Bán quần áo sang trọng tại London hay New York không khó, đây là những gì mà hãng sản xuất quần áo Trung Quốc Bosideng International Holdings nghĩ khi cố vươn ra thế giới vào năm 2012. Song thực tế hoàn toàn ngược lại.
Chủ tịch Tập đoàn CMC: Mỗi lần ngủ dậy thấy có luật, thông tư mới thì lo nhiều hơn mừng
- Cập nhật : 01/08/2017
Đề cập tới những khó khăn của doanh nghiệp về vấn đề thủ tục hành chính, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC cũng cho biết thực tế mỗi lần ngủ dậy thấy có luật, nghị định thông tư mới thì lo nhiều hơn mừng. Bởi vì thuận lợi một phần còn lại gặp rất nhiều khó khăn.
Chính sách còn nhiều vướng mắc
Đó là phản ánh của các doanh nghiệp tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân diễn ra ngày 31/7 với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo các bộ ngành.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC – Trưởng nhóm công tác Kinh tế số VPSF – cho biết thách thức lớn nhất hiện nay đó là vẫn thiếu chính sách thúc đẩy kinh tế số trong khi đó, rào cản vướng mắc vẫn còn quá nhiều.
Trong thời gian qua mặc dù các Nghị quyết của Đảng nói rất mạnh về kinh tế tư nhân, nhưng trong thực tế đối với ngành kinh tế số đã có sự phân biệt thành phần.
Đặc biệt, khi tham gia các chương trình tin học hóa cho khu vực công quyền, một số dự án đã hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, hiện vẫn đang có sự trợ giá không lành mạnh đối với doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó tại Diễn đàn, Trưởng nhóm công tác Kinh tế số đã đưa ra 8 kiến nghị cần giải quyết để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Trong đó, đáng lưu ý là việc sử Nghị quyết 36a theo tinh thần bình đẳng, thứ 2 là bỏ phí viễn thông công ích đối với dịch vụ internet. Thứ 3 là xây mới Nghị định 102, còn nếu muốn sửa thì cần theo hướng loại bỏ hết rào cản...
Đề cập tới những khó khăn của doanh nghiệp về vấn đề thủ tục hành chính, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC cũng cho biết thực tế mỗi lần ngủ dậy thấy có luật, nghị định thông tư mới thì lo nhiều hơn mừng. Bởi vì thuận lợi một phần còn lại gặp rất nhiều khó khăn.
"Chúng tôi cho rằng làm luật, thông tư, nghị định không nên lấy tiêu chí là số lượng mà cần ưu tiên chất lượng. Nhiều khi luật rất tốt nhưng Nghị định thì lại kém đi một ít, đến khi thông tư thì lại chỉ còn là "lỗ kim" bé bé", ông Chính nói.
Không thể bỏ phí viễn thông công ích...
Liên quan đến phí viễn thông công ích, ông Bùi Quang Ngọc - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, đây là loại phí đang gây khó khăn đối với các doanh nghiệp.
Theo ông Ngọc, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng hiện phải nộp 1,5% doanh thu cho quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Bên cạnh khoản phí này, các doanh nghiệp viễn thông đang phải một khoản phí nữa là đóng phí thương quyền (0,5% doanh thu) nộp vào ngân sách nhà nước.
“Như vậy ngoài các khoản thuế phí như các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp viễn thông phải đóng thêm 2% phí viễn thông công ích và phí thương quyền”, ông Ngọc cho rằng doanh nghiệp đang phải chịu “một cổ hai tròng” và mức phí này đang “quá sức” với doanh nghiệp.
Ông Ngọc cho rằng, các doanh nghiệp sau khi đóng đầy đủ các loại thuế và phí theo quy định, thì phí công ích phải là sự tự nguyện. Trong khi internet là hạ tầng kết nối của nền kinh tế số, là cuộc sống kinh tế xã hội, văn hóa ngày nay, đáng lẽ doanh nghiệp phải được hỗ trợ, được khuyến khích thay vì phải chịu các khoản phí cao như hiện nay.
Theo đó, ông Ngọc đề xuất bỏ phí viễn thông công ích, vì công ích nhà nước nên làm từ ngân sách nhà nước hoặc các quỹ từ thiện xã hội, không nên bắt buộc các doanh nghiệp tham gia.
Ông Nguyễn Trung Chí cũng cho rằng phí công ích có bản chất là chia sẻ lợi ích với cộng đồng, chỉ nên khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đóng góp, không nên quy định thành một loại phí bắt buộc.
Trả lời kiến nghị của doanh nghiệp ngay tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cho biết việc xây dựng và duy trì quỹ viễn thông công ích là một trong những chính sách cơ bản tạo nên thành công việc tiếp cận dịch vụ viễn thông tại vùng sâu vùng xa.
“Thành công của chính sách công ích thể hiện qua việc thực hiện đóng quỹ viễn thông công ích để thực hiện các chương trình tại vùng sâu vùng xa, giảm bớt khoảng cách về tiếp cận dịch vụ viễn thông giữa các vùng. Đây là thành công rất lớn. Tuy nhiên không có gì tồn tại mãi. Chúng ta cũng đã từng điều chỉnh. Từ chỗ yêu cầu các doanh nghiệp đóng 3% thì hiện nay đã giảm xuống còn 1,5%”, ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, hiện nay, trên cơ sở kiến nghị xem xét giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, Bộ Thông tin Truyền thông đang báo cáo Chính phủ sửa đổi và xin cho phép điều chỉnh tỷ lệ thu từ 1,5% xuống còn 0,7%.
Vị này khẳng định không thể bỏ thu phí viễn thông công ích được vì đang thực hiện các nội dung công ích, cần có quỹ để thực hiện các chương trình cho vùng sâu vùng xa.
Ông Hưng cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp phải tuân thủ luật pháp và có trách nhiệm với các mục tiêu công ích. “Có những doanh nghiệp ngồi đây chưa tuân thủ đóng, quy định chưa thay đổi thì các doanh nghiệp vẫn phải đóng”, ông Hưng cho biết.
Liên quan đến đề nghị sửa đổi Nghị quyết 36a, theo ông Hưng qua 1 thời gian thực hiện Nghị quyết cho thấy đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên Bộ Thông tin Truyền thông nhưng cũng rất sẵn sàng cùng doanh nghiệp trao đổi cụ thể để giải quyết các tồn tại trong Nghị quyết này.
“Thủ tướng đã nói các doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào tất cả các lĩnh vực nhà nước không có trách nhiệm thực hiện, tinh thần này sẽ được đưa vào việc sửa đổi Nghị quyết 36a tới đây”, ông Hưng cho hay.
N.MẠNH
Theo Bizlive.vn