Đại diện các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan khẳng định: "Việt Nam nghiêm túc thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA, chấp nhận C/O điện tử với doanh nghiệp Hàn Quốc".
Xuất khẩu nông sản đối mặt thách thức
- Cập nhật : 09/05/2016
(Tin kinh te)
Dù khối lượng và kim ngạch cải thiện, nhưng rủi ro thiếu hụt nguyên liệu đang hiển hiện
Bất chấp cầu tiêu dùng thế giới sụt giảm do tác động từ khó khăn kinh tế của nhiều quốc gia, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn đạt thành tích đáng nể. Báo cáo phát đi từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản 4 tháng đầu năm 2016 ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2015.
Như vậy, nhận định của các chuyên gia một lần nữa cho thấy tính đúng đắn, mặc dù khó khăn kinh tế thế giới kéo dài nhưng tiêu dùng hàng hóa Việt Nam vẫn tăng, do chúng ta chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu.
Dường như xuất khẩu “khả quan” trên diện rộng. Trong hơn 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản 4 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,98 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2015; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 1,97 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 2,25 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Khai thác tốt thị trường là một trong những lợi thế mang lại cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Chẳng hạn như, xuất khẩu gạo tăng trưởng khá do các hợp đồng lớn đã ký với đối tác Trung Quốc, Indonesia; trong khi một số thị trường quy mô nhỏ hơn cũng có tốc độ tăng nhập khẩu rất lớn như Ghana, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất...
Tương tự, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan, Anh, Đức và Nga là các thị trường có tác động lớn đến xuất khẩu hạt điều của Việt Nam, do chiếm thị phần lớn và có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu khả quan. Một số nông sản khác do duy trì và khai thác tốt thị trường đã thúc đẩy tăng trưởng khối lượng xuất khẩu đáng kể: cà phê tăng 44,6%; cao su tăng 28,9% và hạt tiêu tăng 28,3%.
Xuất khẩu thủy sản cũng vậy, nhiều thị trường truyền thống vừa ghi nhận giai đoạn tăng trưởng mạnh trong quý I năm nay, với giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 15,08%, Trung Quốc tăng 33,18%, Thái Lan tăng 24,41% và Anh tăng 20,48%.
Tuy có được thuận lợi về thị trường và khối lượng xuất khẩu tăng, nhưng rủi ro nguồn cung sụt giảm trong năm nay đang hiển hiện. Theo ghi nhận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năng suất lúa Đông Xuân toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long năm nay giảm 4 tạ/ha (-5,7%) so với vụ trước và giảm ở tất cả các tỉnh trong vùng. Nguyên do là chịu ảnh hưởng của khô hạn, xâm nhập mặn. Trong khi đó, do đặc thù thời tiết vụ Hè Thu năm nay khắc nghiệt, khả năng hạn hán và nhiễm mặn vẫn tiếp diễn nên một số khu vực chưa thể xuống giống.
Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, do hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, tính đến ngày 15/4/2016 ước thiệt hại về lúa là 240.539 ha, hoa màu 18.370 ha, cây ăn quả 56.091 ha, cây công nghiệp 104.511 ha…
Dự kiến ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ có khoảng 40.000 ha đất lúa phải dừng sản xuất. Tình trạng hạn hán, thiếu nước cho cây trồng sẽ ảnh hưởng đến các địa phương khác trong khu vực. Cũng cơ quan này cho hay, tình hình hạn hán vẫn kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng cà phê niên vụ 2016/2017. Ở Tây Nguyên, do không đủ nước tưới nên cà phê bắt đầu khô héo, rụng quả.
Trong khi đó, bước sang tháng 4/2016, giá lúa gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ. Lý do là các kho gạo của DN hiện đã đầy hàng nên việc thu mua lúa bị ngừng lại, cộng thêm sức mua từ Trung Quốc cũng bắt đầu giảm. Giá thu mua hạt điều tại Bình Phước giảm do đang là thời điểm cuối vụ thu hoạch, chất lượng hạt thấp… Diễn biến giá cả như vậy làm giảm đáng kể nhu cầu và tính toán mở rộng diện tích của người dân.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng gặp rất nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ cùng với hạn mặn ở các tỉnh ven biển và vùng đồng bằng sông Cửu Long dẫn tới sản xuất các sản phẩm chủ lực về xuất khẩu của cả nước giảm. Đối với cá tra nguyên liệu, do giá cá tra xuống thấp trong một thời gian dài, nhiều hộ thua lỗ, cùng với tính chất không ổn định của giá cá… nên người nuôi chưa mạnh dạn tái đầu tư, quy mô diện tích vẫn có chiều hướng bị thu hẹp.
Trong khi đó, tình trạng xâm nhập mặn làm cho dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi tôm nước lợ của hầu hết các tỉnh - tôm nuôi chậm lớn và chủ yếu bị mắc các bệnh đốm trắng, nhiễm ký sinh trùng, hoại gan tủy cấp tính...
Như vậy, những tín hiệu khởi sắc từ xuất khẩu nông sản những tháng đầu năm có thể chưa phản ánh hết bức tranh ngành nông nghiệp năm nay. Nếu nhìn vào nguồn cung nông sản còn nhiều khó khăn như trên, câu chuyện giá cả và sản lượng cung ứng có thể sẽ rất khác trong những tháng cuối năm nay.
Hồng Lam
(Thời báo Ngân hàng)