạt cao nên các công ty trong nước sẽ có lợi thế hơn. Sự thất bại của eBay sau khi mua lại Eachnet (Trung Quốc) năm 2003 là một bài học kinh điển về tính bản địa trong thương mại điện tử. Ngay cả doanh nghiệp thương mại điện tử lớn của Nhật là Rakuten cũng mới cho biết sẽ ngừng hoạt động tại Singapore, Malaysia và Indonesia. Trước đó, hồi cuối năm 2014, từng có thông tin Rakuten chuẩn bị đổ bộ vào Việt Nam với mô hình C2C trên di động. Tuy nhiên, với việc đồng loạt thoái lui khỏi các thị trường Đông Nam Á, khó có khả năng Rakuten sẽ xuất hiện tại Việt Nam.
Quay trở lại với câu chuyện của Chotot.com, theo ông Bryan Teo, tỉ lệ hàng đã qua sử dụng và hàng mới trên Chotot.com là 70-30 (70% hàng cũ và 30% hàng mới) và Công ty chưa có ý định thay đổi tỉ lệ này trong thời gian tới. “Chúng tôi cảm thấy hài lòng với tỉ lệ hiện tại. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu cách thức hỗ trợ những người bán hàng chuyên nghiệp mà không ảnh hưởng đến người mua bán cá nhân”, ông Bryan Teo nói. Có thể nói dù đã đạt được mức tăng trưởng về lượng người sử dụng nhưng để kiếm lợi nhuận từ mô hình chợ điện tử, đường đi của Chotot.com thật không hề đơn giản.
Huy Vũ
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)