Boon Rawd Brewery là hãng bia đầu tiên của Thái Lan, thành lập từ năm 1933. Trước thương vụ hợp tác cùng Masan Group, Tập đoàn này cùng với Thai Beverage cũng từng bày tỏ sự quan tâm tới việc mua cổ phần của Sabeco.
"Gã nhà giàu" đứng sau Lazada, Foodpanda và Zalora
- Cập nhật : 22/12/2015
(Kinh doanh)
Lazada được coi là đại gia của thị trường thương mại điện tử Việt Nam khi không ngần ngại 'đốt tiền' để giành vị trí thống lĩnh. Đằng sau sự thành công của thương hiệu này có sự hậu thuẫn không nhỏ từ 'gã nhà giàu' Rocket Internet.
Rocket Internet là ai?
Rocket Internet được biết đến là một công ty chuyên tạo ra bản sao của những mô hình kinh doanh thành công tại Mỹ, sau đó bán lại cho các nhà đầu tư hoặc chính công ty mà họ đi sao chép.
Rocket Internet được chính thức thành lập vào năm 2007 bởi 3 anh em người Đức là Marc, Oliver và Alexander Samwer.
Trên thực tế, công ty này đã hoạt động từ năm 1999 bằng việc cho ra đời Alando - một trang web 'nhái' lại eBay. Chỉ sau vài tháng hoạt động, Alando được bán lại cho chính eBay với giá 43 triệu USD.
Năm 2010, Rocket Internet lại tiếp tục thành công với Citydeal - bản sao của Groupon tại các nước châu Âu và được đơn vị này mua lại với giá 170 triệu USD.
Ngoài ra, Rocket Internet còn là 'cha đẻ' của nhiều website nhái theo Facebook, Youtube, Zappos...
Tháng 10 năm 2014, công ty tiến hành IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) và được định giá hơn 8 tỷ USD tại thời điểm đó.
Hiện nay, mạng lưới của Rocket Internet đang trải rộng tại hơn 110 quốc gia trên thế giới với khoảng 30.000 nhân viên. Mục tiêu của hãng là trở thành nền tảng Internet lớn nhất thế giới bên ngoài thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù phát triển khá thành công, nhưng Rocket Internet cũng vấp phải không ít chỉ trích về việc chỉ 'chăm chăm đi copy' của mình. Trước phản ứng của dư luận, Oliver Samwer - CEO của công ty cho rằng ngành công nghệ đang 'tiểu thuyết hóa' sự sáng tạo. Oliver nhận thấy Rocket là nền tảng giúp những start-up mới có thêm cơ hội để thành công.
Theo thống kê của tạp chí Forbes, cả 3 anh em nhà Samwer đều đang là tỷ phú và sở hữu khối tài sản trị giá 1,7 tỷ USD (mỗi người).
Các thương hiệu được Rocket Internet chống lưng (đã và đang) tại Việt Nam
Pinspire.vn: bản sao của mạng xã hội Pinterest xuất hiện tại Việt Nam vào cuối năm 2011 nhưng hoạt động không mấy thành công. Hiện tại, tên miền này đã ngừng hoạt động
Lazada: trang web mua sắm trực tuyến được coi như bản sao của Amazon.com chính thức thành lập vào năm 2011. Lazada được Rocket Internet đưa vào Việt Nam từ tháng 2/2012.
Theo báo cáo Thương mại điện tử 2014 từ Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (Bộ Công Thương), Lazada chiếm gần 36% thị phần, dẫn đầu thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam
Trong vòng 6 tháng đầu năm 2015, trang web này cũng đạt mốc 110 triệu lượt khách hàng truy cập; có hơn 2000 nhà bán hàng và trên 250.000 sản phẩm thuộc hơn 13 ngành hàng khác nhau.
Foodpanda.vn: Foodpanda là thương hiệu nổi bật hoạt động trong lĩnh vực đặt hàng thức ăn trực tuyến đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Sau 3 năm hoạt động tại Việt Nam, mới đây Foodpanda đã được bán lại cho đối thủ Vietnammm.com.
Zalora: Tương tự như những người 'anh em' khác tại Rocket Internet, Zalora bắt chước theo mô hình của nhà bán lẻ thời trang trực tuyến Zappos (Mỹ). Xuất hiện từ đầu năm 2012, Zalora Việt Nam cũng được Rocket Internet mạnh tay đầu tư.
Theo báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2014, doanh thu năm ngoái của Zalora đạt 125 tỷ đồng.
Mới đây, một số nguồn tin cho rằng Zalora đang tìm đối tác tại Việt Nam để bán lại công ty. Tuy nhiên, đại diện của Zalora Việt Nam đã lên tiếc bác bỏ tin đồn này.
Easy taxi: Nhắc đến các ứng dụng di động gọi taxi , nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Grab Taxi hay Uber. Nhưng Easy taxi mới chính là người tiên phong cho trào lưu 'taxi công nghệ' tại Việt Nam.
Easy taxi ra đời vào năm 2012, chính thức xuất hiện tại TP.HCM vào tháng 2/2014 và Hà Nội vào tháng 6/2014. Chỉ hơn nửa năm có mặt tại Việt Nam, hãng này tuyên bố đã chi gần 1 triệu USD cho các dịch vụ khuyến mãi. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 1 năm hoạt động, Easy taxi đã lặng lẽ rút lui khi không thể cạnh tranh được với Grab taxi và Uber.
Carmudi.vn: sàn giao dịch xe trực tuyến với sự đầu tư của Rocket Internet có mặt tại thị trường Việt từ tháng 2/2014 và có tốc độ phát triển khá nhanh. Đầu năm 2015, Carmudi đã chạm mốc hơn 4 triệu lượt truy cập hàng tháng.