Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), trong năm 2015, Campuchia đã vượt Việt Nam để vươn lên vị trí thứ 5 trong nhóm các thị trường xuất khẩu dệt may nhiều nhất vào EU.
Rau quả Việt Nam gặp hạn vì Trung Quốc
- Cập nhật : 21/09/2015
(Tin kinh te)
Trước những biến động kinh tế, nông sản Việt Nam dần “đuối sức”, gặp khó trong vấn đề cạnh tranh và liên tục bị các nước trong khu vực “cướp” mất thị trường. Hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm mạnh cả lượng và chất.
Nông sản Việt mất dần thị trường
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD), cho biết, một thập kỷ trở lại đây kinh tế thế giới biến động mạnh, gần đây nhất là sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam thường xuyên nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc. 20% nông sản Việt cũng là xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, biến động từ Trung Quốc tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp tới thương mại nông sản của Việt Nam.
Trong khi đó, tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu nông sản nhưng suốt từ cuối năm 2014 đến nay, xuất khẩu nông sản sụt giảm mạnh và dần mất sức cạnh tranh - ông Nguyễn Trung Kiên, Quyền trưởng Bộ môn Thị trường và Ngành hàng (IPSARD), nói thêm.
Ông Kiên dẫn chứng, trước đây, gạo 25% và gạo 5% tấm của Việt Nam có giá bán khá cạnh tranh so với gạo của Thái Lan, Ấn Độ thì nay, giá đã xấp xỉ bằng nhau. Thị phần xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc rộng lớn cũng theo đà “tuột dốc”.
“Năm 2012-2013, Việt Nam chiếm trên 65% thị phần nhập khẩu gạo của Trung Quốc nhưng đến năm 2014 giảm xuống còn 53%, và tính hết 4 tháng đầu năm 2015 con số này chỉ còn là 47%. Đối thủ thế chân Việt Nam xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc chính là Thái Lan, Campuchia và Pakistan”, ông Kiên nói.
Tương tự, với mặt hàng cà phê, ông Kiên cho hay giá Arabica (cà phê chè) của Brazil và Colombia giảm mạnh cũng gây sức ép lớn với xuất khẩu cà phê Robusta (cà phê vối) của Việt Nam.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm giá trong thời gian tới. Cụ thể, đến năm 2020, gạo sẽ giảm giá 7, cà phê Robusta và tôm giảm 13%, cao su chạm đáy năm 2015 rồi dần tăng trở lại nhưng rất khó quay lại mức giá trước năm 2013.
Các mặt hàng thủy sản cũng không khá hơn khi tôm xuất khẩu của Việt Nam có giá bán cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Ấn Đô, Thái Lan và Indonesia. Chúng ta đang mất thị phần tôm vào tay Ấn Độ, Indonesia trên các thị trường lớn như Mỹ.
Thị trường Mỹ: Cứu cánh?
Tại Hội thảo “Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế” do IPSARD tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ khó khăn trước mắt cần tận dụng thị trường Mỹ do đồng USD vẫn giữ mức giá cao. Cụ thể, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Ngoài ra, nhanh chóng kết nối để có các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia, Philippines, Malaysia vì các nước này có thể thiếu hụt nguồn cung trong năm nay. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường chính ngạch sang Trung Quốc đối với các mặt hàng có thể xuất khẩu như sắn, rau quả, cao su, điều, gỗ,...
Về xúc tiến thương mại, chuyên gia cà phê Đoàn Triệu Nhạn nhận định, cần phải thay đổi theo hướng xác định cụ thể, rõ ràng đối tượng và cách thức xúc tiến.
Hiện nay, Đức, Italya, Mỹ là các thị trường nhập khẩu cà phê truyền thống của Việt Nam thì không cần năm nào cũng tiến hành đi xúc tiến thương mại theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Thực tế, Việt Nam cũng đã hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu mới, thậm chí có đi khảo sát nhưng khảo sát chưa thực sự đến nơi đến chốn để hình dung rõ thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu cho phù hợp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, lại cho rằng, chiều sâu của “bức tranh” phải xem xét theo chuỗi giá trị.
Ông Tài nói rằng, đã có nhiều đề tài nghiên cứu về chuỗi giá trị nông sản nhưng dừng lại khi sản phẩm mới đi đến cửa khẩu. Lẽ ra, doanh nghiệp cần cái nhìn tường tận khi hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng. Do đó, quan trọng là Việt Nam phải nghiên cứu hình thành các chuỗi giá trị nông sản ổn định từ sản xuất, chế biến tới tiêu thụ, có như vậy mới tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu.
Đơn cử, ngành chè có doanh nghiệp quy mô nhỏ, một năm xuất khẩu khoảng 1.000 tấn nhưng chỉ bán cho hai khách hàng trên thế giới. Tuy nhiên, điểm khác biệt là doanh nghiệp này bán tới tận khách hàng cuối cùng mà không qua kênh trung gian nào. Nhờ vậy, trong bối cảnh xuất khẩu chè khó khăn, doanh nghiệp vẫn bán được mức giá cao, thậm chí còn được đối tác ứng trước tiền, ông Tài dẫn chứng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý nông nghiệp Việt Nam cần tổ chức lại sản xuất, vẫn duy trì các hộ nhưng phải đảm bảo quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm đồng bộ. Trước mắt, làm tốt các khâu quy hoạch, tổ chức sản xuất rồi mới bàn tới thị trường.
Theo Bảo Hân
Vietnamnet