tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh

  • Cập nhật : 25/06/2016
 Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 983,05 triệu USD, tăng tới 60,31% so với cùng kỳ, cao nhất trong những mặt hàng xuất khẩu của nước ta.

Rau quả Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…Đáng lưu ý, đây không phải là thành tích bất chợt mà liên tục trong vài năm gần đây, rau quả luôn là một trong những mặt hàng XK chủ lực của nhóm nông lâm thủy sản. Việc rau quả có mặt tại hàng loạt thị trường khó tính không phải là may mắn mà do sự nỗ lực trong thời gian rất dài. Đơn cử, để được cấp phép vào Australia, trái vải Việt Nam đã phải trải qua 10 năm đàm phán về các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật. Ở các thị trường khác như Hoa Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… thời gian đàm phán cũng trên dưới 4 năm.

Trung Quốc – thị trường tiêu thụ rau qủa hàng đầu của Việt Nam, đã đạt mức tăng trưởng mạnh trong 5 tháng đầu năm nay, tăng tới 237,6% so với cùng kỳ, đạt 692,25 triệu USD, chiếm 70,4 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.

Bên cạnh đó, rau quả xuất sang Hoa Kỳ cũng tăng mạnh 61,63%, đạt 36,77 triệu USD. Tại thị trường Hoa Kỳ, chúng ta đã xuất khẩu được 4 loại trái cây là thanh long, chôm chôm, nhãn, vải. Dự kiến tới đây sẽ xuất khẩu quả vú sữa. 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã XK gần 2.000 tấn rau quả sang Hoa Kỳ, bằng 200% so với cùng kỳ năm ngoái, gần gấp đôi so với cả năm 2015, giúp ích tích cực cho mục tiêu đa dạng hóa các thị trường XK.

New Zealand không phải là thị trường mà Việt Nam kỳ vọng XK được nhiều loại trái cây bởi đây là nước mạnh về nông nghiệp, nhưng do là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới nên khi được New Zealand chấp nhận thì trái cây Việt Nam sẽ dễ dàng được cấp phép XK sang nhiều thị trường khác. Hiện tại, xoài và thanh long của Việt Nam đã được New Zealand “mở cửa” và chôm chôm sẽ là trái cây tiếp theo được cấp phép vào thị trường này. Còn với thị trường Nhật Bản, quả xoài và thanh long; thị trường Australia là quả thanh long, vải, xoài, đã có chỗ đứng.

Hầu hết các thị trường “ khó tính” đều là các nước tham gia TPP. Các mặt hàng rau quả xuất khẩu tới thị trường các nước là thành viên của TPP đều tăng đều qua các năm, giá trị thu được cao hơn 4-6 lần so với thị trường thông thường. Theo các chuyên gia nông nghiệp, muốn nâng cao được giá trị cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung, việc hướng tới sản xuất và chế biến sâu sẽ giúp nâng cao giá trị hàng hóa, tránh được tình trạng dư thừa và phụ thuộc vào thị trường do các nông sản có tính thời vụ.

Trong tổng số 4.608 tấn trái cây tươi Việt Nam xuất sang các thị trường khó tính (Hoa Kỳ, Nhật, Hàn, New Zealand, Australia) trong 6 tháng đầu năm, thì thanh long chiếm đến hơn 72%. Trong thời gian tới, dự báo thanh long xuất sang các thị trường cao cấp sẽ còn tăng mạnh khi Đài Loan mở cửa trở lại cho loại trái cây này. Thị trường Đài Loan có khả năng nhập khẩu thanh long của Việt Nam từ 14.000 - 16.000 tấn/năm. Cách đây 6 năm, Việt Nam đã xuất thanh long sang đây từ 13.000 - 14.000 tấn/năm.

Theo ông Chu Hồng Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (đơn vị phụ trách mở cửa thị trường khó tính), yếu tố giúp thanh long trở thành “vua trái cây xuất ngoại” là nhờ bảo quản được đến 40 ngày nên có thể vận chuyển bằng đường biển (21 ngày) với chi phí thấp. Trong khi đó, chôm chôm, nhãn, vải tươi không bảo quản được lâu, gây khó cho các nhà bán lẻ. Hiện cước vận chuyển trái cây bằng đường hàng không là 3,6 USD/kg (đường biển 0,2 - 0,3 USD/kg) khiến chi phí nhiều loại trái cây Việt sang Hoa Kỳ cao, hạn chế sức cạnh tranh.

Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ về xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2016

ĐVT: USD

 

Thị trường

 

5T/2016

 

5T/2015

+/- (%) 5T/2016 so với cùng kỳ

Tổng kim ngạch

983.051.900

613.217.930

+60,31

Trung Quốc

692.248.893

205.045.554

+237,61

Hoa Kỳ

36.766.032

22.747.132

+61,63

Hàn Quốc

35.440.845

28.328.308

+25,11

Nhật Bản

27.726.087

29.354.288

-5,55

Hà Lan

22.970.818

14.344.943

+60,13

Malaysia

19.253.394

15.782.840

+21,99

Thái Lan

18.498.141

15.316.248

+20,77

Đài Loan

14.577.666

12.719.550

+14,61

Singapore

11.653.988

10.665.263

+9,27

Australia

8.686.220

6.701.135

+29,62

U.A.E

8.494.744

4.294.329

+97,81

Nga

8.442.051

10.810.280

-21,91

Canada

7.193.110

7.316.060

-1,68

Pháp

5.660.566

3.975.526

+42,39

Đức

4.916.200

5.702.047

-13,78

Anh

4.833.496

2.694.077

+79,41

Indonesia

4.488.297

3.588.919

+25,06

Hồng Kông

4.059.803

9.725.582

-58,26

Lào

1.967.575

3.102.855

-36,59

Italia

1.798.239

1.060.624

+69,55

Campuchia

1.484.471

962.265

+54,27

Cô Oét

1.081.757

2.165.946

-50,06

Ucraina

287.444

204.408

+40,62


Theo Vinanet
Trở về

Bài cùng chuyên mục