Sản lượng cà phê của nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới niên vụ 2015-2016 dự báo xuống thấp nhất 4 năm do hạn hán tồi tệ nhất 30 năm qua.
Xuất khẩu gạo: Giá bán không theo kịp giá mua
- Cập nhật : 30/04/2016
(Tin kinh te)
Xuất khẩu gạo tăng cả lượng và giá trị những tưởng doanh nghiệp sẽ vui mừng thế nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang “kêu” khó khi giá xuất khẩu không theo kịp giá thu mua.
Có “số má” trong “làng” xuất khẩu gạo của Việt Nam, lượng xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời trong 3 tháng đầu năm 2016 tăng đến 50% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ vậy, ông Phạm Thanh Thọ, Thành viên HĐQT, Phó Giám đốc ngành lương thực Tập đoàn Lộc Trời vui mừng cho biết: “xuất khẩu gạo quý I có tín hiệu tốt. Việc ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo có thuận lợi. Ngoài việc thực hiện giao hợp đồng đã ký 2015, chúng tôi đã ký một số hợp đồng mới, trong đó có cả hợp đồng thương mại để giao hàng trong quý II và quý III”.
Đây cũng là xu hướng chung của bức tranh xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2016. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng gạo xuất khẩu của cả nước tháng 3 đạt hơn 589.000 tấn với trị giá đạt 263,5 triệu USD, tăng 24,1% về lượng và 31,5% về trị giá so với tháng 2. Lũy kế 3 tháng, xuất khẩu gạo đạt 1,55 triệu tấn, với trị giá đạt hơn 680 triệu USD, tăng tương ứng 38,1% về lượng và 38,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường xuất khẩu chính vẫn là Trung Quốc với 474.400 tấn, tăng 42,2% so với mức xuất khẩu cùng kỳ năm 2015; tiếp đó là Indonesia với 350.700 tấn; Philippines với 190.700 tấn…
Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang phải đối mặt với diễn biến thất thường của giá cả khi giá đầu vào liên tục tăng và có chiều hướng đứng ở mức cao trong tháng 3 nhưng giá xuất khẩu lại không tăng kịp so với tốc độ tăng của giá thu mua trong nội địa. Điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu quý II và quý III tới. “Thị trường xuất khẩu không phải “sân chơi” riêng của doanh nghiệp Việt Nam mà còn là của nhiều nước khác, đặc biệt Việt Nam không phải là người dẫn dắt về giá nên càng bị chịu tác động lớn hơn. Giá xuất khẩu của Thái Lan, Ấn Độ không tăng đột biến do hạn hán, xâm nhập mặn nhưng ở Việt Nam sản lượng lúa gạo vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm đã đẩy giá lúa nội địa tăng lên, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Thọ phân tích.
Xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài không chỉ khiến doanh nghiệp “đứng ngồi không yên” mà đến cả các nhà lãnh đạo cũng lo cho vấn đề thiếu nguồn cung ảnh hưởng lớn đến kế hoạch xuất khẩu của năm 2016. Bởi xâm nhập mặn đã phá hủy nhiều diện tích trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Học cách liên kết
Trên thực tế, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng thuộc top đầu về lượng xuất khẩu nhưng nếu ai hỏi gạo Việt đang đứng ở vị trí nào trên bản đồ thế giới thì câu trả lời là “không biết”. Thực tế buồn này xuất phát từ việc gạo Việt không có thương hiệu, khi xuất khẩu đi nước khác thường được gắn mác với tên của một nước khác. Chính vì thế, không ai biết đến gạo Việt Nam!
Để xây dựng thương hiệu gạo, chúng ta không nên chạy theo số lượng như hiện tại, cũng không nên quá trông chờ vào con số này bởi xuất nhiều nhưng giá trị thu về chẳng được bao. Hơn nữa, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) còn cho biết, nếu giá xuất khẩu tốt thì chúng ta vẫn phải “chiến đấu”, tuy nhiên không nên tìm mọi cách để làm khi xuất khẩu không thu được lãi. Theo ông Tuấn, khi giàu có, tăng thu nhập thì người tiêu dùng có xu hướng giảm ăn gạo và ăn những thứ có giá trị dinh dưỡng cao như thịt, rau quả, trái cây…
Đưa ra những lập luận này để thấy, nếu sản lượng xuất khẩu gạo có sụt giảm cũng là điều bình thường. Việc quan trọng của Việt Nam lúc này là tập trung vào sản xuất gạo cao cấp để tiếp cận thị trường phân khúc trung lưu. Nếu làm được thì việc xây dựng thương hiệu gạo Việt cũng sẽ có cơ sở để hình thành.
Hiện Tập đoàn Lộc Trời đang có hướng tiếp cận riêng của mình. Ông Thọ cho biết, đối với dòng gạo phổ thông, Việt Nam vẫn ở thế yếu. Hàng năm sản lượng gạo của công ty bán ra không nhiều, chỉ khoảng 15.000 tấn cho thị trường nội địa. Còn thị trường nước ngoài, gạo cao cấp vẫn giữ thế chủ đạo. So sánh về lợi nhuận mà dòng sản phẩm cao cấp mang lại, hầu hết doanh nghiệp đều nhận định là hấp dẫn hơn nhiều so với hàng phổ thông và cấp thấp. Cụ thể, với dòng gạo cao cấp, Lộc Trời xuất khẩu với mức giá khoảng 700 USD/tấn, trong khi loại gạo trắng thông thường chỉ bán với mức giá 370-380 USD/tấn.
Để có được các sản phẩm gạo cao cấp, Tập đoàn Lộc Trời đã sản xuất gạo cấp cao theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu đầu vào đến khâu cuối cùng, kiểm soát chặt theo quá trình cung cấp vật tư nông nghiệp, đặc biệt là giống bằng cách hợp tác với nông dân theo chuỗi giá trị. Theo đó, Tập đoàn này đầu tư cho nông dân từ vật tư nông nghiệp đầu vào cùng với nông dân tổ chức canh tác lúa và ký kết hợp đồng đến lúc thu hoạch sẽ thu mua theo giá cả thị trường. “Cùng với định hướng này, thời gian tới chúng tôi sẽ hướng đến những thị trường cao cấp như Mỹ, Hồng Kông, Singapore và một số nước EU để có thể tận dụng cơ hội về thuế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết”, ông Thọ khẳng định.
Ông Phạm Thanh Thọ, Thành viên HĐQT, Phó Giám đốc ngành lương thực Tập đoàn Lộc Trời:
Với Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo theo tôi được biết có 2 luồng ý kiến là nên mở cửa tự do tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu và kiểm soát chặt đầu mối chính để xuất khẩu giảm bớt sự cạnh tranh nội bộ giữa các doanh nghiệp với nhau. Đến nay chưa có quan điểm nào rõ ràng, thiên về hướng nào nhưng tôi được biết, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Thái Lan và nước xuất khẩu mới nổi là Campuchia đều đi theo hướng tập trung vào lượng đầu mối nhất định, giảm bớt sự cạnh tranh nội bộ giữa các doanh nghiệp với nhau trong cùng quốc gia, đi đến một số thống nhất về thị trường, giá cả, phân khúc và xây dựng thương hiệu gạo.
Tôi cũng cùng suy nghĩ nên quy định kiểm soát để tập trung đầu mối doanh nghiệp đủ năng lực để có thể cạnh tranh. Theo đó, doanh nghiệp hợp tác với nông dân thực hiện mô hình cánh đồng lớn, tạo điều kiện thuận lợi trong cơ giới hóa nông nghiệp để trồng giống lúa chất lượng cao, kiểm soát chất lượng. Khi doanh nghiệp lớn, đầu mối có đủ năng lực thì họ có thuận lợi hơn trong việc tổ chức sản xuất, tạo gạo chất lượng cao. Nếu mở rộng quá nhiều, nhiều nhà máy nhỏ, thương lái nhỏ, tư nhân nhỏ thì sẽ khó khăn trong việc phát triển gạo chất lượng cao. Bởi muốn làm gạo chất lượng cao phải có quy hoạch bài bản, tổ chức sản xuất tập trung, kiểm soát chất lượng, giữ ổn định chất lượng.
Phan Thu
Theo Báo Hải Quan