Mới đây, Chính phủ Thái Lan có thông báo sẽ bán toàn bộ khoảng 11,4 triệu tấn gạo dự trữ trong vòng 2 tháng tới (tháng 5 và tháng 6) với mục tiêu thu về hơn 2,8 tỷ USD.
Thái Lan xả kho gạo khổng lồ, gạo Việt ‘nín thở’
- Cập nhật : 09/05/2016
(Tin kinh te)
Ngay khi có thông tin Thái Lan sẽ bán ồ ạt gạo với số lượng “khủng”, xuất khẩu gạo Việt Nam lập tức bị ảnh hưởng.
Chính phủ Thái Lan vừa thông báo sẽ bán toàn bộ 11,4 triệu tấn gạo dự trữ với mục tiêu thu về hơn 2,8 tỉ USD. Đây là lần bán gạo ra thị trường thế giới lớn chưa từng có trong lịch sử của nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới này.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, với kế hoạch chỉ trong vòng 60 ngày (trong tháng 5 và 6), Thái Lan sẽ bán ra lượng gạo nhiều hơn cả số lượng xuất khẩu trong cả năm - trung bình mỗi năm nước này xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn gạo. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ kéo giá gạo thế giới giảm xuống và gây bất lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Gạo Việt lo lắng
Một số công ty xuất khẩu gạo Việt Nam cho biết một số đối tác đã tạm dừng nhập khẩu để nghe ngóng thông tin Thái Lan xả kho gạo 11,4 triệu tấn. Thậm chí tình hình xuất khẩu gạo đã có hiện tượng “dậm chân tại chỗ”.
Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt, dẫn chứng hiện nay nhiều khách hàng đang đàm phán mua hàng và có thỏa thuận giao dịch từ trước đã dừng mọi hoạt động. Đây chủ yếu là những khách hàng mua gạo trắng đến từ các nước châu Á như Trung Quốc, Philippines và châu Phi.
“Họ giải thích là muốn có thêm thời gian để tính toán, theo dõi thị trường” - ông Long nói.
“Hiện giá gạo trắng của Việt Nam đang bán thấp hơn Thái Lan 5-10 USD/tấn. Song khi bán ra số lượng lớn, nước này sẽ hạ giá để thu hút khách hàng, từ đó có thể sẽ kéo giá gạo Việt đi xuống theo” - ông Long nhận định.
Tương tự, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, cho hay các thị trường mua gạo của Việt Nam như Trung Quốc, châu Phi hầu hết là gạo trắng chất lượng trung bình hoặc gạo cấp thấp. Trong khi đó, lượng gạo trong kho của Thái bán ra lần này cũng chủ yếu là gạo trắng phẩm cấp thấp. Đây là dòng gạo cạnh tranh trực tiếp với gạo giá thấp đang chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam.
“Trước thông tin trên, những thị trường truyền thống của gạo Việt dù đang có nhu cầu nhập gạo nhưng dừng lại chờ đợi giá cả, động thái của Thái Lan rồi mới quyết định mua vào. Còn những đối tác khác như Trung Quốc hay châu Phi thì sẽ mặc cả, ép giá gạo xuất khẩu của Việt Nam” - ông Tuấn nói.
Nhận định về việc Thái Lan có kế hoạch bán tháo hàng chục triệu tấn gạo, Bộ Công Thương cho rằng điều này có thể khiến xuất khẩu gặp thách thức, cạnh tranh gay gắt. Tán đồng với quan điểm này, một số chuyên gia phân tích Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn nên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng vì muốn bán được phải hạ giá. Hơn nữa, dù gạo tồn kho của Thái không ngon bằng gạo mới của Việt Nam nhưng với những nước nghèo thì giá rẻ là sự lựa chọn hàng đầu.
Diễn biến khó lường
Dù thừa nhận sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo Việt Nam nhưng ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trấn an: “Không nên quá lo lắng bởi sự tác động sẽ không nhiều”. Theo ông Năng, những hợp đồng đã ký từ quý IV-2015 đến nay vẫn chưa giao hết hàng, còn khoảng 1,4 triệu tấn gạo. Đó là chưa tính các hợp đồng ký mới.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương đánh giá hiện nay lợi thế cạnh tranh về giá của gạo Việt Nam không còn như các năm trước khi “vựa lúa gạo” Thái Lan chấp nhận bán ra với giá thấp để giải quyết vấn đề tồn kho. Bộ này cũng nhận định xuất khẩu gạo trong năm nay tiếp tục chịu tác động trong bối cảnh diễn biến khó lường của các thị trường gạo thế giới không chỉ về giá xuất khẩu mà còn là chất lượng, thương hiệu.
Chính vì vậy, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc bộ, thương vụ Việt Nam tại các nước… tăng cường theo dõi sát tình hình thị trường để kịp thời có giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến từng thị trường, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.
Bên cạnh đó, để ứng phó thách thức lớn sắp tới, Bộ Công Thương đề nghị Bộ NN&PTNT rà soát các cam kết quốc tế của Việt Nam về kiểm dịch thực vật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, tạo điều kiện đa dạng hóa thị trường.
Một số chuyên gia cũng cảnh báo không nên chủ quan, Việt Nam phải giữ chắc thị trường truyền thống, đồng thời mở thêm thị trường mới bằng việc khai thác tiềm năng, cơ hội xuất khẩu gạo từ các hiệp định thương mại đã ký.
Trung Quốc ăn nhiều gạo Việt nhất
Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu gạo bốn tháng đầu năm nay của nước ta đạt hơn 2 triệu tấn với giá trị 916 triệu USD. Con số này tăng 12% về khối lượng và tăng 14% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong ba tháng đầu năm nay với gần 32% thị phần. Ba tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng 42% về khối lượng và tăng 62% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
____________________________
Theo ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, trước mắt có thể Thái Lan sẽ tìm cách xuất khẩu gạo qua con đường hợp đồng chính phủ với Trung Quốc, Philippines, Indonesia… với số lượng lớn, hoặc bán dạng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vì vậy gạo Việt vẫn còn có phân khúc gạo mới để xuất khẩu.
Theo PLO.vn