Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2018, trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 114,19 tỷ USD, tăng 16,3%, tương ứng tăng 15,96 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi đạt gần 3 tỷ USD
- Cập nhật : 16/01/2019
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước khu vực châu Phi đạt khoảng 6,6 tỷ USD.
Trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Hiện hàng hóa Việt Nam đã xuất sang 53/55 nước tại khu vực châu Phi, trừ Nam Sudan và Eriteria.
Được biết, những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang khu vực này gồm: hàng công nghiệp (điện thoại di động và linh kiện, máy tính và linh kiện, hàng dệt may, giày dép), hàng nông nghiệp (gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa, hạt điều nhân), hàng thủy sản (cá tra, ba sa, tôm), hàng vật liệu xây dựng... Hàng Việt Nam đã từng bước thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường châu Phi, đặc biệt là hàng nông sản, thủy sản và vật liệu xây dựng.
Đặc biệt, có 7 thị trường nước ta đang xuất khẩu kim ngạch trên 100 triệu USD là: Nam Phi, Ai Cập, Ghana, Algeria, Bờ Biển Ngà, Togo, Nigeria. Trong đó, Nam Phi luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực châu Phi với hơn 724,3 triệu USD năm 2018, giảm nhẹ 3,6% so với năm 2017. Bên cạnh đó, Ai Cập tiếp tục là thị trường lớn thứ hai với kim ngạch xuất khẩu khoảng 439 triệu USD, tăng 36,6% so với năm 2017. Ghana đứng thứ ba của với kim ngạch 278,3 triệu USD, tăng 3,7% so với năm 2017.
Hiện có 45/55 nước châu Phi đã tham gia vào WTO. Do đó, các nước này đã dỡ bỏ dần hàng rào phi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào thị trường.
Cũng trong năm 2018, Việt Nam nhập khẩu từ các nước châu Phi khoảng 3,6 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2017, qua đó, giảm mức nhập siêu của năm 2018 xuống còn 0,6 tỷ USD.
Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ khu vực châu Phi các mặt hàng như: dầu thô, dầu diesel, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, kim loại thường, phân bón, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may da giày; hàng nguyên liệu thô như điều thô, bông, gỗ, đồng, quặng, thức ăn gia súc... để phục vụ các ngành công nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu./.
Tố Uyên
THời báo tài chính Việt Nam