Trong 9 tháng đầu năm 2018, tuy nhập khẩu bông từ thị trường Brazil chỉ chiếm trên 8% tỷ trọng nhưng tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cơ hội cho xuất khẩu rau quả năm 2016
- Cập nhật : 26/01/2016
(Xuat khau)
Nhiều chuyên gia dự báo, ngành rau quả Việt Nam sẽ có cơ hội và tiềm năng để vươn lên xuất khẩu ấn tượng trong năm 2016.
Với những kết quả đạt được trong năm 2015 vừa qua, trong đó nổi bật là khoảng 2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, cùng với việc thâm nhập được một số thị trường “khó tính” trên thế giới, ngành rau quả Việt Nam đang được nhiều chuyên gia dự báo là sẽ có cơ hội và tiềm năng để vươn lên xuất khẩu ấn tượng trong năm 2016.
Dự báo được đưa ra không chỉ dựa trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm qua của ngành rau quả Việt Nam, mà cả từ nhu cầu tiêu thụ của không ít thị trường vốn được coi là khó tính, như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Liên minh Châu Âu (EU).
Trong năm 2015 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ hơn 3 tấn vải, trên 100 tấn nhãn. Đối với Nhật Bản, ngoài hơn 1.200 tấn thanh long, trong năm 2015 đã xuất khẩu được trên 10 tấn xoài. Thị trường Australia cũng đã chính thức cho phép nhập khẩu quả vải tươi của Việt Nam, với trên 28 tấn.
Tính chung đến năm 2015, các mặt hàng rau, quả của Việt Nam đã được xuất khẩu đến trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có 10 thị trường chủ lực, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore. Đây là một trong số không nhiều các mặt hàng nông sản của Việt Nam đạt được con số ấn tượng trong xuất khẩu, với khoảng 2 tỷ USD trong năm 2015.
Dù số lượng và kim ngạch xuất khẩu chưa lớn nhưng theo các chuyên gia, trong bối cảnh các mặt hàng nông sản khác sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu trong năm qua, thì đây là tín hiệu vui, mang lại tiềm năng và cơ hội cho ngành rau quả Việt Nam vươn lên, đạt kết quả ấn tượng trong năm 2016.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, hiện các nước nhập khẩu chỉ còn sử dụng 2 hàng rào kỹ thuật là an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Nếu đáp ứng được 2 hàng rào này thì Việt Nam có khả năng cạnh tranh để xuất khẩu đi các nước.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệt trong năm 2016, với việc Việt Nam trở thành thành viên Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thành viên cộng đồng kinh tế ASEAN, càng tạo cơ hội và tiềm năng cho ngành rau quả vươn lên.
Theo ước tính, tổng dung lượng của thị trường rau quả thế giới hàng năm khoảng 240 tỷ USD. Riêng 11 quốc gia thành viên Đối tác xuyên Thái Bình Dương hàng năm nhập khẩu tới hơn 50 tỷ USD hàng rau, củ quả.
Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia thương mại về nông sản cho rằng, tiềm năng của thị trường rau củ quả thế giới còn rất lớn nhưng do quy mô nhỏ nên Việt Nam mới chỉ khai thác được rất ít.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù có nhiều cơ hội và tiềm năng nhưng ngành rau quả Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, rào cản lớn nhất hiện nay là tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng trên rau, quả vẫn còn phổ biến như: ruồi đục quả, dư lượng thuốc sâu, hàm lượng kim loại nặng, chất lượng bao bì… còn hạn chế.
Để nâng cao kim ngạch xuất khẩu rau quả, giải pháp quan trọng là cần tổ chức lại sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao, quy mô lớn, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn sản xuất sạch của nước nhập khẩu cũng như tiêu chuẩn Global Gap, rau quả Việt Nam sẽ tự vươn xa và kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hơn trong những năm sắp tới.
“Đối với lĩnh vực rau, hoa quả quan trọng nhất là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Muốn hội nhập sâu, rõ ràng chất lượng phải được nâng lên. Muốn chiếm được thị trường trong nước cũng phải nâng cao chất lượng. Cho nên, nhiệm vụ hàng đầu đối với ngành rau quả đó là chất lượng, trong đó là chất lượng an toàn thực phẩm để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng của chất lượng an toàn thực phẩm, ông Ngọc nhấn mạnh.
Với khoảng 2 triệu ha rau quả hiện có, cộng với việc thâm nhập được những thị trường mới “khó tính” nhưng hứa hẹn mang lại nguồn thu cao, đang tạo cơ hội và tiềm năng cho ngành rau quả vươn lên, từ sản phẩm thứ yếu lên chiếm vị trí cao trong “bảng tổng sắp” kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản, vươn lên xuất khẩu ấn tượng trong năm mới 2016./.